Tình hình đại dịch COVID-19 tính đến trưa 31-3

Tính đến 13 giờ 30 trưa 31-3, tờ South China Morning Post dẫn nguồn cơ quan y tế các nước ghi nhận toàn thế giới có 36.944 người tử vong vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (tên chính thức là đại dịch COVID-19), 771.120 ca nhiễm. Hiện dịch đã lan rộng đến 199 quốc gia và vùng lãnh thổ. 

Ngoài ra, đến nay toàn thế giới cũng có 158.883 bệnh nhân đã được xuất viện sau khi điều trị và cho kết quả âm tính. 

Nhân viên y tế chăm sóc một bệnh nhân COVID-19 ở bang California, Mỹ ngày 30-3. Ảnh: CNBC

Phát hiện COVID-19 tiếp tục đột biến thêm

Tờ The New York Daily News ngày 30-3 dẫn nghiên cứu của các chuyên gia đang xem xét bộ gen virus Corona cho hay, SARS-CoV-2 vẫn đang tiếp tục đột biến và hiện đang có tám chủng khác nhau trên thế giới.

“Theo nghĩa đen, nếu câu hỏi là virus có thay đổi về mặt di truyền hay không thì câu trả lời là chắc chắn có. Câu hỏi hiện được đặt ra là liệu có thay đổi nào quan trọng với quá trình phát bệnh hay lây bệnh hay những yếu tố khác mà con người quan tâm hay không”, chuyên gia dịch tễ học Marc Lipsitch thuộc ĐH Harvard (Mỹ) cho hay.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định các chủng đột biến chỉ thay đổi chút ít và hoàn toàn không có sự thay đổi về mức độ gây tử vong.

“Tỉ lệ đột biến ghi nhận ở mức hai lần mỗi tháng là hoàn toàn bình thường với một virus. Cảm cúm và cảm lạnh thông thường cũng có tỉ lệ đột biến như vậy. Thậm chí cảm cúm có tốc độ đột biến nhanh hơn” - chuyên gia Bedford cho biết.

Việc ghi nhận bộ gen virus là động thái cần thiết để dự đoán xem virus có thể ngăn cản được không và liệu các biện pháp cách ly xã hội có mang lại hiệu quả hay không. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết hiện tại thông tin về virus chưa nhiều và bức tranh về virus vẫn chỉ là những nét phác thảo.

“Các đợt bùng phát đều có thể truy vết. Chúng tôi có khả năng giải mã gen theo thời gian thực để xem có chủng nào đang lan truyền”, chuyên gia truyền nhiễm thuộc California (Mỹ) - Charles Chiu cho hay.

Hội đồng Bảo an lần đầu phê chuẩn nghị quyết trực tuyến

Theo đài CNA, phiên làm việc hôm 30-3 là lần đầu tiên trong 75 năm hoạt động, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã phê chuẩn các nghị quyết trực tiếp từ xa trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.

Cụ thể, Hội đồng Bảo an đã nhất trí thông qua bốn nghị quyết, trong đó có một nghị quyết kéo dài thời hạn ủy quyền với các chuyên gia Liên Hiệp Quốc đang giám sát những lệnh trừng phạt Triều Tiên tới tháng 4-2021.

Phái bộ Liên Hiệp Quốc tại Somalia cũng được gia hạn thời gian tới cuối tháng 6, phái bộ tại Darfur tới cuối tháng 5, tất cả đều do đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cũng ủng hộ một nghị quyết thứ tư nhằm nâng cao mức độ bảo vệ với các thành viên trong lực lượng gìn giữ hòa bình.

Được biết nhằm tuân thủ những khuyến nghị tự cách ly và làm việc từ xa phòng dịch bệnh, các thành viên Hội đồng nhất trí sẽ có 24 giờ sau các phiên thảo luận kín về các dự thảo Nghị quyết để gửi lại lá phiếu của mình qua hệ thống điện tử tới Ban thư ký Liên Hiệp Quốc. Cơ quan này sẽ tổng hợp và công bố các kết quả sau đó.

Ngân hàng Thế giới: Trung Quốc có thể ngừng tăng trưởng vì COVID-19

Hãng AFP ngày 31-3 đưa tin Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo kinh tế Trung Quốc có thể ngừng tăng trưởng vì đại dịch COVID-19, trong khi Đông Á có thể có thêm 11 triệu người nghèo.

“Đại dịch đang gây ra cú sốc chưa từng có trên toàn cầu nên có thể khiến kinh tế khu vực ngừng tăng trưởng và gia tăng tình trạng nghèo đói”, chuyên gia kinh tế Aaditya Mattoo phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương tại WB dự báo.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới dự báo về tác động của COVID-19 ở Đông Á - Thái Bình Dương, cho dù trong viễn cảnh khả quan nhất, mức tăng trưởng kinh tế tại khu vực này sẽ sụt giảm mạnh, trong đó kinh tế Trung Quốc có thể chỉ tăng trưởng 2,3% sau khi đạt 6,1% trong năm ngoái.

Chỉ hai tháng trước, các chuyên gia tại WB còn dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc năm nay có thể đạt 5,9% - mức thấp nhất kể từ năm 1990.

Ngoài ra, WB cũng kêu gọi các nước cần hành động mạnh mẽ, ưu tiên khống chế dịch cũng như có biện pháp hỗ trợ các hộ bị mất thu nhập. Ông Mattoo kêu gọi các nước nên tăng cường xét nghiệm COVID-19 như Hàn Quốc để nền kinh tế nhanh chóng trở lại bình thường.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm