Vụ căng thẳng Úc-Pháp: Thủ tướng Morrison thăm Mỹ, Canberra nhắc Paris chuyện cũ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chưa đầy một tuần sau khi tuyên bố thành lập liên minh quân sự ba bên Mỹ - Anh - Úc (AUKUS), Thủ tướng Úc Scott Morrison đã công du sang Mỹ và dự kiến gặp Tổng thống nước chủ nhà tại Nhà Trắng, đài Nine (Úc) đưa tin.

Ngày 20-9, ông Morrison đã rời Sydney, lên đường sang thăm Mỹ. Thủ tướng Úc tuyên bố an ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AĐD-TBD) sẽ là trọng tâm chính trong các cuộc đối thoại giữa ông với Tổng thống Mỹ Joe Biden, cũng như với những lãnh đạo thế giới khác.

Về mục đích chuyến đi, ông Morrison nói: “Trong một thế giới ngày càng bất ổn, trách nhiệm của chúng tôi là giữ cho nước Úc an toàn, bảo vệ lợi ích quốc gia của chúng tôi và hòa bình, ổn định của khu vực”. 

Thủ tướng Úc Scott Morrison hôm 20-9 lên máy bay rời Sydney, lên đường sang thăm Mỹ. Ảnh: REUTERS

Cũng tại Mỹ, ông Morrison còn có kế hoạch đối thoại với các lãnh đạo khác trong “Bộ tứ kim cương” Mỹ-Nhật-Ấn Độ-Úc (nhóm Quad). Đây là lần đầu tiên các lãnh đạo nhóm Quad gặp mặt trực tiếp sau nhiều lần hội đàm trực tuyến do dịch COVID-19. Mỹ hy vọng nhóm Quad sẽ xây nên bức tường thành vững chắc chống lại ảnh hưởng đang lên của Trung Quốc ở AĐD-TBD.

Ông Morrison nói rằng Úc sẵn sàng hợp tác với các đối tác trong khu vực AĐD-TBD nhưng đồng thời, luôn chuẩn bị để thực hiện trách nhiệm của mình chứ không bao giờ phó mặc hoàn toàn cho đồng minh. Ông Morrison mong muốn Úc “sẽ có thể ngồi cùng bàn với các đối tác và các nước bạn bè” và đảm nhận trách nhiệm của mình với khu vực và quốc tế.

Phó Thủ tướng Úc nhắc chuyện lính Úc tử trận vì bảo vệ Pháp

Một trong những điểm chính trong thỏa thuận thành lập AUKUS là việc Canberra sẽ được Washington và London chuyển giao công nghệ đóng tàu ngầm hạt nhân. Do đó, Úc đã hủy hợp đồng mua tàu ngầm tù Pháp với lý do ông Morrison đưa ra là tàu ngầm thông thường không đáp ứng nhu cầu của Canberra.

Giữa lúc căng thẳng đang lên cao, Phó Thủ tướng Úc Barnaby Joyce - người tạm thời điều hành chính quyền Canberra trong thời gian ông Morrison công du nước ngoài - có vẻ đã tìm cách xoa dịu đối tác khi nhấn mạnh tình cảm mà Úc dành cho Pháp là điều không nên bị nghi ngờ.

Ông Joyce cho rằng Úc không cần phải chứng minh mối quan hệ thân thiết, tình cảm và mong muốn kiên quyết “đảm bảo cho sự tự do, độc lập và công bằng của Pháp”.

Phó Thủ tướng Úc nhắc lại chuyện hàng chục ngàn binh lính Úc đã tử trận, hoặc vì nước Pháp, hoặc vì ngay trên chính nước Pháp, khi chính quyền Paris đối mặt sự xâm lấn của các nước khác trong cả hai cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai.

Tuy nhiên, hãng tin Reuters cho rằng thông điệp của ông Joyce cũng khó có thể làm Paris nguôi giận. Trong cùng ngày 20-9, hai quan chức ở Điện Elysee tiết lộ với Reuters rằng Pháp từ tháng 6 đã bắt đầu nghi ngờ về cam kết của Úc liên quan thỏa thuận mua tàu ngầm.

Một nguồn tin cho biết trong hội nghị thượng đỉnh G7 - định dạng mà Úc không phải thành viên, nhưng được nước chủ nhà Anh mời tham dự - Thủ tướng Pháp Emmanuel Macron đã dò hỏi ông Morrison về thỏa thuận mua tàu ngầm. Lúc đó, ông Morrison đã không nêu ra vấn đề gì và đồng ý tiếp tục hợp tác.

Một nguồn tin khác nhấn mạnh rằng Úc đã không một lần nói gì với Pháp về việc chính quyền Canberra đã cân nhắc một giải pháp thay thế cho hợp đồng tàu ngầm Pháp, khiến Paris hoàn toàn bất ngờ trước quyết định hủy thỏa thuận của Canberra. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm