Tổng thống đắc cử Iran không muốn gặp ông Biden

Tổng thống đắc cử Iran Ebrahim Raisi thể hiện lập trường cứng rắn và thẳng thừng tuyên bố không muốn gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden dù ủng hộ nối lại đàm phán quốc tế về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran, hãng tin Reuters cho hay.

Ngày 21-6, ông Raisi đã tham gia buổi họp báo đầu tiên sau khi được xác định giành chiến thắng áp đảo trước các ứng cử viên tổng thống khác với gần 62% số phiếu trong cuộc bầu cử hôm 18-6.

Ông Raisi cho biết ưu tiên chính sách đối ngoại của ông sẽ là cải thiện quan hệ với các nước láng giềng vùng Vịnh, đồng thời kêu gọi Saudi Arabia ngừng ngay lập tức các hoạt động can thiệp ở Yemen.

Đồng thời, “chúng tôi ủng hộ các cuộc đàm phán bảo đảm lợi ích quốc gia của mình. Mỹ nên ngay lập tức quay lại thỏa thuận (được ký năm 2015 - PV) và thực hiện các nghĩa vụ của họ theo thỏa thuận này” - ông Raisi nói. 

Tổng thống đắc cử Iran Ebrahim Raisi trong cuộc họp báo hôm 21-6. Ảnh: AP

Ông Raisi dự kiến nhậm chức Tổng thống Iran vào ngày 3-8 để chính lãnh đạo các nỗ lực cứu vãn thỏa thuận hạt nhân ký với nhóm P5+1 và thuyết phục Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đang khiến nền kinh tế Iran chịu thiệt hại nặng nề. Hiện tại, ông Raisi vẫn là Bộ trưởng Tư pháp Iran.

Các cuộc đàm phán vẫn đã diễn ra tại TP Vienna (Áo) từ tháng 4 với hy vọng đưa cả Mỹ và Iran quay lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015 sau khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump khi còn nắm quyền ở Nhà Trắng đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận. Phản ứng lại quyết định của ông Trump, Iran đã khởi động chương trình làm giàu uranium vượt mức quy định trong thỏa thuận năm 2015.

Tuy nhiên, khi được hỏi liệu ông Raisi định gặp ông Biden trong trường hợp các lệnh trừng phạt chống Tehran được dỡ bỏ, tổng thống đắc cử Iran thẳng thừng trả lời “Không”.

Đối với chương trình tên lửa đạn đạo cũng gây tranh cãi không kém và các động thái của Iran trong khu vực Trung Đông, ông Raisi nói rằng các vấn đề này là điều “không thể thương lượng”, theo hãng tin AP.

Tại Yemen, Iran ủng hộ lực lượng Houthi đối đầu với chính quyền được Liên Hợp Quốc công nhận (đóng tại thủ đô tạm thời là TP Aden ở miền nam Yemen và nhận được sự hậu thuẫn toàn diện từ Saudi Arabia). Ngoài ra, Iran cũng hậu thuẫn lực lượng Hezbollah ở Lebanon - nhóm bị Mỹ, nhiều đồng minh phương Tây và Liên đoàn Ả Rập coi là “khủng bố”.

Phản ứng sau các phát ngôn của ông Raisi, Nhà Trắng cho rằng vai trò của Tổng thống Iran trong việc nối lại đàm phán với Mỹ là không lớn, viện dẫn quan điểm của Washington rằng Lãnh tụ tối cao, Đại Giáo chủ Ali Khamenei mới là người có tiếng nói quyết định tại Tehran.

“Chúng tôi hiện không có bất kỳ quan hệ ngoại giao nào với Iran hoặc bất kỳ kế hoạch gặp gỡ nào ở cấp lãnh đạo. Quan điểm của chúng tôi là người ra quyết định ở đây là Lãnh tụ tối cao (Khamenei)” - Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói.

Bộ Ngoại giao Mỹ thì lặp lại không thay đổi của Washington rằng cuộc bầu cử ở Iran không tự do và công bằng, song vẫn hy vọng các cuộc đàm phán hạt nhân tại Vienna sẽ được nối lại “trong những ngày tới”.

Ông Raisi là người đầu tiên nhậm chức Tổng thống Iran khi đã nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ. Washington trừng phạt ông Raisi với lý do ông này liên quan tới cáo buộc giết hàng ngàn tù nhân mà không qua xét xử trong cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1988. Điều này có thể cản trở ông Raisi thực hiện các chuyến công du nước ngoài, bao gồm việc tham gia các sự kiện tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở TP New York (Mỹ). 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm