Tình hình dịch COVID-19 tính đến sáng 19-2

Tờ South China Morning Post dẫn nguồn Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc ghi nhận tính đến 6 giờ sáng 19-2, có 2.005 người tử vong vì bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus Corona mới (tên chính thức là COVID-19) gây ra, 73.433 ca nhiễm. Như vậy so với ngày 18-2, số ca tử vong tăng 132 người. 

Số ca tử vong bên ngoài Trung Quốc đại lục đến nay đã lên đến năm ca, với một trường hợp ở Philippines vào ngày 2-2, một ở đặc khu Hong Kong vào ngày 4-2, một ở Nhật vào ngày 13-2, một ở Pháp vào ngày 15-2 và một ở Đài Loan vào ngày 16-2. 

Các cơ quan y tế Trung Quốc cũng cho biết có 12.624 bệnh nhân đã được xuất viện sau khi điều trị và cho kết quả âm tính với COVID-19, giảm 23 người so với ngày 18-2. 

Nhân viên y tế Vũ Hán làm việc tại một bệnh viện dã chiến (Ảnh chụp ngày 17-2). Ảnh: AFP

Hồ Bắc cộng 10 điểm cho học sinh có cha mẹ là y bác sĩ ở tuyến đầu

Theo Tân Hoa Xã ngày 19-2, những học sinh nào ở tỉnh Hồ Bắc có cha mẹ là y bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch chuẩn bị thi vào trung học sẽ được cộng tối đa 10 điểm trong kỳ thi năm nay, trong khi những em nhỏ hơn được ưu tiên vào các trường mẫu giáo công.

Các quan chức Hồ Bắc khẳng định chính sách này được đưa ra nhằm chăm lo cho các nhân viên y tế ở tuyến đầu và động viên họ trong cuộc chiến chống dịch COVID-19.

Dù vậy, một số người bất bình cho rằng chính sách này quá thiên vị cho các nhân viên y tế ở Hồ Bắc. "Điểm cộng vốn đã là không công bằng, đằng này chỉ dành cho các cán bộ ở Hồ Bắc khiến nó càng bất công hơn đối với các tỉnh khác vì họ đã đến (Hồ Bắc) để giúp đỡ" - một người dùng trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc bình luận. 

Nhiều ý kiến khác thì cho rằng việc thưởng điểm như vậy là phản giáo dục khi học sinh lại hưởng thành quả từ sự hy sinh của cha mẹ. "Một chính sách như thế sẽ đi ngược lại đạo lý uống nước nhớ nguồn ngàn đời của chúng ta" - một bình luận khác trên Weibo khẳng định. 

Hiện chính quyền tỉnh Hồ Bắc chưa có phản hồi chính thức về các chỉ trích trên.

Siêu trộm Nhật Bản đánh cắp gần 6.000 khẩu trang y tế

Theo hãng tin AFP, lãnh đạo Bệnh viện Chữ thập đỏ Nhật Bản ở TP Kobe hôm 18-2 tuyên bố bốn thùng chứa khẩu trang đã biến mất khỏi nhà kho khóa kín của bệnh viện. 

"Chúng tôi hiện vẫn có một số lượng lớn khẩu trang - đủ để tiếp tục hoạt động hằng ngày tại bệnh viện nhưng điều này thật đáng trách" - một lãnh đạo bệnh viện cho hay

Hiện nhà chức trách Kobe đang tiến hành vụ việc. Cảnh sát nghi ngờ thủ phạm nhiều khả năng sẽ đem số khẩu trang trên đi bán lại. 

Được biết Nhật Bản đang lâm vào tình trạng thiếu hụt khẩu trang trầm trọng trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. Chính quyền đã phải nhiều lần lên tiếng kêu gọi các cơ sở bán khẩu trang nên giữ giá "trong giới hạn được xã hội chấp nhận" sau khi một hộp 65 khẩu trang được bán với giá hơn 456 USD (hơn 10 triệu đồng). 

Trước đó, chính phủ Nhật Bản đã quyết định từ tháng 3 tới sẽ tăng lượng sản xuất lên khoảng 600 triệu khẩu trang. Đây được cho là biện pháp nhằm làm ổn định thị trường khẩu trang cũng như đáp ứng nhu cầu của người dân.

Thủ tướng Campuchia: Sẽ cho tàu Westerdam nhập cảng nhanh hơn nếu phát hiện thêm trường hợp lây nhiễm

Phát biểu tại Viện Giáo dục Quốc gia Campuchia hôm 18-2, Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh nếu Campuchia không cho phép du thuyền Westerdam cập cảng thì sẽ có cuộc khủng hoảng nhân đạo quy mô toàn cầu, hãng tin Reuters cho hay.

Ông khẳng định Campuchia phải có trách nhiệm đảm bảo cho hành khách còn lại trên tàu được xét nghiệm y khoa để xác định không có trường hợp lây nhiễm COVID-19. Nhà lãnh đạo này còn tuyên bố sẽ cho tàu vào cảng nhanh hơn nếu có thêm trường hợp nhiễm bệnh mới được xác nhận. 

“Nếu vương quốc này không cho phép tàu Westerdam cập cảng, thì tàu sẽ ở đâu khi thực phẩm và nhiên liệu sắp hết. Sinh mạng của các hành khách sẽ ra sao” - ông Hun Sen đặt câu hỏi. 

Hiện trên tàu chỉ có một ca lây nhiễm là một nữ du khách người Mỹ 83 tuổi được xác nhận dương tính với virus COVID-19 sau khi trải qua hai đợt xét nghiệm hôm 16-2. 

Cảnh báo COVID-19 dễ bám vào tế bào người hơn SARS

Tờ South China Morning Post ngày 19-2 dẫn một nghiên cứu mới đây của ĐH Texas (Mỹ) phát hiện COVID-19 có khả năng gắn kết vào tế bào người cao hơn tối đa 20 lần so với virus SARS (Hội chứng hô hấp cấp).

Cụ thể, dù COVID-19 và SARS có chung thụ thể tế bào chủ chức năng là enzim chuyển đổi angiotensin (ACE-2), COVID-19 lại có mức gắn kết hợp chất với ACE-2 của tế bào người cao hơn virus SARS từ 10-20 lần.

“So với virus SARS, COVID-19 dường như có cấu trúc sẵn sàng hơn để truyền từ người sang người. Mức gắn kết hợp chất cao với ACE-2 trong cơ thể người của virus Corona chủng mới có thể góp phần dẫn đến tốc độ lây nhiễm từ người sang người dễ dàng hơn” - nghiên cứu nhận định. 

Tuy nhiên, các chuyên gia ĐH Texas cho biết cần có thêm những nghiên cứu khác để tìm hiểu vai trò thụ thể tế bào vật chủ trong quá trình lây từ người sang người của COVID-19.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm