Tới lượt Hàn Quốc bị ông Trump đòi thêm tiền phòng vệ

Hiện tại, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang đẩy mạnh nỗ lực kêu gọi các nước châu Á cũng phải chi trả nhiều hơn cho lĩnh vực quốc phòng.

Quốc gia châu Á cụ thể được ông Trump nhắm đến chính là Hàn Quốc (HQ). Trong chuyến viếng thăm hiện tại của mình ở HQ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã gây sức ép buộc Seoul phải trả nhiều tiền hơn cho sự hiện diện quân sự khổng lồ của Mỹ ở quốc gia này.

Theo một nhà lập pháp HQ, ông Esper muốn nhiều hơn nữa, cụ thể là chi phí này phải tăng hơn gấp năm lần hoặc 5 tỉ USD cho mỗi năm.

Tuy con số nghe có vẻ rất lớn nhưng hiện thực chỉ ra rằng sứ mệnh "bảo vệ thế giới tự do" là một nhiệm vụ tốn kém. Một lý do quan trọng cho vấn đề này chính là việc các quốc gia không phải một phần của liên minh do Mỹ dẫn đầu, như Trung Quốc, cũng đang chi ra số tiền kỷ lục cho quốc phòng.

Về cơ bản, yêu cầu Seoul trả nhiều tiền hơn là lựa chọn duy nhất mà Mỹ hiện có. Bởi trước các mối đe dọa quân sự và hạt nhân thường xuyên từ Triều Tiên, Washington không thể đóng cửa các căn cứ quân sự hoặc rút 28.500 lính Mỹ khỏi HQ được.

Mỹ hiện có khoảng 800 căn cứ quân sự tại hơn 70 quốc gia. Chỉ riêng ở Đức con số này là 174. Mỹ thậm chí có một căn cứ đóng tại Aruba, một hòn đảo nhỏ xíu ngoài khơi biển Ca-ri-bê.

Những căn cứ nước ngoài này được vận hành trên tiền thuế của người dân Mỹ. Chi phí không chỉ đến từ việc vận hành, bảo trì mà còn cả việc thanh toán chi phí sử dụng đất hoặc bờ biển của những quốc gia khác.

Ngoài ra, còn có chi phí duy trì mối quan hệ ngoại giao với các quốc gia đó để đảm bảo họ không đột nhiên đuổi quân đội Mỹ về nước. Được biết chi phí duy trì các căn cứ quân sự nước ngoài của Mỹ là 156 tỉ USD mỗi năm.

Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper phát biểu tại cuộc họp báo chung sau Hội nghị Tư vấn An ninh (SCM) lần thứ 51 với Bộ trưởng Quốc phòng HQ Jeong Kyeong-doo tại Bộ Quốc phòng tại Seoul vào ngày 15-11-2019. Ảnh: Reuters

Chính quyền ông Trump đã đạt được một số thành công trong việc yêu cầu các nước NATO tăng tỉ lệ chi tiêu quốc phòng. Tuy nhiên, việc đóng cửa căn cứ quân sự nước ngoài và rút quân về nước sẽ khó xảy ra. Cuộc tranh cãi nảy lửa hiện tại về việc rút một số lượng nhỏ quân đội Mỹ khỏi bắc Syria là ví dụ điển hình nhất cho điều này.

Có nhiều cách khác để cắt giảm chi phí "bảo vệ thế giới tự do" mà Mỹ có thể áp dụng. Một ví dụ điển hình là thỏa thuận Mỹ gửi cho Israel 3,8 tỉ USD hỗ trợ quân sự hằng năm đi cùng những điều khoản ràng buộc.

Cụ thể, Israel phải chi ít nhất 74% số tiền đó cho các sản phẩm quốc phòng do Mỹ sản xuất và đến năm 2028, con số này sẽ tăng lên 100%. Thông thường những sản phẩm trên do Mỹ hợp tác phát triển với các nhà thầu quốc phòng của Israel, như hệ thống chống tên lửa Iron Dome được sử dụng rất nhiều tuần qua trong một loạt các vụ bắn rocket từ Gaza vào lãnh thổ Israel.

Những yêu cầu này không chỉ là một hình thức của chủ nghĩa bảo hộ kinh tế Mỹ, mà còn được xem là một biện pháp phòng ngừa an ninh quan trọng. Việc một quốc gia vừa sử dụng vũ khí của Mỹ, vừa sử dụng vũ khí chế tạo bởi các đối thủ của Mỹ có thể dẫn đến việc các đối thủ này sẽ tìm ra điểm yếu trong các hệ thống vũ khí của Mỹ.

Đây chính là lý do then chốt đằng sau việc chính quyền ông Trump quyết định loại Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình máy bay chiến đấu tàng hình F-35 sau khi Ankara quyết định mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga.

Mỹ lo lắng rằng việc cùng sử dụng F-35 và S-400 có thể giúp các kỹ sư Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Nga dễ dàng khám phá ra lỗ hổng trong F-35 mà S-400 có thể khai thác. Với cùng sự thận trọng này, Mỹ đang đe dọa sẽ trừng phạt Ai Cập nếu nước này mua thêm ít nhất 20 máy bay chiến đấu Su-35 từ Nga.

Tuy mọi việc khó có thể diễn ra dễ dàng nhưng có ba yếu tố chính có thể giúp Mỹ đạt được điều mà nhiều người cho là không thể: Giảm chi tiêu quốc phòng nhưng không gây nguy hiểm cho vấn đề an ninh. Đó là sự kết hợp giữa việc yêu cầu các đồng minh phải trả nhiều tiền hơn, đóng cửa căn cứ quân sự và rút quân khi không cần thiết và yêu cầu các quốc gia được Mỹ bảo trợ chỉ mua vũ khí của Mỹ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm