Tân thủ tướng Nhật Bản hoà giải căng thẳng với Trung Quốc và Nga

Tân thủ tướng Nhật Bản hoà giải căng thẳng với Trung Quốc và Nga ảnh 1

Tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda.
Các cuộc điện đàm hôm qua của ông Noda với Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev còn để tạo không khí hòa giải sau căng thẳng vì các tranh chấp lãnh thổ.

Nhưng ông Noda cũng kêu gọi Trung Quốc “đóng vai trò là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”.

Ông Noda và ông Ôn Gia Bảo cam kết sẽ hợp tác cả về hàng hải và quảng bá du lịch. Về tranh chấp vùng đảo Điếu Ngư/Senkaku, hai thủ tướng hứa sẽ thúc đẩy để có một cơ chế “xử lý khủng hoảng”.

 Các vụ Nhật Bản cho là tàu cá hoặc tàu ngầm, trực thăng của Trung Quốc xâm phạm lãnh hải của họ đã gây ra khủng hoảng ngoại giao hai bên.

Cũng về lãnh hải và lãnh thổ, Thủ tướng Noda và Tổng thống Nga Medvedev đã đồng ý tiếp tục đối thoại "bình tĩnh".
Nhật Bản nói Nga vẫn chiếm vùng đảo Kuril của họ từ sau Thế Chiến 2 và hai nước đến nay vẫn chưa ký hiệp ước hòa bình. Gần đây, có tin Nga mời công ty Trung Quốc vào khai thác và chế biến hải sản tại vùng mà Nhật Bản cho là biển của họ.

Với nước láng giềng Hàn Quốc, Thủ tướng Noda và Tổng thống Lee Myung Bak đồng ý rằng Mỹ là đối tác mà hai nước Đông Bắc Á sẽ cùng hợp tác chặt chẽ để bàn về Bắc Triều Tiên. Ông Noda cũng mời ông Lee sang thăm Nhật Bản trong lúc hai nước tiếp tục đàm phán về thỏa thuận mậu dịch tự do.

Ngoài ra, ông Noda cũng có cuộc điện đàm với Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Moon và nói ông sẽ dự kỳ họp của Đại hội đồng LHQ tại New York và hội nghị về an toàn hạt nhận do LHQ chủ trì tháng này ở New York.

Là một lãnh đạo thuộc phe bảo thủ hơn trong đảng Dân chủ Nhật Bản, ông Noda, thủ tướng thứ 6 của Nhật Bản trong 5 năm qua, cũng cam kết với quốc dân rằng chính phủ của ông sẽ giải quyết các vấn đề nội bộ rất nghiêm trọng của Nhật Bản.

Đó là tương lai của chương trình hạt nhân bị đặt câu hỏi thảm họa do sóng thần và động đất gây ra tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima hồi sáu tháng trước.

Ngoài ra là vấn đề kinh tế với nợ công cao, đồng yên lên giá khiến các công ty Nhật Bản bỏ ra nước ngoài đầu tư.

Theo Hà Khoa (Dân trí / Kyodo, BBC)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm