Tây Ban Nha giải tán chính quyền, nghị viện Catalonia

Tây Ban Nha đang trải qua giờ khắc khủng hoảng chính trị sâu sắc nhất sau 4 thập niên dân chủ. Ngày 27-10, vài giờ sau khi Catalonia tuyên bố độc lập, chính phủ trung ương Tây Ban Nha bãi chức Thủ hiến Carles Puigdemont, sa thải toàn bộ bộ máy chính quyền và giải tán nghị viện của Catalonia.

“Tây Ban Nha đang trải qua một ngày buồn. Chúng ta tin cấp thiết lắng nghe tiếng nói của người dân Catalonia, tất cả họ, để họ có thể quyết định tương lai của mình, không ai có thể nhân danh họ mà hành động ngoài luật pháp” - Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy phát biểu trên truyền hình.

Nội các Tây Ban Nha họp bất thường ngày 27-10. Ảnh: REUTERS

Nội các Tây Ban Nha họp bất thường ngày 27-10. Ảnh: REUTERS

Sở dĩ ông Rajoy nói thế vì chỉ 43% người dân Catalonia đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu độc lập ngày 1-10 mà chính phủ trung ương ở Madrid tuyên bố bất hợp pháp. Phần lớn những người tẩy chay cuộc trưng cầu là những người phản đối độc lập.

Chính phủ trung ương vào cuộc kiểm soát Catalonia

Ngoài cách chức thủ hiến và giải tán nghị viện, Thủ tướng Rajoy còn sa thải cảnh sát trưởng Catalonia, cho biết các bộ ngành trung ương sẽ nắm quyền kiểm soát Catalonia.

Diễn biến trước đó trong ngày 27-10 cực kỳ kịch tính. Sau khi Thủ hiến Puigdemont tuyên bố trao lại quyền quyết định chuyện độc lập cho nghị viện, chiều 27-10, nghị viện Catalonia đã bỏ phiếu đồng ý độc lập. Chỉ vài phút sau đó, Thượng viện Tây Ban Nha cũng bỏ phiếu thống nhất kích hoạt Điều 155 Hiến pháp, tước quyền tự trị của Catalonia.

Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy (giữa) và Phó Thủ tướng nước này Soraya Saenz de Santamaria (phải) theo dõi kết quả bỏ phiếu của Thượng viện ngày 27-10 đồng ý biện pháp khẩn cấp tước quyền tự trị Catalonia. Ảnh: REUTERS

Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy (giữa) và Phó Thủ tướng nước này Soraya Saenz de Santamaria (phải) theo dõi kết quả bỏ phiếu của Thượng viện ngày 27-10 đồng ý biện pháp khẩn cấp tước quyền tự trị Catalonia. Ảnh: REUTERS

Thủ tướng Rajoy cho biết Catalonia sẽ bầu cử mới vào ngày 21-12 tới. Tuy nhiên, chưa rõ cuộc bầu cử mới có giải quyết được cuộc khủng hoảng không, khi nó có thể tăng số nghị viên ủng hộ độc lập trong nghị viện Catalonia. Nghị viện Catalonia trong ngày bỏ phiếu 27-10 phản ánh sự chia rẽ sâu sắc, với thực tế 70 phiếu thuận/10 phiếu chống và có tới 55 nghị viên từ chối bỏ phiếu.

Thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont bỏ phiếu tại nghị viện Catalonia ngày 27-10. Ảnh: REUTERS

Thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont bỏ phiếu tại nghị viện Catalonia ngày 27-10. Ảnh: REUTERS

Chưa rõ lực lượng công chức, cảnh sát Catalonia sẽ phản ứng thế nào khi chính phủ trung ương ra tay kiểm soát, chỉ biết hiện tình trạng chia rẽ cũng rất lớn.

Dân Catalonia không lạc quan sẽ có độc lập

Tình hình khủng hoảng chính trị Tây Ban Nha leo thang lên mức vô cùng nguy hiểm, khi những người ủng hộ Catalonia độc lập hô hào chiến dịch bất phục tùng chính phủ trung ương. Ngay sau khi có thông tin về các cuộc bỏ phiếu của nghị viện Catalonia cũng như Thượng viện Tây Ban Nha, cổ phiếu và trái phiếu Tây Ban Nha bị bán tháo ào ạt, phản ánh sự lo ngại của thị trường trước biến động chính trị.

Thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont phát biểu sau khi nghị viện Catalonia tuyên bố độc lập khỏi Tây Ban Nha ngày 27-10. Ảnh: REUTERS

Thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont phát biểu sau khi nghị viện Catalonia tuyên bố độc lập khỏi Tây Ban Nha ngày 27-10. Ảnh: REUTERS

Trong lúc ông Rajoy phát biểu tại Madrid, tại TP Barcelona, hàng ngàn người ủng hộ độc lập tập trung trước trụ sở nghị viện Catalonia ăn mừng. Catalonia là một trong những vùng giàu có thịnh vượng nhất Tây Ban Nha, vốn đã được trao quyền tự trị cao. Tuy nhiên, sự bất mãn, ý muốn ly khai đã manh mún từ giai đoạn 1939-1975, dưới thời nhà độc tài Francisco Franco Bahamonde.

Dân Catalonia ăn mừng độc lập khỏi Tây Ban Nha ngày 27-10. Ảnh: REUTERS

Dân Catalonia ăn mừng độc lập khỏi Tây Ban Nha ngày 27-10. Ảnh: REUTERS

Nhiều người dân Barcelona dù phấn khởi khi Catalonia tuyên bố độc lập nhưng cũng không khỏi lo lắng về diễn biến tiếp theo.

“Đây là một ngày lịch sử nhưng chúng tôi cũng biết chúng tôi không độc lập. Họ có sức mạnh. Chúng tôi tự hào đã tuyên bố độc lập nhưng cũng biết đây không phải là điều chắc chắn” - Reuters dẫn lời anh Jordi Mercade, một kỹ sư 32 tuổi.

Châu Âu, Mỹ không công nhận Catalonia độc lập

Ngay sau diễn biến này ở Tây Ban Nha, nhiều nước châu Âu như Pháp, Đức và cả Mỹ tuyên bố không công nhận Catalonia độc lập, ủng hộ các nỗ lực của Thủ tướng Rajoy bảo vệ sự thống nhất của Tây Ban Nha.

Các lãnh đạo châu Âu lo sợ cuộc khủng hoảng chính trị ở Tây Ban Nha sẽ lan khắp châu lục, hành động đòi độc lập của Catalonia sẽ kích động thành phần đòi ly khai ở các nước châu Âu. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nói việc Catalonia tuyên bố độc lập chẳng thay đổi được điều gì và Liên minh châu Âu sẽ chỉ làm việc với chính phủ trung ương Tây Ban Nha.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm