Tàu sân bay Trung Quốc lộ diện

Ngày 16-12, Thời Báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) đưa tin tàu sân bay Liêu Ninh đã sẵn sàng đi vào hoạt động toàn diện sau ba năm thử nghiệm, huấn luyện và thẩm định.

Hôm trước đó, lần đầu tiên tàu sân bay Liêu Ninh tham gia tập trận bắn đạn thật trên biển Bột Hải. Cuộc tập trận được phát trên đài truyền hình trung ương Trung Quốc tối 15-12.

Tàu sân bay Liêu Ninh giữ vị trí trung tâm trong nhóm tàu hộ tống gồm tàu khu trục, tàu hộ vệ, tàu ngầm và tàu tiếp vận.

Các hạng mục tập trận gồm trinh sát và hệ thống cảnh báo sớm, đánh chặn trên không, tấn công trên biển, phòng không và chống tên lửa.

Tàu sân bay Liêu Ninh đã khai hỏa tên lửa hạm đối không trong khi các máy bay J-15 bắn tên lửa không đối không và không đối hạm.

Trang tin news.com.au (Úc) ghi nhận tàu sân bay Liêu Ninh là bước phát triển mới của hải quân Trung Quốc, dù vậy năng lực vẫn còn thua các tàu sân bay hạt nhân của Mỹ.

Máy bay cất cánh từ tàu sân bay Liêu Ninh. Ảnh: CHINA DAILY

Trung Quốc đã mua lại tàu sân bay cũ của Ukraine năm 1998 và cải tạo lại thành tàu sân bay đầu tiên. Tàu sân bay Liêu Ninh dài 304 m, có độ choán nước 60.000 tấn, chở 30 máy bay, trong khi tàu sân bay Mỹ dài 333 m, có độ choán nước 90.000-100.000 tấn, chở được khoảng 100 máy bay.

Cuộc tập trận của tàu sân bay Liêu Ninh diễn ra chỉ một ngày sau khi tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á công bố hình ảnh vệ tinh mới cho thấy Trung Quốc bố trí pháo phòng không và hệ thống vũ khí đánh gần trên bảy đảo nhân tạo ở biển Đông.

Ngày 15-12, Bộ Quốc phòng Trung Quốc khăng khăng cho rằng Trung Quốc có quyền “xây dựng các cơ sở quân sự cần thiết” trên các đảo nhân tạo ở biển Đông.

Sau đó, Bộ Quốc phòng Mỹ đưa ra phản ứng: “Chúng tôi đang rất chú ý giám sát diễn biến của hải quân Trung Quốc. Chúng tôi khuyến khích các bên tranh chấp ở biển Đông tránh hành động làm gia tăng căng thẳng”.

Tại Philippines, ngày 16-12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này tuyên bố sự kiện Trung Quốc bố trí vũ khí trên các đảo nhân tạo sẽ dẫn đến nhiều quan ngại “vì có thể làm gia tăng căng thẳng, hủy hoại hòa bình và ổn định”.

Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana cũng đánh giá Trung Quốc đang gây quan ngại đối với cộng đồng quốc tế.

Trong khi đó, đài truyền hình ABS-CBN đưa tin Ngoại trưởng Perfecto Yasay lại nói Philippines sẽ không phát công hàm phản đối Trung Quốc.

Phát biểu với báo chí tại Singapore trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng thống Duterte hôm 16-12, ông phân trần rằng Philippines không thể làm gì để dừng hành động quân sự hóa và xây đảo nhân tạo trên biển Đông của Trung Quốc.

Ông nói: “Dù họ thực hiện các biện pháp cần thiết để mưu cầu lợi ích quốc gia…, chúng tôi sẽ để mặc vì Philippines chúng tôi có cam kết song phương với Trung Quốc”.

Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Mỹ đánh giá tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc thiếu hệ thống phóng máy bay, trung tâm cung cấp điện không hiệu quả, các phi công và đội ngũ bảo trì thiếu kinh nghiệm và đây là các yếu tố khó đáp ứng các chiến dịch tác chiến căng thẳng, ngay cả trong vùng biển gần Trung Quốc.

Do vậy, các nhà chiến lược Trung Quốc dự tính chỉ sử dụng tàu sân bay Liêu Ninh cho các chuyến công tác như cứu trợ nhân đạo, cứu hộ thảm họa, tham gia diễn tập huấn luyện nhằm thể hiện quốc thể và củng cố thêm yêu sách chủ quyền ở biển Đông.

_______________________________

Hình ảnh vệ tinh đã khẳng định chuyện xảy ra từ lâu: Trung Quốc quân sự hóa biển Đông, các nhà lãnh đạo Trung Quốc tiếp tục nói dối và Bắc Kinh vẫn chưa trả giá hoặc trả giá ít về hành động của mình… Mỹ phải có ngay biện pháp để duy trì cam kết vững chắc của chúng ta về tự do hàng hải và giữ cân bằng quyền lực ổn định trong khu vực.

Thượng nghị sĩ JOHN MCCAIN (Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm