WHO khen ngợi ông Tập trong đối phó dịch COVID-19

Báo South China Morning Post (SCMP) dẫn lời Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus khen ngợi khả năng lãnh đạo đất nước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do COVID-19 gây ra đang hoành hành. 

Theo tờ báo, dù Trung Quốc vẫn chưa chấp nhận hoàn toàn nhóm nghiên cứu tiên tiến do WHO đề xuất, ông Ghebreyesus vẫn bày tỏ sự đánh giá cao đối với khả năng thích ứng và xử lý vấn đề của ông Tập. 

Trung Quốc đã chấp nhận cho nhóm nghiên cứu của WHO đến hỗ trợ nghiên cứu COVID-19 nhưng chưa đồng ý các vị trí và nhiệm vụ cụ thể của nhóm này khi đến Trung Quốc.

Trong cuộc họp báo ngày 12-2 về tình hình dịch COVID-19 (tên gọi cũ virus Corona) tại trụ sở WHO ở Geneva (Thụy Sĩ), ông Ghebreyesus nói ông Tập đã cho thấy phẩm chất "cam kết cao" và "khả năng lãnh đạo" tốt trong chính trị

Ông cho biết trong cuộc gặp của hai người vào cuối tháng 1-2020, ông Tập đã thể hiện sự hiểu biết rất thấu đáo về tình hình dịch bệnh đang diễn ra. Điều đó chứng minh khả năng lãnh đạo của Chủ tịch Trung Quốc.

"Chúng tôi không nói điều gì để làm vui lòng ai cả" - ông gay gắt ám chỉ những ý kiến nghi ngờ khả năng lãnh đạo của ông Tập.

Tedros Adhanom Ghebreyesus (phải), Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tại cuộc họp báo về dịch COVID-19 ngày 12-2 tại Geneva, Thụy Sĩ.
Ảnh: EPA-EFE

Trước đó, các nhà nghiên cứu của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ bày tỏ sự không hài lòng về việc Bắc Kinh có thái độ không sẵn lòng nhận sự hỗ trợ từ Nhà Trắng.

Ông Ghebreyesus đã thẳng thắn cho biết sự khen ngợi của ông đối với Trung Quốc không nhằm "giữ thể diện" cho nước này. Đồng thời gọi quyết định cách ly TP Vũ Hán với 11 triệu dân là quyết định mang tính "anh hùng". 

"Cả thế giới có thể phán xét nhưng không có gì phủ định được những nỗ lực của Trung Quốc cho đến lúc này" - ông nói. 

Tổng Giám đốc WHO còn cho biết nhận xét trên không phải là quan điểm cá nhân của ông mà là đánh giá dưới góc độ của WHO.

Ngày 12-2 cũng đánh dấu kết thúc của diễn đàn kéo dài hai ngày thảo luận về COVID-19. Diễn đàn gồm có 400 nhà khoa học và chuyên gia y tế trên toàn cầu, được tổ chức bằng cả hai hình thức trực tiếp và online.

Ông Ghebreyesus cho hay các nhà khoa học đang tích cực nghiên cứu COVID-19 để ngăn chặn các trường hợp lây nhiễm từ động vật sang người. 

Cụ thể, bước tiếp theo sau khi diễn đàn kết thúc là đẩy mạnh điều tra nguồn gốc của virus COVID-19, đảm bảo các cuộc thử nghiệm vaccine lâm sàng được thực hiện liên tục và thông tin chặt chẽ với nhau.

Tính đến sáng 13-2, trên toàn thế giới đã có hơn 60.000 ca lây nhiễm COVID-19 (Trung Quốc có 59.500 ca), hơn 1.350 trường hợp tử vong (hơn 1.300 ca ở Trung Quốc).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm