Tình hình đại dịch COVID-19 tính đến tối 7-4

Tính đến 19 giờ ngày 7-4 (theo giờ Việt Nam), trang thống kê Worldometer dẫn nguồn cơ quan y tế các nước cho biết toàn thế giới có 76.201 ca tử vong vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (tên chính thức là đại dịch COVID-19) trong tổng số 1.361.024 ca nhiễm. Toàn thế giới có 293.617 người được chữa khỏi.

Như vậy so với sáng 7-4, số ca tử vong tăng 1.580, số ca nhiễm tăng 17.791.

Một tấm biển ghi chữ “Cầu nguyện cho Boris” gắn trên xe đạp của một phụ nữ nhằm ủng hộ Thủ tướng Anh Boris Johnson, người đang điều trị COVID-19 tại một bệnh viện ở London. Ảnh: AP

Hiện Ý là quốc gia có số ca tử vong cao nhất thế giới với 16.523, theo sau là Tây Ban Nha (13.798), Mỹ (10.943), Pháp (8.911), Anh (5.373), Iran (3.872), Trung Quốc (3.331), Hà Lan (2.101), Bỉ (2.035), Đức (1.810).

10 nước có số ca nhiễm cao nhất: Mỹ (367.659), Tây Ban Nha (140.510), Ý (132.547), Đức (103.375), Pháp (98.010), Trung Quốc (81.740), Iran (62.589), Anh (51.608), Thổ Nhĩ Kỳ (30.217), Thụy Sĩ (22.242).

Mỹ: 367.659 ca nhiễm với gần 11.000 người chết

Theo trang Worldometer, tính đến thời điểm hiện tại Mỹ ghi nhận 10.943 ca tử vong trong tổng số 367.659 ca nhiễm. Trong đó riêng bang New York có tới 3.485 ca tử vong.

Hiện Wyoming là bang duy nhất tại Mỹ chưa có người chết do COVID-19.

Với những con số trên, Mỹ hiện là nước có số ca nhiễm COVID-19 cao nhất thế giới và xếp thứ ba thế giới về số người chết.

Quảng trường Thời đại tại New York vốn rất đông đúc đã vắng hơn nhiều trong mùa dịch COVID-19. Ảnh: REUTERS

Trong một diễn biến liên quan, giới chức y tế bang North Carolina dự đoán 750.000 người tại bang này sẽ bị nhiễm COVID-19 nếu bang này chấm dứt thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội vào cuối tháng 4.

"Nhóm nghiên cứu nhận thấy các chính sách giãn cách xã hội đang áp dụng ở North Carolina sẽ giúp giảm nguy cơ quá tải hệ thống chăm sóc sức khỏe của chúng ta. Đó là tin tốt lành" - ông Mandy Cohen, lãnh đạo cơ quan Y tế và Dịch vụ nhân sinh bang North Carolina, cho biết trong cuộc họp báo hôm 6-4.

Ông Cohen cảnh báo rằng nếu các biện pháp giãn cách xã hội chấm dứt vào cuối tháng 4 theo kế hoạch của Tổng thống Donald Trump thì tới tháng 6 bang North Carolina sẽ có khoảng 750.000 người mắc COVID-19.

Ngược lại, nếu các biện pháp giãn cách xã hội vẫn được duy trì, các ca nhiễm COVID-19 tại bang có thể giảm xuống chỉ còn 250.000, theo ông Cohen.

Việc dỡ bỏ các hạn chế đi lại vào thời điểm này cũng khiến nguy cơ bang quá tải các giường bệnh trong phòng chăm sóc tích cực (ICU) tăng lên 50% ngay từ đầu tháng 5.

North Carolina hiện ghi nhận hơn 2.870 ca nhiễm và 33 trường hợp tử vong do COVID-19.

Tây Ban Nha đứng thứ hai thế giới về số người chết

Ngày 7-4, Tây Ban Nha thông báo đã ghi nhận thêm 743 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua, đưa tổng số người chết lên 13.798. Hiện Tây Ban Nha có tổng cộng 140.510 ca nhiễm, tăng hơn 5.000 ca so với 135.032 ca của ngày 6-4.

Khử trùng đường La Bola ở TP Ronda, Tây Ban Nha. Ảnh: REUTERS

Tây Ban Nha hiện là nước có ca tử vong vì COVID-19 cao thứ hai thế giới sau Ý. Các con số về ca tử vong mới và ca nhiễm mới đang bắt đầu giảm tại nước này từ cuối tuần trước.

Ngoài ra, Tây Ban Nha cũng có 5.478 người hồi phục trong 24 giờ qua, tăng hơn 1.200 người so với 4.273 người trong ngày trước đó.

Thủ tướng Pedro Sanchez hồi cuối tuần tuyên bố kéo dài tình trạng khẩn cấp tới ngày 15-4 nhằm giãn áp lực cho hệ thống y tế đang quá tải của nước này có thời gian hồi phục.

Trong khi đó, Quốc hội nước này dự kiến phê chuẩn kéo dài tình trạng khẩn cấp quốc gia tới ngày 26-4.

Ý: 94 bác sĩ và 26 y tá qua đời

Ngày 7-4, Hiệp hội Các bác sĩ Ý cho biết từ đầu dịch đến giờ nước này đã có 94 bác sĩ và 26 y tá qua đời do nhiễm COVID-19.  

Theo Viện Y tế Ý, tính đến ngày 6-4, tổng số nhân viên y tế nhiễm COVID-19 tại nước này là 12.681 người. Hiện vẫn còn 6.549 người chưa hồi phục.

Các bác sĩ làm việc tại phòng chăm sóc tích cực ở BV đa khoa quân đội Celio ở Rome (Ý). Ảnh: GETTY IMAGES

Iran vẫn bị ảnh hưởng nặng

Ngày 7-4, người phát ngôn Bộ Y tế Iran - ông Kianush Jahanpur cho biết nước này ghi nhận thêm 133 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua, đưa số người qua đời vì COVID-19 tại nước này lên 3.872. Iran cũng báo cáo thêm 2.089 ca nhiễm trong ngày 6-4, đưa tổng ca nhiễm tại nước này lên 62.589.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Iran - ông Mahmoud Abbasi cho biết nước này đang đàm phán với một số quốc gia về vấn đề trao đổi tù nhân trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang lây lan nguy hiểm.

May khẩu trang và các vật dụng bảo hộ tại một nhà thờ ở Tehran (Iran). Ảnh: GETTY IMAGES

“Do tình hình nhạy cảm hiện nay và tình trạng bùng phát của virus Corona chủng mới, chúng tôi đang đàm phán với các quốc gia về vấn đề trao đổi tù nhân” - hãng thông tấn IRNA dẫn lời ông Abbasi.

Các nội dung đàm phán giữa Bộ Ngoại giao Iran và Tổ chức Cảnh sát hình sự Quốc tế (Interpol) đã đạt được những kết quả tích cực.

Cũng theo ông Abbasi, 2.600 tù nhân Afghanistan đang chuẩn bị rời khỏi Iran để về nước và một số quốc gia Trung Á cũng đã nhất trí trao đổi tù nhân với Iran.

Iran tạm thời thả hàng chục ngàn tù nhân nhằm kiềm chế dịch bệnh lây lan.

Đông Nam Á: Số ca mắc COVID-19 ở Indonesia tăng cao

Tại Malaysia, chiều 7-4, Tổng giám đốc y tế Noor Hisham Abdullah cho biết nước này đã ghi nhận thêm 170 ca nhiễm COVID-19 mới, đưa tổng số ca nhiễm tại nước này lên 3.963. Malaysia hiện là nước có số ca mắc COVID-19 cao nhất khu vực Đông Nam Á.

Ngoài ra, Malaysia có thêm một ca tử vong, đưa tổng số người qua đời vì COVID-19 lên 63 người. Nạn nhân là một cụ ông 71 tuổi ở bang Perlis. Người này đã tham dự một sự kiện tôn giáo ở tỉnh Sulawesi từ ngày 17 đến 24-3.

Ông Hisham Abdullah cho biết có thêm 80 bệnh nhân hồi phục và xuất viện, nâng tổng số người khỏi bệnh tại nước này lên 1.321.

Cảnh sát làm việc tại một đám tang cho các nạn nhân COVID-19 tại một nghĩa địa ở Jakarta (Indonesia). Ảnh: AFP

Tại Indonesia, ngày 7-4, Bộ Y tế nước này ghi nhận thêm 247 ca nhiễm mới, đưa tổng số ca nhiễm lên 2.738. Đây là lượt tăng ca nhiễm trong ngày cao nhất của Indonesia. Ngoài ra, Indonesia có thêm 12 ca tử vong, đưa tổng số bệnh nhân qua đời vì COVID-19 tại nước này lên 221. Indonesia hiện là nước có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất Đông Nam Á.

Tại Philippines, ngày 7-4, Bộ Y tế nước này ghi nhận thêm 14 người chết và 104 ca nhiễm, đưa tổng số ca tử vong và ca nhiễm tại nước này lên lần lượt là 177 và 3.764.

Cũng trong ngày 7-4, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố kéo dài các biện pháp cách ly nghiêm ngặt đối với đảo Luzon tới cuối tháng 4 nhằm ngăn chặn dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, Tổ chức giám sát nhân quyền kêu gọi Philippines giám sát số lượng tù nhân trong các nhà tù của nước này. Lời kêu gọi được đưa ra trong bối cảnh xuất hiện lo ngại dịch COVID-19 có thể bùng phát nghiêm trọng tại các nhà tù Philippines vốn nổi tiếng đông nhất thế giới.

Tổ chức giám sát nhân quyền cho biết số lượng tù nhân tại Philippines đã tới con số 215.000 người tính đến tháng 11-2019, trong một hệ thống nhà tù chỉ có sức chứa khoảng 40.000 người.

Tổ chức giám sát nhân quyền cũng yêu cầu nhà chức trách phóng thích những người bị tạm giam hoặc bị kết án vì tội nhẹ hay phi bạo lực. 

Tại Thái Lan, ngày 7-4, ông Taweesin Wisanuyothin - phát ngôn viên Trung tâm Quản lý tình hình COVID-19 của chính phủ nước này cho biết Thái Lan ghi nhận thêm 38 ca nhiễm COVID-19 và một ca tử vong là một người đàn ông 54 tuổi.

Tính tới nay, Thái Lan có 27 người qua đời vì COVID-19 trong tổng số 2.258 ca nhiễm. Đã có 824 bệnh nhân hồi phục và xuất viện tại nước này.

                                

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm