Tại Indonesia, phim "nội" phải đạt 60%

Một số điểm chính trong Luật Điện ảnh mới như sau:

- Cấm những cảnh quay có hình ảnh khỏa thân, sử dụng ngôn từ gợi dục hay lạm dụng ma túy mà không có giới hạn rõ ràng.

- Cấm tổ chức chiếu phim ngoài trời hay chiếu các bộ phim dành cho khán giả trên 21 tuổi.

- Các nhà sản xuất trước khi chuẩn bị khởi quay bất cứ loại phim nào đều phải có trách nhiệm gửi đơn cho Bộ Văn hóa-Du lịch để đăng ký duyệt nội dung. Đơn ghi rõ tên phim, ý tưởng phim, kế hoạch sản xuất.

- Các cơ sở kinh doanh rạp chiếu phim phải bảo đảm tỷ lệ về thời lượng phát sóng phim nội địa đạt 60% bất kể nội dung và chất lượng phim.

- Các hãng phim đều phải có giấy phép hoạt động do cơ quan chuyên trách cấp. Các nhà sản xuất phim có bằng cấp công nhận mới được phép làm phim.

Phim The Twilight Saga: New Moon (Trăng non) của Úc được quảng cáo tại rạp chiếu phim ở Indonesia.
Phim The Twilight Saga: New Moon (Trăng non) của Úc được quảng cáo tại rạp chiếu phim ở Indonesia.

Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong lĩnh vực điện ảnh có thể phải chịu mức án tối đa năm năm tù giam và nộp phạt đến 0,5 triệu USD.

Đây là dự luật thứ hai dưới thời Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono bị cộng đồng nghệ thuật phản đối quyết liệt sau Luật Chống khiêu dâm ban hành năm 2008 (phạt nghiêm đối với hình ảnh, tranh tượng khỏa thân, các tác phẩm nghệ thuật có nội dung khiêu dâm, gợi dục).

Để trấn an dư luận, Bộ trưởng Văn hóa-Du lịch Jero Wacik đã lập tức đăng đàn giải thích Luật Điện ảnh ra đời nhằm thúc đẩy nền điện ảnh trong nước phát triển chứ chính phủ không có ý can thiệp hay hạn chế sức sáng tạo của giới nghệ thuật.

Tuy nhiên, đạo diễn nổi tiếng của Indonesia Joko Anwar nhận xét dự luật Điện ảnh mới thông qua sẽ là dấu chấm hết cho nền điện ảnh nước nhà. Theo ông, ấn định chỉ tiêu ưu đãi dành cho phim nội chiếu tại rạp đến 60% sẽ không thay đổi được gì vì cái mà ngành công nghiệp điện ảnh Indonesia cần là nhà nước phải có lập trường điện ảnh và tài trợ cho các nhà làm phim tài năng trong nước bởi họ dư thừa khả năng sáng tạo nhưng chỉ thiếu tiền.

Nhà sản xuất phim Chand Parwez Servia đồng thời là thành viên Hiệp hội Phim ảnh Indonesia cho rằng Luật Điện ảnh mới không ngoài mục đích kiểm soát những người làm công tác nghệ thuật, cũng như các nhà sản xuất phim và là bước lùi so với Luật Điện ảnh năm 1982 vốn cởi mở hơn.

Trong thời gian Quốc hội họp về dự luật Điện ảnh, một nhóm nhà hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh ở bên ngoài trụ sở Hạ viện đã liên tục nhắn tin cho nhau qua thư điện tử và điện thoại kêu gọi tổ chức tuần hành phản đối dự luật.

MINH NHỰT (Theo Jakarta Post, AP, Jakarta Globe)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm