Tết Việt của du học sinh ở Mỹ

“Em cũng chuẩn bị chút cho đỡ nhớ,” Hải nói. “Ở Lawrence, Kansas, này ít người Việt nên mọi thứ đều thiếu. Bọn em phải đi xa mới mua được.”

Như hàng nghìn lưu học sinh Việt Nam khác, Hải cũng không có cái may mắn được trường cho nghỉ một ngày nào do Tết không phải là một ngày lễ của nước Mỹ. Cô vẫn phải làm bài tập, bài trợ giảng như thường lệ. “Em cũng lên kế hoạch đón Tết cùng một số bạn bè, làm món ăn Việt và tụ tập ăn uống cùng nhau,” Hải, 29 tuổi, nói, ngắm nhìn chiếc bánh chưng cô vừa mới mua được.

Bánh chưng ở nhiều vùng trên đất Mỹ phải gói bằng lá chuối, chứ không có được cái hương vị thơm và xanh của lá dong. Giò được bọc bằng nilon hoặc giấy bạc. Những lát măng khô đóng trong túi nhỏ để dành nấu miến gà. Lựa chọn không nhiều, nhưng cũng đủ để giúp cho những người xa quê như Hải thấy ấm lòng.

Một chiếc bánh chưng mất đến 10 USD, không hề rẻ đối với cuộc sống sinh viên của những người như Hải. Nhưng 10 USD đó có giá trị riêng của nó, bởi nó mang đến cho họ cái hương vị quê hương, khỏa lấp đi nỗi mong nhớ gia đình và người thân.

“Tết bên này buồn lắm anh ạ,” Hải nhớ lại hai cái Tết trước đây. “Thời tiết lạnh lẽo, mà xung quanh thì chẳng có không khí gì cả. Tết có lẽ là lúc mình dễ thấy cô đơn nhất.”

Cứ đến những ngày gần Tết Hải lại thấy nhớ đến thắt lòng những lúc cùng mẹ đi mua sắm chuẩn bị, nhớ những đêm 30 chờ người xông đất, nhớ phút giây sum họp cùng gia đình ăn bữa cơm tất niên.

Tiệc tât niên của du học sinh Việt Nam ở trường đại học Missouri. Ảnh: Hội SVVN ở Missouri.
Tiệc tât niên của du học sinh Việt Nam ở trường đại học Missouri. Ảnh: Hội SVVN ở Missouri.

Ở những vùng có đông lưu học sinh Việt Nam, cái Tết thường đầy đủ hơn. Tại đại học Missouri, hội sinh Việt tổ chức Tết với nhiều món ăn truyền thống và một màn đón giao thừa với các thành viên của cộng đồng sinh viên Việt ở đây.

“Cũng nhờ vậy mà em thấy đỡ nhớ nhà và nhớ cái Tết Việt mình,” Vũ Hoàng Yến, sinh viên ngành kinh tế nông nghiệp, nói.

Những nơi ít người Việt thì Tết đến lặng lẽ nhưng Lê Thị Trầm Hương, sinh viên đại học Iowa, lên một kế hoạch ăn Tết “hoành tráng”.

“Nhất định phải mua bánh chưng, để em còn giới thiệu với các bạn Mỹ ở đây về Tết Việt Nam chứ,” cô gái Vĩnh Phúc nói.

Những ngày gần Tết đọc các trang báo mạng thấy hình ảnh mua sắm, trang hoàng đường phố, chợ hoa, tâm trạng của các lưu học sinh cũng như những người xa quê khác không khỏi nao nao.

“Tết này con không về.”, Nguyễn Tố Uyên, sinh viên khoa Bảo tồn biển, trường đại học Washington tại Seattle đã viết lên Facebook của cô hai tuần trước Tết, kèm theo đó là biểu tượng của một khuôn mặt buồn.

Các bạn Uyên viết đáp lại với những lời động viên. Công nghệ cùng với sự phát triển của internet giúp những người bận bịu học hành như Uyên thấy được chia sẻ. Uyên bảo, cô đã lên lịch “bắc cầu truyền hình với các cụ” trong dịp Tết. Giống như nhiều bạn khác, Uyên chọn cách voice chat về nhà qua Yahoo hoặc Skype, vừa rẻ lại có thể được nhìn hình người thân của mình.

Mùng 2 Tết, trên những trang web, blog hay facebook đầy ảnh du học sinh cùng ăn tất niên. Những lời chúc mừng đã nhộn nhịp trong cộng đồng các lưu học sinh. Tết này ngoài những lời chúc của họ gửi về gia đình qua sẽ có cả những tiếng thổn thức nhớ quê.

Theo Hồng Vũ ( VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm