WHO sẽ cử người đến Trung Quốc điều tra nguồn gốc COVID-19

Hãng tin Reuters ngày 16-12 cho biết một phái đoàn quốc tế do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dẫn đầu dự kiến sẽ đến Trung Quốc vào tuần đầu tiên của tháng 1-2021 để tiến hành điều tra nguồn gốc loại virus gây ra đại dịch COVID-19.

Theo đó, WHO chính thức thành lập nhóm điều tra gồm 12-15 chuyên gia quốc tế chuẩn bị đi đến Vũ Hán để kiểm tra bằng chứng, bao gồm mẫu xét nghiệm thu được từ người và động vật do các nhà nghiên cứu Trung Quốc thu thập từ nghiên cứu ban đầu của họ.

Trung Quốc đã báo cáo những trường hợp nhiễm COVID-19 đầu tiên (không rõ nguyên nhân) ở TP Vũ Hán cho WHO vào ngày 31-12-2019, đồng thời tiến hành đóng cửa phong tỏ một khu chợ tại thành phố này, nơi được cho là nơi lây nhiễm đầu tiên.

Người dân đeo khẩu trang đi dạo trên một khu chợ ở Vũ Hán, tâm chấn của đợt bùng phát COVID-19 đầu tiên của Trung Quốc, ngày 6-4. Ảnh: REUTERS

Một thành viên người Đan Mạch thuộc nhóm điều tra Thea Fischer tiết lộ nhóm sẽ rời đi "ngay sau ngày đầu năm mới" và sẽ bắt đầu nhiệm vụ kéo dài suốt sáu tuần lễ, bao gồm hai tuần đầu kiểm dịch cách ly khi đến Trung Quốc.

"Giai đoạn một đến lúc này đáng lẽ đã phải hoàn thành, và chúng tôi đáng ra phải nhận được một số kết quả đầu tiên. Nếu chúng tôi nhận được chúng ngay khi vừa đến Trung Quốc thì thật tuyệt vời. Và từ đó chúng tôi sẽ bắt đầu giai đoạn hai" - bà Fischer nói.

Chuyên gia Tổ chức Sức khỏe Động vật Thế giới (OIE) Keith Hamilton, một thành viên khác của nhóm điều tra, nói với các phóng viên hôm 15-12: "Tôi tin rằng quá trình điều tra sẽ diễn ra khá sớm".

Phát ngôn viên WHO Tarik Jasarevic cho hay nhóm điều tra đang tiến hành sắp xếp, chuẩn bị những thứ cần thiết để có thể đi đến Trung Quốc càng sớm càng tốt, Reuters đưa tin.

"Chúng tôi hy vọng nhóm điều tra sẽ có thể đi đến Vũ Hán vào tháng 1" - ông Jasarevic chia sẻ.

Một lối vào chợ hải sản Huanan bị chặn do đại dịch COVID-19 bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc, ngày 30-3. Ảnh: REUTERS

Nhiều nước phương Tây đã bày tỏ lo ngại trước sự chậm trễ của WHO trong việc cử các chuyên gia quốc tế đến Trung Quốc.

Chính quyền Mỹ, quốc gia nhiều lần cáo buộc Trung Quốc che giấu mức độ bùng phát của đại dịch, đã đốc thúc WHO tiến hành một cuộc điều tra "minh bạch", chỉ trích các điều khoản của tổ chức này vì cho phép các nhà khoa học Trung Quốc thực hiện giai đoạn đầu của cuộc điều tra sơ bộ.

Bộ trưởng y tế của nhiều quốc gia trên thế giới cũng kêu gọi WHO tiến hành xác định nguồn gốc của đại dịch và cách nó lây nhiễm sang cho người từ hồi tháng 5, theo Reuters.

Một nhà ngoại giao cấp cao đã phàn nàn về sự thiếu minh bạch của chính quyền Bắc Kinh, trong khi các chuyên gia lại không có mặt để nói chuyện với các bác sĩ và nhà nghiên cứu của nước này hoặc kiểm tra trực tiếp các mẫu thí nghiệm.

Ngược lại, một nhà ngoại giao khác cho rằng đây là một "bước tiến tốt" và WHO phải chấp nhận các điều khoản của Trung Quốc để đảm bảo quyền được tiếp cận các mẫu vật phẩm.

Nhà sinh vật học người Đức Fabian Leendertz là thành viên của nhóm điều tra của WHO sẽ đến Trung Quốc vào tháng tới. Ảnh: SCMP

Một thành viên khác của nhóm điều tra - nhà sinh vật học người Đức Fabian Leendertz khẳng định mục tiêu của nhóm là thu thập dữ liệu để chuẩn bị tốt hơn cho các đợt bùng phát khác có thể xảy ra trong tương lai.

“Đây thực sự không phải là việc tìm ra xem ai là người chịu trách nhiệm, mà là cố gắng để hiểu xem chuyện gì đã xảy ra và sau đó dựa trên những dữ liệu đó, xem xem liệu có thể tìm cách giảm thiểu rủi ro trong tương lai hay không” - ông Leendertz nhận định.

Nhà sinh vật học cho biết nhóm điều tra đã bắt đầu thảo luận với các nhà khoa học ở Trung Quốc, thêm rằng nhóm vẫn chưa sắp xếp lên lịch trình làm việc cụ thể tại quốc gia này.

Ông Leendertz cũng nói thêm rằng nhóm điều tra hiện vẫn chưa nhận được thông báo nào về những yêu cầu hạn chế từ chính quyền Bắc Kinh khi họ làm việc ở Trung Quốc, ngoài việc phải cách ly hai tuần. 

Nhà sinh vật học bày tỏ sự tin tưởng vào "các nhà nghiên cứu xuất sắc" của Trung Quốc và cho biết dữ liệu được thu thập có thể sẽ đem về nhiều giá trị có ích, tờ South China Morning Post (SCMP) cho hay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm