Tình hình dịch COVID-19 ở Trung Quốc hiện đang thế nào?

Thông tin về dịch COVID-19 ở Trung Quốc thời gian gần đây được đề cập khá ít. Số ca nhiễm và ca tử vong mới theo công bố không nhiều. Reuters dẫn thông tin từ Bộ Y tế Trung Quốc cho biết nước này ghi nhận 12 trường hợp nhiễm COVID-19 mới trong ngày 8-5, và đây đã là con số có tăng so với bảy ngày trước đó.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết tất cả các trường hợp mắc mới đều là những ca được cách ly ngay khi từ nước ngoài nhập cảnh vào. 

Du khách đeo khẩu trang khi di chuyển tại sân bay Quốc tế Bắc Kinh, ngày 9-5. Ảnh: REUTERS

Theo số liệu thống kê từ trang worldometers.info, tổng số ca nhiễm COVID-19 được xác nhận ở Trung Quốc tính đến ngày 10-5 là 90.769, trong khi số người chết là 4.636, vẫn không thay đổi nhiều so với nhiều tháng trước.

Về chủng ngừa COVID-19, Trung Quốc đã tiêm khoảng 9.360.000 liều vaccine trên toàn quốc trong ngày 8-5, nâng tổng số liều vaccine được tiêm lên 317.590.000, theo số liệu của Ủy ban Y tế Quốc gia. 

Khu vực chờ của trung tâm tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 bên ngoài Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh, ngày 14-4. Ảnh: REUTERS

Báo cáo chính thức cho thấy số ca nhiễm, ca tử vong ở Trung Quốc không tăng đột biến đáng ngại. Theo hãng tin Reuters, Trung Quốc hiện vẫn hết sức cảnh giác trước nguy cơ dịch xâm nhập từ nước ngoài.

Chẳng hạn, chính quyền Trung Quốc đã quyết định sẽ thiết lập một “dải phân cách” ở đỉnh núi Everest nhằm ngăn chặn sự lây lan từ phía Nepal - quốc gia được dự đoán có thể trở thành “Ấn Độ thứ hai” trong làn sóng bùng nổ đại dịch COVID-19 với số ca nhiễm trong nước tăng đột biến.

Các nhà khảo sát Trung Quốc leo lên núi Qomolangma. Ảnh: AP 

Theo đó, chính quyền Bắc Kinh dự định điều một nhóm các hướng dẫn viên leo núi Tây Tạng tiếp cận đỉnh Everest để thiết lập vành đai trên, nhằm ngăn chặn người leo núi Everest từ hai phía Tây Tạng và Nepal tiếp xúc nhau.

Tuy nhiên, người đứng đầu cơ quan phụ trách thể thao Tây Tạng lo ngại việc có thể thiết lập ranh giới được hay không là một vấn đề tùy thuộc vào ngọn núi này, vì địa hình núi khá nhỏ, và nguy hiểm.

Trong khi đó, Trung Quốc vẫn chưa công bố kế hoạch chi tiết và chưa rõ có yêu cầu các hướng dẫn viên leo núi Tây Tạng phải trụ lại trên đỉnh Everest để giữ vững dải phân cách hay không, khi đây được xem là một nơi vô cùng nguy hiểm vì nhiều người từng thiệt mạng do thiếu oxy.

Kể từ khi biến chủng mới xuất hiện, Trung Quốc đã không cho phép bất kỳ người leo núi nước ngoài nào leo lên từ phía Tây Tạng do lo ngại sự lây nhiễm. Trung Quốc cũng cấm khách du lịch khu thắng cảnh Everest ở Tây Tạng đến điểm cắm trại ở phía Tây Tạng do lo ngại lây lan bệnh dịch từ Nepal.

COVID-19: Nguy cơ sẽ thêm 'Ấn Độ thứ hai'
COVID-19: Nguy cơ sẽ thêm 'Ấn Độ thứ hai'
(PLO)- Nepal có nguy cơ trở thành một "Ấn Độ thứ hai" khi số ca nhiễm COVID-19 ở quốc gia này tăng đột biến, trong khi hệ thống y tế lại không đủ sức để chống chọi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm