Thái Lan: Người chuyển giới đầu tiên tranh cử thủ tướng

Thái Lan sẽ tổ chức bầu cử vào ngày 24-3 tới. Danh sách các đảng và các ứng viên tham gia tranh cử đến giờ này đã hoàn tất.

Nổi lên trong số ứng viên là bà Pauline Ngarmpring, 52 tuổi. Có lý do để bà Pauline nổi bật lên so với các ứng viên khác, đó là bà là người chuyển giới đầu tiên tranh cử vào vị trí thủ tướng.

Bà Pauline mới chỉ thực hiện chuyển giới ba năm trước. Trước đó, rất nhiều người biết tới bà với tên Pinit Ngrampring - cái tên bà được đặt lúc mới sinh ra. Người đàn ông mang tên Pinit có hai con, từng là một nhà báo rồi chuyển qua làm kinh doanh và là nhà ủng hộ lớn với thể thao Thái Lan, được biết đến rất nhiều trong làng bóng đá Thái Lan.

Biểu tượng đặc biệt vì quyền bình đẳng

Bà Pauline tham gia đảng cánh tả Mahachon năm ngoái nhưng nhanh chóng nổi bật trong hàng ngũ đảng và được chọn đại diện đảng tranh cử chức thủ tướng.

Với cuộc bầu cử còn hơn một tháng phía trước, bà Pauline tích cực vận động tranh cử nhiều tại các khu vực sôi động về đêm ở Bangkok, nơi có mặt nhiều phụ nữ chuyển giới làm việc trong các khu massage, các khách sạn rẻ tiền hoặc làm trong ngành công nghiệp tình dục.

Dù được biết đến là đất nước nổi tiếng với công nghệ chuyển giới, đây vẫn là chủ đề tranh luận lớn trong xã hội Thái Lan quanh việc có nên quy định một giới tính thứ ba cho những người chuyển giới hay không. Phụ nữ chuyển giới ở Thái Lan phải chịu nhiều khó khăn về kinh tế và xã hội hơn người khác.

Một trong những chủ trương vận động của đảng Mahachon là hợp pháp hóa mại dâm. Thái Lan có gần 200.000 gái mại dâm và gần 3 triệu người làm trong ngành công nghiệp tình dục. Ngành công nghiệp này thu lại 6,4 tỉ USD mỗi năm, tương đương hơn 1% GDP. Tìm kiếm công bằng cho cộng đồng LGBT (gồm người đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính và chuyển giới) cũng là một mục tiêu tranh cử của đảng Mahachon.

Chia sẻ quan tâm của mình với bà Pauline, bà Wassana Sorsawang (hành nghề massage) cho biết “đó chính là phúc lợi, sức khỏe” khi bà và các đồng nghiệp thường phải làm việc ngoài giờ rất mệt mỏi.

Có thể nói bà Pauline được xem là một biểu tượng đặc biệt của cuộc chiến vì quyền bình đẳng. Trong một cuộc vận động, bà Pauline từng nói: “Chúng tôi không nói chúng tôi tốt hơn đàn ông hay phụ nữ, chúng tôi chỉ muốn nói chúng ta như nhau thôi”. Không chỉ bà Pauline, phần đông những người như bà cũng không xem mình là khác thường. Năm 2015, Thái Lan ban hành một điều luật cấm phân biệt dựa trên khác biệt giới tính hay xu hướng tình dục.

Bà Pauline Ngarmpring tại trụ sở đảng Mahachon ở Bangkok, Thái Lan ngày 14-2. Ảnh: AP

Chúng ta như nhau cả thôi

Lên nắm quyền sau khi chính phủ dân sự của Thủ tướng Yingluck Shinawatra bị đảo chính và lật đổ năm 2014, chính phủ quân sự (còn có tên Hội đồng Quốc gia vì hòa bình và trật tự) hứa tổ chức bầu cử sớm nhưng cuộc bầu cử liên tục bị trì hoãn. Vì thế, cuộc bầu cử tháng tới ở Thái Lan rất được mong đợi.

Đảng Mahachon tranh cử 200/500 ghế ở Hạ viện Thái Lan trong cuộc bầu cử này. Với các chủ trương của mình, đảng Mahachon hy vọng đảng sẽ thuyết phục, thu hút được sự ủng hộ của không chỉ cộng đồng LGBT mà cả dân lao động ở Thái Lan.

Bà Pauline không phải là ứng viên chuyển giới duy nhất tham gia tranh cử trong cuộc bầu cử tới. Ngoài bà Pauline, đảng Mahachon còn có 19 ứng viên khác thuộc cộng đồng LGBT ra tranh cử.

Trong cuộc bầu cử này, bà Pauline sẽ phải cạnh tranh với người đứng đầu chính phủ quân sự - Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha. Và với sự khắt khe của dư luận Thái Lan trong chấp nhận người chuyển giới, bà Pauline biết rõ bà sẽ không được lựa chọn để dẫn dắt đất nước này. Dù không lạc quan về khả năng chiến thắng nhưng bà Pauline cho rằng ý nghĩa quan trọng nằm ở quá trình vận động.

“Ngày nay, mọi người thường nói với tôi: “Ô, bạn là người chuyển giới à? Bạn muốn trở thành thủ tướng của chúng tôi à? Điều này sẽ vui đây, đây sẽ là một chuyện rất lạ”” - bà Pauline kể lại phản ứng của những người nghe về ý định tranh cử của bà.

Tuy nhiên, bà Pauline vẫn có thái độ bình tĩnh với phản ứng này: “Nhưng tôi không nghĩ vậy. Dù bạn có thế nào, bạn cũng có giá trị của mình. Bạn yêu bản thân và chia sẻ tình yêu đó với mọi người”. Theo bà, việc bà là “người đầu tiên dám tuyên bố: Này, chúng tôi có thể làm được” cũng rất quan trọng.

“Tôi có thể không trở thành thủ tướng nhưng chẳng vấn đề gì. Thế giới sẽ chẳng sụp đổ sau cuộc bầu cử tới. Không cần thiết phải là tôi nhưng có thể sẽ là thế hệ sau tôi” - bà Pauline tự tin về tương lai của những người chuyển giới.

Một bước tiến lớn

Cộng đồng LGBT hoan nghênh các nỗ lực vì cộng đồng của bà Pauline. Theo ông Wattana Keiangpa, nhà sáng lập tổ chức Apcam Thailand làm việc vì sức khỏe và quyền lợi của các nhóm người chuyển giới: “Quyết định tham gia chính trị của bà ấy là một tin tuyệt vời với cộng đồng chúng tôi”.

Ông Wattana cho rằng những người chuyển giới như ông sống và làm việc gần như bên lề hệ thống chính sách xã hội, cho nên “viễn cảnh có một người trong chính phủ hay quốc hội là một người phát ngôn cho cộng đồng chúng tôi rõ ràng là một bước tiến lớn”.

“Đến cuối cùng đã có người đối mặt với các thách thức như chúng tôi và hiểu chúng tôi, lên tiếng vì chúng tôi. Bà Pauline là một trong số chúng tôi và làm việc trong cộng đồng chúng tôi, vì thế bà ấy có sự thông hiểu lớn với các thách thức và nhu cầu của chúng tôi. Tôi ngưỡng mộ và ủng hộ bà ấy làm việc này” - ông Wattana nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm