Tuvalu đổi thủ tướng, nguy cơ mới cho Đài Loan

Quốc hội Tuvalu đã chọn ra thủ tướng mới hôm 19-9, hãng tin Reuters đưa tin. Diễn biến này được giới phân tích nhận định là sẽ có lợi cho Trung Quốc trong việc hạ thấp vị thế của Đài Loan và chấm dứt sự công nhận của các quốc gia trong khu vực đối với vùng lãnh thổ này.

Sự thay đổi bất ngờ ở Tuvalu càng gia tăng những thách thức đối với Đài Loan, bởi nó xảy ra ngay sau khi quần đảo Solomon cắt quan hệ với Đài Loan để  thiết lập quan hệ với Trung Quốc.

Hành động của Solomon khiến số lượng các quốc gia duy trì quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan giảm xuống còn 16. 

Tòa nhà Quốc hội Tuvalu. Ảnh: RNZ

Tái đắc cử trong cuộc bầu cử quốc hội hồi đầu tháng này, nhà lãnh đạo thân Đài Loan Enele Sopoaga được cho là sẽ tiếp tục giữ chức Thủ tướng. Nhưng thay vào đó, quốc hội nước này đã chọn ông Kausea Natano, một người chưa thể hiện quan điểm rõ ràng về vấn đề Đài Loan, làm tân thủ tướng.

Ông Natano nhận được 10 trong số 16 phiếu bầu trong một cuộc bỏ phiếu kín ở quốc hội, phát ngôn viên chính phủ Tuvalu Silafaga Lalua nói với phóng viên Reuters.

Các nhà phân tích khu vực cho rằng sự chuyển giao quyền lực này có thể cho Trung Quốc cơ hội thúc đẩy chính sách cô lập Đài Loan, vốn được Bắc Kinh xem là một tỉnh cần thống nhất, thông qua việc tìm cách lôi kéo các quốc gia cắt đứt quan hệ ngoại giao chính thức với vùng lãnh thổ này.

"Sẽ không tốn quá nhiều tiền để khiến Tuvalu thay đổi lập trường. Đài Loan sẽ rất lo lắng với kết quả này", ông Jonathan Pryke, giám đốc một chương trình nghiên cứu các quốc đảo Thái Bình Dương thuộc Viện nghiên cứu Lowy của Úc, cho biết. 

Trung Quốc đã gia tăng đáng kể các khoản viện trợ và cho vay đối với các quốc đảo nam Thái Bình Dương khiến Mỹ và các đồng minh trong khu vực như Nhật Bản, Úc và New Zealand đẩy mạnh những nỗ lực tương tự.

Bà Joanne Ou, phát ngôn viên cơ quan đối ngoại của Đài Loan, nói với Reuters rằng, quan hệ giữa Đài Loan và Tuvalu là vững chắc và tân Thủ tướng Natano đã có những liên lạc chặt chẽ với văn phòng đại diện Đài Loan ở thủ đô Funafuti.

Bà Ou cho biết thêm rằng Đài Loan sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ những diễn biến tiếp theo.

Ông Marc Su, trưởng văn phòng đại diện Đài Loan tại Tuvalu, nói rằng Bắc Kinh có ảnh hưởng không đáng kể tại đây, sau khi thất bại trong việc lôi kéo quốc đảo này đứng về phía mình cách đây một thập niên.

"Bạn có thể nhận thấy họ đang cố gắng lôi kéo những đồng minh ngoại giao của chúng tôi bằng bất kỳ cách nào có thể thực hiện được" - ông Su nói trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại với Reuters.

"Quốc đảo này vẫn ổn định và sẽ không bị ảnh hưởng", vì quan hệ giữa Đài Loan và Tuvalu là toàn diện từ "cấp cơ sở đến cấp cao nhất", theo ông Su.

Đài Loan đóng góp đến 7,06 triệu USD ngân sách cho Tuvalu, theo số liệu ngân sách năm 2019.

Cùng với các khoản viện trợ, quốc đảo nhỏ bé với dân số vẻn vẹn 12.000 người này còn phụ thuộc vào nguồn thu từ việc cấp giấy phép khai thác cho các tàu đánh cá nước ngoài và doanh thu từ tên miền quốc tế ".tv" của họ, vốn được nhiều trang mạng về truyền thông trên khắp thế giới trả tiền để sử dụng. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm