Thái Lan: Năm cơ quan tham nhũng nhất

Đây là công trình nghiên cứu của Phó Hiệu trưởng Saowanee Thairungroj (Đại học Phòng Thương mại Thái Lan) dựa trên kết quả thăm dò từ các doanh nghiệp hay tiếp xúc với cơ quan công quyền.

Quản lý đất đai đứng đầu

Trong tốp năm cơ quan đứng đầu danh sách tham nhũng có Cục Quản lý đất đai, chính quyền hành chính các cấp từ cấp xã đến tỉnh, cảnh sát công lộ, các nhà chính trị và các nhân vật có thế lực tại địa phương.

Kết quả thăm dò cho thấy 14% hành vi tham nhũng thuộc nhóm lợi dụng quyền hạn, chức vụ để khai thác thông tin nội bộ nhằm hưởng lợi, đặc biệt trong quy hoạch, mua bán đất đai. 9% thuộc nhóm tham nhũng vi phạm quy định trong đấu thầu.

Theo phản hồi của các doanh nghiệp, tham nhũng tại Thái Lan xuất phát từ nếp nghĩ lâu nay là “cái gì cũng phải có qua có lại” và chính môi trường làm việc trong cơ quan nhà nước đã nuôi dưỡng tham nhũng. Ngoài ra, những sơ hở trong quản lý và hoạt động yếu kém của các cơ quan nhà nước cũng là nguyên nhân dẫn đến tham nhũng.

Ủy ban Phòng chống tham nhũng quốc gia vẫn thường tài trợ cho các công trình nghiên cứu thăm dò như trên nhằm chỉ ra những lỗ hổng trong quản lý nhà nước, qua đó đề ra biện pháp ngăn chặn tham nhũng.

Thời gian gần đây, Thái Lan đã ban hành nhiều sửa đổi và văn bản luật nhằm kiềm chế tham nhũng. Một quy định được dư luận quan tâm là cho phép bất cứ người nào biết có tham nhũng dính tới cán bộ sắp bổ nhiệm cũng có thể đặt vấn đề trước Ủy ban Phòng chống tham nhũng.

Ăn chặn quỹ của công nhân

Ngày 8-6, Ủy ban Bài trừ tham nhũng Indonesia đã triệu tập và thẩm vấn nguyên Bộ trưởng Lao động Cosmas Batubara và nguyên Bộ trưởng Năng lượng Ginandjar Kartasasmita vì nghi ngờ liên quan đến một vụ tham nhũng ở Bộ Lao động từ năm 2003 đến 2008.

Trước đó, Ủy ban Bài trừ tham nhũng đã khởi tố ông Musni Tambusai, nguyên Tổng Giám đốc bộ phận quan hệ lao động thuộc Bộ Lao động, về hành vi tham ô 1,13 triệu USD (20 tỷ đồng VN) từ quỹ phúc lợi chăm sóc công nhân ngành dầu khí.

Quỹ được thành lập năm 1998 và đã giải thể vào năm 2000. Một đội thanh lý do ông Musni đứng đầu đã thu giữ và quản lý quỹ sau khi quỹ chấm dứt hoạt động. Trong quá trình định giá tài sản để thanh lý, đội này đã biển thủ một khoản gọi là phí hoạt động và phí hỗ trợ.

Theo nguyên Bộ trưởng Lao động Cosmas Batubara, nguồn tiền lập quỹ trích từ hơn 8,3% lương công nhân dầu khí. Nguyên Bộ trưởng Năng lượng Ginandjar Kartasasmita khẳng định tiền quỹ phải sung công quỹ sau khi quỹ ngưng hoạt động và ông không biết gì sau khi quỹ ngừng hoạt động.

Trước đây, bản thân ông Ginandjar đã từng bị nghi ngờ dính đến tham nhũng. Năm 2001, Văn phòng Tổng chưởng lý Indonesia tuyên bố ông là nghi can trong hai vụ tham nhũng liên quan đến một dự án khí năm 1988 và một dự án địa nhiệt điện năm 1997. Tuy nhiên, cuối cùng cả hai vụ đều không thể đưa ra xét xử vì thiếu bằng chứng.

Tại Trung Quốc, ngày 8-6, VKS TP Trì Châu (tỉnh An Huy) đã khởi tố Châu Ích Tiên, nguyên phó chủ tịch Ủy ban Hiệp thương chính trị TP Lục An, về hành vi nhận hối lộ và có tài sản lớn không minh bạch.

Trong thời gian giữ chức bí thư công đoàn khu thử nghiệm cải cách phát triển Diệp Tập của Lục An, Châu Ích Tiên nhận hối lộ 876.000 nhân dân tệ (2,19 tỷ đồng VN). Tài sản cá nhân không rõ nguồn gốc hơn 880.000 nhân dân tệ (2,2 tỷ đồng VN). Bị can bị bắt giam hồi tháng 12-2008.

Cùng ngày, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương xác nhận thông tin Phó Bí thư Thành ủy kiêm Chủ tịch UBND TP Thâm Quyến Hứa Tông Hành đang bị điều tra. Ông Hứa Tông Hành bị nghi ngờ lợi dụng chức vụ để giúp đỡ đồng hương trúng thầu công trình xây dựng và nhận tiền hậu tạ. Các công trình này phục vụ cho Thế vận hội Sinh viên thế giới năm 2011 tại Thâm Quyến.

HỒNG ANH (Theo Tân Hoa xã, ifeng.com)

MINH NHỰT - THẠCH ANH (Theo Bangkok Post, ABC, Jakarta Globe, Jakarta Post)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm