Tình hình đại dịch COVID-19 tính đến tối 2-4

Tính đến 19 giờ 50 phút ngày 2-4 (giờ Việt Nam), trang thống kê Worldometer dẫn nguồn cơ quan y tế các nước ghi nhận toàn thế giới có 48.578 người tử vong vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (tên chính thức là đại dịch COVID-19), trong tổng số 955.136 ca nhiễm.

Hiện đại dịch đã lan ra 203 quốc gia và vùng lãnh thổ. Số ca nhiễm ở Mỹ tính đến nay là 215.357 ca, cao nhất thế giới. Ý xếp thứ hai thế giới với 110.574 ca. Tây Ban Nha ghi nhận 110.238 ca xếp vị trí thứ ba và Trung Quốc thứ tư với 81.589 ca.

Về số người chết, Ý hiện vẫn nghiêm trọng nhất thế giới với 13.155 người, xếp thứ hai là Tây Ban Nha với 10.003 người. Mỹ xếp thứ ba với 5.113 người.

Thế giới đã có 203.011 bệnh nhân đã được xuất viện sau khi được điều trị hồi phục.

Ca nhiễm ở Iran vượt 50.000 người

Iran hôm 2-4 báo cáo tổng số ca nhiễm COVID-19 ở nước này đã vượt qua mốc 50.000, cụ thể là 50.468 người, tăng thêm 2.875 trường hợp so với ngày trước đó, phát ngôn viên của Bộ Y tế Kianush Jahanpoor nói trên truyền hình nhà nước.

Bộ Y tế nước này cũng báo cáo thêm 124 ca tử vong mới liên quan đến COVID-19, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên 3.160 ca. 

Đến lúc này Iran đã có 16.711 bệnh nhân được điều trị hồi phục và được xuất viện. Tuy nhiên, vẫn còn 3.965 bệnh nhân nhập viện vẫn đang trong tình trạng nguy kịch, ông Kianush Jahanpoor nói thêm.

Iran là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch COVID-19 ở Trung Đông.

Tây Ban Nha ca tử vong tăng kỷ lục, vượt 10.000 người

Hôm 2-4, Tây Ban Nha lại chạm một cột mốc nghiệt ngã khác trong đợt bùng phát dịch COVID-19: Số người chết đã hơn 10.000. 

Chỉ trong 24 giờ, Bộ Y tế Tây Ban Nha ghi nhận tới 950 ca tử vong mới - mức tăng kỷ lục từ trước đầu dịch. Tổng số người tử vong ở nước này đến nay là 10.003 ca.

Số ca tử vong ở Tây Ban Nha đã vượt quá 10.000 người. Ảnh: GETTY IMAGES

Tuy nhiên, một điểm đáng lạc quan là sự bùng phát dịch bệnh của quốc gia này đang có dấu hiệu chậm lại. Mức tăng số ca nhiễm ngày 2-4 ghi nhận tương đương với mức tăng một ngày trước đó là 10,5%. Tỉ lệ này thấp hơn nhiều so với những số liệu được ghi nhận trong hai tuần qua.

Thủ tướng Israel tự cách ly một tuần sau khi bộ trưởng y tế nhiễm COVID-19

Theo một tuyên bố từ Văn phòng Thủ tướng, sau khi Bộ trưởng Y tế Israel - ông Yaakov Litzman có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã tự cách ly một tuần. 

Đây là lần thứ hai ông Netanyahu tự cách ly để đề phòng dịch bệnh. Nhà lãnh đạo 70 tuổi đã từng tự cách ly một thời gian ngắn sau khi một trong những phụ tá của ông nhiễm COVID-19 vào cuối tháng trước. Ông Netanyahu đã hai lần xét nghiệm và âm tính với virus gây dịch bệnh này.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tự cách ly một tuần sau khi bộ trưởng nước này dương tính với COVID-19. Ảnh: AFP

Bộ trưởng Litzman hiện tình trạng sức khỏe vẫn tốt, theo thông báo từ Bộ Y tế. Vợ ông cũng nhiễm COVID-19 và cũng sẽ cách ly ở nhà với chồng. Trong thời gian cách ly và điều trị, Bộ trưởng Litzman vẫn sẽ tiếp tục làm việc.

Các thành viên cao cấp của Bộ Y tế và các trợ lý của ông Litzman cũng sẽ tự cách ly.

Tính đến chiều 2-4 (giờ Việt Nam), Israel đã có 6.211 ca nhiễm và 32 trường hợp tử vong do COVID-19.

Áo 10.892 ca nhiễm, bắt buộc đeo khẩu trang

Tính đến chiều 2-4 (giờ Việt Nam), Bộ Y tế Áo báo cáo nước này đã có tới 10.892 ca nhiễm COVID-19 với 158 ca tử vong.

Trước tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz bắt buộc người dân phải mang khẩu trang khi vào các cửa hàng. Bộ Y tế cho biết biện pháp này sẽ có hiệu lực từ ngày 6-4.

Các cửa hàng và nhà thuốc ở Áo sẽ phải cung cấp khẩu trang cho khách hàng nếu họ vào đây mà chưa mang khẩu trang. 

Một nhân viên Hội Chữ thập đỏ lấy mẫu tại trạm xét nghiệm COVID-19 ở Schuettdorf, Áo vào ngày 26-3. Ảnh: APA

Lệnh mới này khiến Áo và cả Cộng hòa Séc, Slovakia đi ngược lại với những gì mà các chuyên gia y tế của WHO khuyến cáo. WHO từng nói rằng chỉ những người nhiễm COVID-19 và những người chăm sóc người bệnh mới phải mang khẩu trang, để nhường lượng khẩu trang đang thiếu hụt cho nhân viên y tế.

Malaysia hơn 3.100 ca nhiễm, Philippines hơn 2.600 ca

Theo đài Channel News Asia, Malaysia ghi nhận 208 trường hợp nhiễm COVID-19 và năm ca tử vong trong ngày 2-4. Tổng số ca nhiễm COVID-19 đến nay là 3.116 với 50 ca tử vong.

Trong số các nước Đông Nam Á, Malaysia là nước có số ca nhiễm COVID-19 cao nhất. WHO dự báo đỉnh dịch sẽ rơi vào giữa tháng 4-2020. 

Bộ Y tế Philippines ghi nhận thêm 11 ca tử vong và 322 ca nhiễm COVID-19 trong ngày 2-4. Theo báo Phil Star, tổng số ca nhiễm bệnh ở Philippines đến nay là 2.633, tổng số ca tử vong đến nay là 107, tổng số ca hồi phục là 51.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm