WHO phê duyệt khẩn cấp vaccine COVID-19 của Johnson&Johnson

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm 12-3 đã phê duyệt vaccine ngừa COVID-19 của công ty Mỹ Johnson&Johnson (J&J) để sử dụng trong điều kiện khẩn cấp, hãng tin Reuters cho hay.

Đây là vaccine ngừa COVID-19 thứ ba được WHO phê duyệt, mở ra “đèn xanh” cho chương trình phân phối vaccine toàn cầu COVAX (do WHO tham gia điều phối) mua và cung cấp vaccine của J&J cho các nước.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh rằng “mỗi công cụ mới, an toàn và hiệu quả chống lại COVID-19 đều là một bước tiếp theo tiến gần hơn tới việc kiểm soát đại dịch”. 

Một lọ vaccine ngừa COVID-19 của Johnson&Johnson. Ảnh: REUTERS

Tuy nhiên, ông Tedros lưu ý rằng những kỳ vọng vào các loại vaccine sẽ “không trở thành hiện thực, trừ khi vaccine được cung cấp tới tất cả mọi người ở tất cả các nước”.

Một nhóm cố vấn chiến lược của WHO sẽ nhóm họp vào tuần sau để xây dựng khuyến cáo cụ thể về việc sử dụng vaccine của J&J.

Khác với hai loại đã được WHO phê duyệt khẩn cấp trước đó là sản phẩm của liên danh Pfizer/BioNTech và của hãng dược Anh AstraZeneca, vaccine của J&J chỉ cần một liều tiêm duy nhất.

Ngoài ra, điều kiện bảo quản ít khắc nghiệt cũng giúp vaccine của J&J dễ dàng được phân phối hơn.

Cố vấn cấp cao của WHO, ông Bruce Aylward nói rằng với việc không cần giữ ở điều kiện lạnh sâu, vaccine của J&J “thậm chí còn phù hợp hơn đối với một số quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch”.

Ông Aylward còn cho biết COVAX đã đạt thỏa thuận mua 500 triệu liều vaccine từ J&J và đang nỗ lực để cung cấp vaccine cho các nước tham gia sáng kiến trong thời gian “sớm nhất có thể”, muộn nhất là từ tháng 7 năm nay.

Trước đó, J&J đã cam kết cung cấp cho thế giới 1 tỉ liều vaccine ngừa COVID-19 trong năm 2021. Ngày 11-3, người đứng đầu nhóm chuyên gia khoa học của công ty này chia sẻ với Reuters rằng theo kế hoạch, J&J sẽ sản xuất thêm 3 tỉ liều vaccine trong năm 2022.

Trong thời gian tới, J&J được xây dựng hệ thống dữ liệu về độ an toàn và hiệu quả của vaccine để hướng tới việc WHO cấp phép đầy đủ cho loại vaccine ngừa COVID-19 này.

Quyết định liên quan tới vaccine của J&J được công bố giữa lúc thế giới đang lo lắng sau nhiều trường hợp tử vong hoặc bị biến chứng nặng sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19 đã được WHO phê duyệt khẩn cấp.

Một số nước đã ghi nhận trường hợp tử vong sau khi tiêm vaccine của AstraZeneca. Một số người được tiêm vaccine của AstraZeneca ở Áo bị phát hiện rối loạn đông máu, bao gồm một phụ nữ 49 tuổi đã tử vong.

Tuy nhiên, WHO đã tuyên bố chưa tìm thấy dấu hiệu nào cho thấy tiêm ngừa COVID-19 là nguyên nhân gây ra những ca tử vong trên. Do đó, WHO không khuyến cáo các nước ngừng sử dụng vaccine của AstraZeneca.

Một số trường hợp tử vong không lâu sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech cũng được ghi nhận tại Tây Ban Nha, Anh, Ireland, Nhật Bản… nhưng nhiều trường hợp đã được kết luận là không liên quan tới vaccine.

Tính đến sáng 13-3, thế giới đã phát hiện gần 119,6 triệu ca nhiễm COVID-19, trong đó hơn 2,65 trường hợp đã tử vong, theo chuyên trang thống kê worldometers.info

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm