Tổ hợp S-400 đầu tiên đang trên đường đến Thổ Nhĩ Kỳ

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoga trong một cuộc họp báo ngày 8-7 thông báo các công tác chuẩn bị cho việc vận chuyển tổ hợp phòng không S-400 tới Thổ Nhĩ Kỳ đang được tiến hành theo đúng lịch trình. Đồng thời, việc đưa S-400 lên máy bay vận chuyển cũng đang được tiến hành, tin từ hãng thông tấn TASS.

“Công tác chuẩn bị cho việc bàn giao hệ thống S-400 tiếp tục. Việc chất hàng đang diễn ra. Ngày bàn giao S-400 đã được nhất trí”, Tổng thống Erdogan cho biết.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoga trong một cuộc họp báo ngày 8-7. Ảnh: Hurriyet Daily News

Theo nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, Bộ Quốc phòng đang lên kế hoạch và chọn địa điểm để triển khai S-400 sau khi tiếp nhận từ Nga. Ông Erdogan nói rằng ông chắc chắn hệ thống tên lửa S-400 do Nga sản xuất sẽ có tác động tích cực tới an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ và toàn khu vực.

Kênh Haberturk của Thổ Nhĩ Kỳ ngày 5-7 dẫn một số nguồn tin cho hay việc vận chuyển S-400 tới Thổ Nhĩ Kỳ có thể bắt đầu vào ngày 7-7. Theo dữ liệu của kênh Haberturk, tổ hợp S-400 đầu tiên sẽ được chất lên một máy bay vận tải và được giao vào tuần tới.

Cũng theo kênh Haberturk, chín chuyên gia kỹ thuật của Nga sẽ đến Thổ Nhĩ Kỳ trước ngày 8-7 nhằm giúp triển khai hệ thống S-400. Trong giai đoạn đầu tiên, một tổ hợp S-400 sẽ được chuyển tới Ankara, theo kênh Haberturk.

Người đứng đầu Ban thư ký Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Ismail Demir ngày 4-7 cho hay việc bàn giao S-400 có thể bắt đầu vào tuần tới. Trong khi đó, phía Nga không công bố chính xác ngày bàn giao S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Điện Kremlin ngày 8-7 cho biết Tổng thống Erdogan và người đồng cấp Nga Vladimir Putin ngày 6-7 đã thảo luận qua điện thoại về việc chuyển giao S-400, nói rằng thỏa thuận đang trong giai đoạn thực thi.

Khi được hỏi chi tiết về quá trình, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng ông không thể chia sẻ thông tin.

Căng thẳng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ dâng cao trong những tháng gần đây xoay quanh chuyện Thổ Nhĩ Kỳ ký thỏa thuận mua hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không tầm xa S-400 với Nga.

Đáp trả thương vụ giữa Mosow và Ankara, Washington đã đình chỉ bàn giao các linh kiện và các dịch vụ liên quan tới tiêm kích tàng hình F-35 trị giá hàng triệu USD cho Thổ Nhĩ Kỳ.

"Rồng lửa" S-400 của Nga. Ảnh: TASS

Sau các nỗ lực mua hệ thống phòng không từ Mỹ bất thành, Thổ Nhĩ Kỳ năm 2017 đã quyết định mua hệ thống phòng không của Nga trị giá 2,5 tỉ USD. Giới chức Mỹ sau đó lại đề nghị bán hệ thống Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ nhằm thuyết phục nước này rút lại thỏa thuận S-400. Phía Mỹ lập luận rằng hệ thống S-400 không tương thích với khả năng tương tác của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), sẽ đặt ra mối đe dọa cho F-35 nên Thổ Nhĩ Kỳ không thể có cả hai khí tài này được.

Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh S-400 sẽ không được tích hợp vào hệ thống của NATO và sẽ không đặt ra đe dọa cho liên minh. Ankara nói rằng vì Mỹ ban đầu từ chối bán hệ thống tên lửa Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ nên nước này mới tìm mua ở nơi khác, thêm rằng Nga đã đưa ra một thỏa thuận tốt hơn so với Mỹ, trong đó có cả chuyển giao công nghệ.

“Rồng lửa” S-400 Triumf là hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa hiện đại nhất, đi vào biên chế trong quân đội Nga năm 2007. S-400 được thiết kế để phá hủy máy bay, tên lửa hành trình và đạn đạo, gồm cả tên lửa tầm trung. S-400 cũng có thể hạ gục các mục tiêu ở khoảng cách 400 km và ở độ cao tới 30 km.

 

Theo Daily Sabah, người phát ngôn Đảng Công lý và Phát triển (AK) cầm quyền của Thổ Nhĩ Kỳ Ömer Çelik ngày 6-7 tái khẳng định rằng Thổ Nhĩ Kỳ quyết tâm củng cố hệ thống phòng không của nước mình khi các mối đe dọa tiếp tục xuất hiện từ Syria, Iraq và Đông Địa Trung Hải.

 “Việc tăng cường hệ thống phòng thủ của Thổ Nhĩ Kỳ là một đòi hỏi của an ninh quốc gia với tư cách là một quốc gia có chủ quyền. Không nên có bất cứ lỗ hổng an ninh nào cho Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Celik cho hay, viện dẫn những diễn biến gần đây ở Syria, Iraq và Đông Địa Trung Hải là các đe dọa an ninh quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ.

Kêu gọi sự ủng hộ của các đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề S-400, ông Celik cho rằng: “Việc bảo vệ biên giới Thổ Nhĩ Kỳ là bảo vệ biên giới của NATO và châu Âu, cũng như vì an ninh quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ”.

Trả lời câu hỏi về việc S-400 sẽ được triển khai ở đâu, ông Celik nói: “Hệ thống này sẽ được triển khai theo cách đáp ứng nhu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ ở mức tối đa”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm