Tám nhóm Myanmar thỏa thuận ngừng bắn

Ngày 15-10, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế ở thủ đô Nay Pyi Taw, chính phủ Myanmar và tám nhóm vũ trang dân tộc thiểu số đã ký thỏa thuận ngừng bắn quốc gia sau hai năm cực nhọc đàm phán.

Các nhà quan sát quốc tế gồm các đại diện của LHQ, Liên minh châu Âu, Nhật, Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan đã tham dự lễ ký thỏa thuận.

Tân Hoa xã (Trung Quốc) ghi nhận về phía chính phủ có Tổng thống Thein Sein, hai Phó Tổng thống Mauk Kham và Nyan Tun, Tướng Tổng tư lệnh Quốc phòng Min Aung Hlaing, Tướng Phó Tổng tư lệnh Soe Win (tư lệnh lục quân), Chủ tịch Hạ viện Shwe Mann và Chủ tịch Thượng viện Khin Aung Myint.

Ngoài ra còn có các nhà ngoại giao của 50 nước, các đảng chính trị và các tổ chức dân sự.

Các thủ lĩnh của tám nhóm đã đại diện cho nhóm ký thỏa thuận.

Báo chí Myanmar long trọng loan tin: “Hôm nay hòa bình đã bắt đầu”. Tổng thống Thein Sein phát biểu: “Thỏa thuận ngừng bắn quốc gia là món quà lịch sử của chúng ta dành cho các thế hệ tương lai”.

Ngày 15-10, Tổng thống Thein Sein ký thỏa thuận ngừng bắn. Bên phải ông là đại diện Liên minh Dân tộc Karen. Ảnh: AP

Tuy nhiên, báo Le Monde (Pháp) nhận định thật ra thỏa thuận lịch sử ký kết ngày 15-10 chỉ thành công một nửa vì bảy nhóm được mời ký kết đã không ký.

Một số nhóm từ chối ký kết. Các nhóm khác muốn ký thì chính phủ Myanmar không chấp thuận vì cho rằng đó là tổ chức nước ngoài.

Trung tâm Hòa bình Myanmar (tổ chức hỗ trợ tiến trình đàm phán hòa bình ở Myanmar) nhận định có khác nhau giữa miền Bắc và miền Nam Myanmar. Các nhóm miền Nam chấp thuận ký kết trong khi các nhóm miền Bắc thì không.

Trong các nhóm đã ký kết có hai nhóm quan trọng, trong đó có Liên minh Dân tộc Karen là lực lượng du kích người dân tộc Karen đã giao tranh với quân đội chính phủ gần 70 năm nay ở miền Nam Myanmar.

Đây là một trong hai lực lượng du kích quan trọng của người dân tộc Shan (dân tộc thiểu số đông nhất ở Myanmar).

Trong các nhóm từ chối ký kết, đáng chú ý là Tổ chức Độc lập Kachin (dân tộc Kachin) ở miền Bắc Myanmar.

Các nhóm vũ trang ở bang Kachin và bang Shan không nằm trong tám nhóm ký kết.

Trong nội bộ một số nhóm vẫn còn bất đồng về thỏa thuận ngừng bắn. Ví dụ: Một bộ phận người dân tộc Karen yêu cầu quân đội Myanmar phải chịu trách nhiệm vì đã vi phạm nhân quyền.

Trả lời báo Le Monde hôm 12-10 tại tổng hành dinh ở Laiza giáp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), tướng Gun Maw thuộc nhóm Quân đội Độc lập Kachin khẳng định: “Chúng tôi không ký kết thỏa thuận ngừng bắn vì chúng tôi muốn thỏa thuận phải bao gồm mọi nhóm dân tộc nhưng chính phủ bác bỏ nguyên tắc quan trọng này”.

Ông giải thích: “Thỏa thuận ngừng bắn không đáp ứng mong đợi của chúng tôi. Ví dụ, chúng tôi đề nghị thành lập cơ chế liên bang nhưng chính phủ muốn sẽ bàn sau vấn đề này. Chúng tôi đề nghị thành lập quân đội liên bang nhưng họ cho rằng mọi vấn đề về quân sự sẽ được thảo luận sau trong khuôn khổ đối thoại chính trị”.

Ông Aung Min là người đại diện chính phủ phụ trách đàm phán hòa bình từ hai năm nay đã cam kết quân đội Myanmar không có bất kỳ ý đồ tấn công nào đối với các nhóm không ký kết thỏa thuận ngừng bắn. Ông nói đối với chính phủ, đây không phải là quyết định dễ dàng.

_____________________________________

8 nhóm vũ trang ký kết thỏa thuận ngừng bắn gồm Liên minh Dân tộc Karen, Hội đồng Hòa bình của Quân đội Giải phóng Dân tộc Karen, Tổ chức Giải phóng Dân tộc Pa’O, Mặt trận Dân chủ Sinh viên Myanmar, Mặt trận Quốc gia Chin, Đảng Giải phóng Arakan (ALP), Quân đội Phật giáo Dân chủ Karen và Quân đội miền Nam thuộc Hội đồng Phục hồi bang Shan.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm