Tại sao mưa lũ ở Nhật lại chết nhiều người đến thế?

Theo Chánh Văn phòng nội các Nhật Yoshihide Suga ngày 11-7, đã có 179 người thiệt mạng, 67 người mất tích và hàng ngàn ngôi nhà bị phá hủy trong đợt mưa lũ lịch sử gây lũ quét và sạt lở đất nghiêm trọng ở Nhật.

Nhật huy động gần 75.000 binh sĩ, cảnh sát và nhân viên cứu hộ để thực hiện các chiến dịch tìm kiếm và giải cứu. Ông Suga cảnh báo các cơn giông và sạt lở đất trong hôm nay có thể khiến tình hình nguy hiểm hơn.

Những trận mưa lớn từ cuối tuần trước khiến mực nước ở các con sông miền Trung và miền Tây Nhật dâng cao, gây lũ quét và sạt lở đất ở nhiều nơi. Các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là các tỉnh Hiroshima, Okayama và Ehime.

Hàng trăm ngàn người bị buộc sơ tán khẩn cấp. Những người không sơ tán kịp phải trèo lên mái nhà chờ được giải cứu do mực nước dâng cao. Chính phủ Nhật đã quyết định chi 70 tỉ yen (tương đương 631 triệu đôla Mỹ) khắc phục hậu quả thiên tai.

Hai người lính cứu một cụ già khỏi dòng nước lũ ngày 8-7 tại Kurushiki, tỉnh Okayama, Nhật Bản. Ảnh: CNN

Hai người lính cứu một cụ già khỏi dòng nước lũ ngày 8-7 tại Kurushiki, tỉnh Okayama, Nhật Bản. Ảnh: CNN

Tại sao đợt mưa lũ này lại khiến nhiều người chết đến thế? Reuters dẫn đánh giá của các chuyên gia thiên tai cho rằng có bốn nguyên nhân chính:

Thứ nhất, thời tiết ngày càng khắc nghiệt. Tàn dư của cơn bão Praporoon kết hợp với luồng không khí ấm từ Thái Bình Dương - rất giống với nguyên nhân gây ra trận lũ ở Tây Nam nước Nhật đã khiến hàng chục người thiệt mạng đúng một năm trước. Lượng mưa trong thời gian gần đây cao kỷ lục. Và các chuyên gia thiên tai cho rằng các trận mưa lũ đang dần xảy ra thường xuyên hơn, một phần do hiện tượng nóng lên toàn cầu.

“Bây giờ chính phủ mới nhận ra sự cần thiết của việc giảm thiểu các tác động gây ra bởi hiện tượng nóng lên toàn cầu” - theo Giáo sư danh dự Takashi Okuma, chuyên nghiên cứu thiên tai tại ĐH Niigata (Nhật).

Đội cứu hộ làm việc tại hiện trường một vụ lở đất ở thành phố Hiroshima ngày 7-7. Ảnh: REUTERS

Đội cứu hộ làm việc tại hiện trường một vụ lở đất ở TP Hiroshima ngày 7-7. Ảnh: REUTERS

Thứ hai, nhận thức rủi ro thấp. Hiện các chính quyền địa phương ở Nhật từ năm 2005 đã được yêu cầu phải vẽ và công bố các “bản đồ thiên tai” cho biết mức độ rủi ro của lũ lụt và sạt lở đất. Theo Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật, đến năm 2013, 95% các chính quyền địa phương đã ban hành bản đồ lũ lụt và 81% chính quyền các địa phương đã ban hành bản đồ sạt lở đất.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia thì nhiều ngôi nhà ở Nhật đã được xây dựng tại các khu vực rủi ro cao trước năm 2001 khi các bản đồ này được yêu cầu phát hành. Điển hình là tại quận Mabi thuộc TP Kurashiki, tỉnh Okayama, một trong những nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất do các trận mưa lũ lần này, chỉ mới phát hành bản đồ thiên tai năm 2016.

Thêm vào đó, nhiều người dân dường như đã bỏ qua các cảnh báo và lệnh sơ tán vì họ không biết phải đi đâu hay làm thế nào để được an toàn.  

Khi được hỏi liệu có biết mình đang sinh sống tại một khu vực có thể xảy ra thiên tai hay không thì ông Kenji Ishi (57 tuổi, sống tại quận Mabi) đã trả lời: “Tôi e rằng mình không biết rõ lắm”.

Một khu dân cư tại Kurushiki, tỉnh Okayama chìm trong nước sau trận mưa lũ lịch sử quét qua miền Tây nước Nhật ngày 9-7. Ảnh: CNN

Một khu dân cư tại Kurushiki, tỉnh Okayama chìm trong nước sau trận mưa lũ lịch sử quét qua miền Tây nước Nhật ngày 9-7. Ảnh: CNN

Thứ ba, dân Nhật quen với động đất chứ không phải lũ lụt. Là một trong những quốc gia hứng chịu nhiều động đất nhất thế giới, Nhật luôn đẩy mạnh việc sẵn sàng đối phó với động đất. Tuy nhiên, quốc gia này lại ít quan tâm tới hiểm họa lũ lụt, theo Giáo sư Okuma.

Sau khi trải qua vài thiên tai nhỏ trong những năm gần đây, Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật mới lên kế hoạch cải thiện hệ thống quy hoạch khống chế và sơ tán khi có lũ.

Thứ tư, sử dụng đất chưa hợp lý. Dù chính phủ Nhật giám sát chặt tình hình thời tiết và đưa ra các cảnh báo sớm nhưng quốc gia này vẫn rất dễ bị thiên tai tấn công. Việc này được lý giải bởi hầu hết mảnh đất nào sử dụng được đều đã là công trình xây dựng.

Các chính sách tái trồng rừng sau Chiến tranh thế giới thứ hai làm cho nhiều đồi núi bị chặt hết cây cũ, thay bằng những cây mới có rễ ít có khả năng giữ nước. Điều này làm trầm trọng hơn tình trạng sạt lở đất đã khiến nhiều người thiệt mạng trong các thiên tai gần đây.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm