Tam giác Hàn - Trung - Nhật hậu Shinzo Abe

Hôm 28-8, ông Shinzo Abe bất ngờ tuyên bố từ chức Thủ tướng Nhật vì lý do sức khỏe, sẽ chỉ điều hành chính phủ cho đến khi tìm được người thay thế. Là thủ tướng tại vị lâu nhất, ông Abe tạo được dấu ấn sâu đậm trong đường lối đối ngoại của Nhật là điều dễ hiểu. Dưới thời ông Abe các nước khác cũng dễ dàng tiếp xúc với Nhật hơn vì tính ổn định trong quyết sách, đặc biệt so với các giai đoạn trước Nhật thay đổi lãnh đạo liên tục.

Giờ đây, cộng đồng quốc tế nhất là các nước như Hàn Quốc (HQ) và Trung Quốc (TQ) đang chờ xem người kế nhiệm ông Abe là ai và sẽ đem đến những thay đổi gì trong bối cảnh trật tự thế giới nói chung và khu vực Đông Á nói riêng đang có nhiều diễn biến đáng chú ý.

Trung Quốc chủ động nắm thời cơ

Căng thẳng trong quan hệ Trung - Nhật thời gian gần đây tiếp tục gia tăng khi Bắc Kinh liên tiếp có hành vi gây hấn tại biển Hoa Đông, cụ thể là xung quanh quần đảo Điếu Ngư/Senkaku mà hai bên đang tranh chấp. Mới đây nhất, Tân Hoa Xã ngày 20-8 đưa tin hải quân TQ đã điều hai hộ vệ hạm và hai khu trục hạm đến tham gia diễn tập bắn đạn thật tại vùng biển này.

Dưới thời ông Abe, Nhật luôn cố gắng duy trì một chính sách cứng rắn với Bắc Kinh dù vẫn chú ý không để leo thang thành xung đột quân sự. Cụ thể, Tokyo thường xuyên điều tàu tập trận chung với đồng minh Mỹ cũng như tham gia các đợt diễn tập đa quốc gia khác nhằm củng cố năng lực quốc phòng cũng như gửi đi thông điệp cảnh báo mạnh mẽ đến Bắc Kinh. Thủ tướng Abe cũng nỗ lực kêu gọi bãi bỏ Điều 9 Hiến pháp Nhật, cho phép lực lượng Phòng vệ nước này tự do hơn trong tiến hành các chiến dịch quân sự, hỗ trợ Washington kiềm chế Bắc Kinh.

Hiện chưa rõ ai sẽ trở thành người kế nhiệm ông Abe dù một số ứng cử viên sáng giá đã xuất hiện như cựu bộ trưởng quốc phòng Shigeru Ishiba hay cựu ngoại trưởng Fumio Kishida. Trong số này, ông Ishiba là một trong số ít các chính khách thuộc đảng cầm quyền Dân chủ Tự do đã từng công khai chỉ trích ông Abe.

Cụ thể, ông Ishiba dù ủng hộ các nỗ lực về sửa đổi hiến pháp nhưng lại chỉ trích cách tiếp cận của ông Abe là quá vội vàng vì sửa đổi một nội dung quan trọng như vậy cần một tiến trình chuẩn bị lâu dài. Có thể thấy nếu ông Ishiba trở thành thủ tướng Nhật, giấc mơ hiện đại hóa quân đội của ông Abe có thể sẽ còn lâu mới thành hiện thực, còn Bắc Kinh sẽ thở phào. Tân Hoa Xã ngày 29-8 đã đăng một bài dự đoán ông Ishiba sẽ kế nhiệm ông Abe, chứng tỏ TQ cũng đặt nhiều kỳ vọng vào nhân vật này.

Chủ tịch TQ Tập Cận Bình dự kiến sẽ có buổi hội đàm trực tiếp với tân thủ tướng Nhật do chuyến thăm Tokyo hồi tháng 4 của ông đã bị hủy bỏ do đại dịch COVID-19. Tờ The Nikkei cho hay việc phải nhanh chóng thiết lập quan hệ tốt đẹp với người kế nhiệm ông Abe đang là ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh do nước này không thể liều lĩnh để một lãnh đạo mới tiếp tục đường lối cứng rắn cũ trong lúc Mỹ ngày càng siết chặt vòng vây.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (giữa), Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (phải) và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong cuộc hội đàm ba bên tại TP Thành Đô (TQ) hồi tháng 12-2019. Ảnh: YONHAP

Tương lai Hàn - Nhật khó lường

Bên cạnh TQ, chính quyền HQ cũng đang tranh thủ cuộc chuyển giao quyền lực ở Nhật để nhanh chóng cải thiện quan hệ với nước này. Mâu thuẫn hai bên xuất phát từ nhiều vấn đề lịch sử, việc người dân HQ bị quân Nhật cưỡng ép lao động giai đoạn Thế chiến II là một ví dụ, khiến tiến trình bình thường hóa khó khăn hơn khi so với đối đầu Trung - Nhật.

Tháng 8-2019, Nhật chính thức loại HQ khỏi danh sách các đối tác thương mại ưu tiên nhằm đáp trả việc Tối cao Pháp viện HQ quyết định trừng phạt một loạt công ty Nhật bị cáo buộc liên quan đến lao động bị cưỡng ép thời chiến. Đáp trả, Seoul tuyên bố rút khỏi Hiệp định Chia sẻ thông tin tình báo quân sự (GSOMIA) với Tokyo với lý do hoạt động này không đáp ứng được “lợi ích quốc gia” của HQ.

Khả năng lãnh đạo mạnh mẽ và đưa ra quyết định là hai yếu tố cần thiết để đưa Nhật vượt qua những thách thức sắp tới. Tuy nhiên, tân thủ tướng cũng cần phải thể hiện rõ tầm nhìn về tương lai của đất nước, gây dựng được uy tín với người dân và mang lại cho họ niềm hy vọng về tương lai.

GS FUKUSHIMA MIEKO, ĐH Tokyo (Nhật) 

Trong bối cảnh Tokyo không chịu nhượng bộ vì rõ ràng vấn đề này có liên quan đến danh dự quốc gia, Tổng thống HQ Moon Jae-in đã chủ động đưa ra đề nghị hòa giải, đối thoại. Đơn cử, phát biểu hôm 15-8 nhân kỷ niệm ngày đế quốc Nhật rút quân khỏi bán đảo Triều Tiên, ông Moon khẳng định: “Seoul sẵn sàng ngồi xuống đàm phán hòa bình với Tokyo để giải quyết mọi vấn đề còn tồn đọng và sẽ luôn mở cửa chào đón họ”.

Dù vậy, theo tờ The Korea Times, sẽ khó có khả năng người kế nhiệm Thủ tướng Abe sẽ thay đổi chính sách với HQ vì hầu hết các ứng viên tiềm năng hiện nay đều từng là quan chức dưới quyền của ông Abe, ít nhiều chịu ảnh hưởng của nhà lãnh đạo này. Trên thực tế, chừng nào đảng Dân chủ Tự do vẫn nắm quyền ở Nhật thì quan hệ với HQ sẽ còn nguội lạnh do đường lối cứng rắn với Seoul đã được đảng này duy trì suốt nhiều năm qua.

Một số tờ báo khác như Dong-A Ilbo hay hãng thông tấn Yonhap cũng đồng ý rằng về ngắn hạn, quan hệ Nhật - Hàn sẽ tiếp tục tình trạng như hiện tại. Tuy nhiên, về dài hạn thì vẫn có khả năng mọi chuyện sẽ diễn biến theo chiều hướng tốt đẹp hơn vì Thủ tướng Abe được đánh giá là nhà lãnh đạo có quan điểm tiêu cực với HQ hơn so với những người tiền nhiệm và nhiều chính trị gia nổi bật khác của Nhật. Bên cạnh đó, không loại trừ Mỹ cũng có thể chủ động giúp hai đồng minh hàn gắn mâu thuẫn, kéo thêm lực lượng chống TQ.

Quan hệ Mỹ - Nhật cũng sẽ biến động?

Theo đài CNN, liên minh Mỹ - Nhật vốn là nền tảng an ninh của Tokyo trong hơn 60 năm qua. Suốt thời kỳ đó, vai trò và phạm vi hoạt động của Nhật đã được mở rộng. Nhật ngày càng tích cực hơn trong việc thúc đẩy hòa bình, ổn định trên toàn cầu. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã tạo ra sóng gió lớn trong quan hệ giữa hai nước khi yêu cầu Tokyo tăng đóng góp quân sự cho lực lượng Mỹ đồn trú tại đây.

Tùy thuộc vào kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11 tới, tân thủ tướng Nhật sẽ có giải pháp củng cố liên minh Mỹ - Nhật ở cả cấp độ lãnh đạo và cấp độ thể chế. Việc này nhằm đảm bảo đáp ứng được nhu cầu về chia sẻ gánh nặng an ninh, đưa mối quan hệ song phương về đúng quỹ đạo. Nhật cũng sẽ hướng Mỹ quay trở lại với lập trường ủng hộ chủ nghĩa đa phương, các tổ chức quốc tế cũng như theo đuổi cách tiếp cận truyền thống hơn trong chính sách đối ngoại. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm