Tại sao ông Putin không lệnh bắn hạ tên lửa Mỹ?

Tối 6-4 (giờ địa phương), hai tàu chiến của hải quân Mỹ đã bắn tổng cộng 59 tên lửa hành trình Tomahawk nhằm vào một căn cứ không quân của quân đội Syria. Động thái này được xem là để trả đũa vụ tấn công hóa học mà Mỹ cáo buộc quân đội của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad đứng sau hồi đầu tuần này.

Đây không phải là một tình huống mà Tổng thống Nga Vladimir Putin không có lựa chọn. Ông Putin đã được cảnh báo trước về cuộc tấn công này. Với thông tin đó trong tay, Nga có thể đã cố gắng đánh chặn tên lửa Mỹ. Tuy nhiên, Moscow đã không hành động như vậy.

Nga vốn có thể bắn hạ tên lửa Mỹ

Theo trang Popular Mechanics, trước hết Nga hiện có các binh sĩ hiện diện trên mặt đất Syria. Chính phủ Syria vận hành các hệ thống phòng không của Nga nhưng chúng đã già cổ và không thể nào đối phó các tên lửa hành trình được. Lầu Năm Góc tuyên bố các tên lửa Tomahawk nhắm vào các vũ khí phòng không tại căn cứ không quân Syria, do đó các vũ khí phòng không này có thể được “di tản” sang địa điểm khác để tránh “ăn bom”.

Mỹ phóng tên lửa Tomahawk vào căn cứ quân sự Syria tối 6-4. Ảnh: AP

Về mặt khác, Nga đã di chuyển các hệ thống phòng chống tên lửa tiên tiến của nước này như S-300 và S-400 vào Syria. Động thái này cho thấy Moscow ngụ ý rằng những vũ khí này sẽ được dùng để bảo vệ các căn cứ không quân Syria khỏi các cuộc không kích của Mỹ.

Vấn đề ở chỗ là các hệ thống phòng không tiên tiến này được đặt tại các căn cứ quân sự của Nga. Các hệ thống phòng không S-400 và Pantsir của Nga đều đóng tại căn cứ không quân Hmeymim và căn cứ hải quân ở Tartus. Đây là những vũ khí chính của Nga đặt trong lãnh thổ Syria.

Trong khi đó, căn cứ không quân Shayrat của Syria, nơi bị Mỹ dội tên lửa, lại cách các căn cứ Nga rất xa. Người Nga cũng từng sử dụng căn cứ này. Hồi cuối năm 2015, Nga đã cho trùng tu đường băng để chiến đấu cơ Nga có thể tiến hành không kích từ đây. Nga không đặt các hệ thống phòng không ở đây để bảo vệ các cuộc không kích này.

Tuy nhiên, căn cứ không quân Shayrat là địa điểm an toàn vì radar Nga có thể quét tới. Căn cứ này nằm dưới lớp bảo vệ của hệ thống S-300 (có tầm hoạt động gần 145 km, nếu dùng thêm hệ thống radar thì tầm hoạt động có thể lên tới gần 300 km). Tên lửa Tomahawk của Mỹ có thể được lập trình để bay tránh các địa điểm có radar nhưng nó khó có thể tránh được lớp phủ radar của Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: REUTERS

Bên cạnh đó, Nga nắm được thông tin các tên lửa sẽ được phóng vào căn cứ không quân Syria. Các hãng tin Mỹ tường thuật Mỹ đã cảnh báo ít nhất một giờ trước khi các tên lửa Tomahawk rời bệ phóng. Do đó Nga sẽ có nhiều thời gian để vận hành các radar, triển khai các bệ phóng di động và điều các đội tên lửa tiên tiến nhất đến các điểm cốt yếu để bảo vệ Shayrat.

Tại sao Nga không ra tay?

Nếu làm đúng kịch bản trên, ông Putin có thể đã bắn hạ các tên lửa Tomahawk. Vị tổng thống Nga lúc đó có thể đã tuyên bố rằng ông đã cứu đồng minh Syria của mình. Thậm chí cho dù số tên lửa Tomahawk áp đảo số hệ thống phòng không Nga thì chí ít cũng sẽ có một vài tên lửa Mỹ bị bắn hạ. Ngoài ra, việc Nga trả đũa các tên lửa hành trình của Mỹ cũng sẽ khiến tình hình ít leo thang hơn vì sẽ không có thương vong chết chóc như được tường thuật.

Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin không làm vậy. Có thể đây là một lựa chọn mang tính chiến thuật của ông. Thứ nhất, có thể ông Putin muốn gửi một thông điệp tới Tổng thống Syria Bashar al-Assad rằng sự ủng hộ của Nga dành cho chính phủ Syria là có giới hạn và “tội ác chiến tranh sẽ không giúp ích được gì”, theo trang Popular Mechanics.

Một giả thuyết khác được đưa ra là Nga sợ mất mặt với các khách hàng vũ khí của nước này. Nga bán vũ khí cho nhiều quốc gia. Những vũ khí này được Nga tuyên bố là có thể đối phó các vũ khí của Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ hiện sở hữu nhiều loại tên lửa thông minh được thiết kế để chọc thủng lá chắn tên lửa Nga. Sẽ không gì thất vọng hơn nếu hệ thống phòng không Nga chứng minh yếu thế trước tên lửa Mỹ! Tuy nhiên, nguy cơ mà Nga lo sợ không phải là “sự mất mặt trong ngắn hạn” như thế này mà là những tổn thất đối với “trò chơi địa chính trị dài hạn” của Moscow.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm