Thảm họa du lịch Ai Cập

GS Fawaz Gerges ở Trường Chính trị và Kinh tế London (Anh) nhận xét: Sự kiện máy bay Airbus A321 của hãng hàng không Nga Kogalymavia rơi hôm 31-10 (224 người chết) trên bán đảo Sinai là đòn trí mạng đối với ngành du lịch Ai Cập vốn đã lao đao trong mấy năm qua do bất ổn chính trị.

Bất ổn chính trị và khủng bố

Đây không phải lần đầu Ai Cập đối phó với khủng hoảng như thế. Giữa năm 2004-2006, làn sóng tấn công nhắm vào TP nghỉ dưỡng Sharm el-Sheikh và nhiều bãi tắm trên bán đảo Sinai. Tháng 9-1997, một vụ tấn công xảy ra ở Luxor làm 58 du khách thiệt mạng.

Lần này khủng hoảng trầm trọng hơn do bối cảnh bất ổn ở Ai Cập sau khi mùa xuân Ả Rập thất bại. Năm 2011, làn sóng biểu tình bùng nổ, Tổng thống Hosni Mubarak từ chức sau hơn 34 năm cầm quyền. Những năm sau đó là những năm hỗn loạn về chính trị.

Ông Mohamed Morsi trở thành tổng thống dân cử đầu tiên và là dân sự đầu tiên cầm quyền ở Ai Cập. Ông và đảng Anh em Hồi giáo đã thâu tóm quyền lực. Biểu tình lại bùng nổ.

Tháng 7-2013, quân đội can thiệp đảo chính lật đổ Tổng thống Mohamed Morsi và đưa tướng Abdel Fattah al-Sisi lên cầm quyền. Ông đã mở chiến dịch trấn áp đảng Anh em Hồi giáo.

Trong khi đó, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo ở Syria và Iraq đã lợi dụng tình hình chính trị Ai Cập rối ren.

Hồi tháng 6, bốn tên khủng bố âm mưu đánh bom tự sát tại quần thể di tích đền Karnak ở Luxor vốn là nơi có đông đảo du khách đến tham quan. May mà cảnh sát đã ngăn chặn kịp thời từ bên ngoài đền.

Hai tháng sau, nhánh Nhà nước Hồi giáo trên bán đảo Sinai thông báo đã cắt cổ một công dân Croatia làm cho công ty Pháp bị bắt cóc gần thủ đô Cairo. Gần đây nhất hồi tháng 9, tám du khách Mexico bị bắn chết giữa sa mạc do máy bay quân đội Ai Cập truy lùng khủng bố bắn nhầm.

Nghi vấn khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) trên bán đảo Sinai làm rơi máy bay Nga. Biếm họa của AREND VAN DAM (Hà Lan).

Gà đã thôi đẻ trứng vàng

Trong bối cảnh đó, chỉ có 9,9 triệu du khách quốc tế đến Ai Cập trong năm 2014, trong khi năm 2010 ngành du lịch Ai Cập đón gần 15 triệu khách, sử dụng ba triệu nhân công, thu được doanh thu tương đương 11,3% GDP và 15% ngoại tệ cho Ai Cập.

Ngày 5-11-2014, Bộ trưởng Du lịch Ai Cập Khaled Ramy đã phải đến Paris (Pháp) để tiến hành chiến dịch quảng bá và tiếp thị cho du lịch Ai Cập. Ngân sách quảng bá và tiếp thị là 22 triệu USD cho 27 nước.

Bộ trưởng Khaled Ramy tâm tình với người dân Pháp: “Đây là chiến dịch từ trái tim… Người Ai Cập yêu mến các bạn”. Ông phân tích trước làn sóng biểu tình mùa xuân Ả Rập ở Ai Cập đã có 0,5 triệu du khách Pháp đến Ai Cập mỗi năm. Đến năm 2014 con số này chỉ còn 145.000 du khách.

Nga là thị trường du lịch hàng đầu của Ai Cập, kế đến là Anh và Đức. Nếu tính du khách ba nước Nga, Anh, Đức gộp lại thì đã chiếm 45% tổng số du khách đến Ai Cập. Trong đó 90% lưu lại trên bờ biển Đỏ. Năm 2014, Nga vẫn còn giữ mức ba triệu du khách đến Ai Cập.

Đến giờ này bán đảo Sinai bên bờ biển Đỏ là địa chỉ cuối cùng ở Ai Cập còn thu hút đông đảo du khách. Thế nhưng vụ máy bay Airbus A321 của Nga rơi đã giáng một cú nặng nề cho du lịch và kinh tế Ai Cập.

Chỉ tiêu Bộ trưởng Du lịch Ai Cập Khaled Ramy đề ra là phấn đấu đạt 20 triệu du khách và 20 tỉ USD thu nhập vào năm 2020 có nguy cơ tan tành mây khói.

Vì sao Ai Cập bác giả thiết khủng bố?

Sau khi tai nạn máy bay Nga xảy ra, nhánh Nhà nước Hồi giáo trên bán đảo Sinai đã hai lần lên tiếng nhận trách nhiệm. Báo chí quốc tế ghi nhận cuộc chiến thông tin đã bùng nổ. Một bên là Anh và Mỹ khẳng định giả thiết tấn công khủng bố là đáng tin cậy. Còn một bên gồm Nga và Ai Cập khăng khăng bác bỏ giả thiết này.

Trong khi các bên nói qua nói lại, nhiều nước đã ngưng các chuyến bay đến TP nghỉ dưỡng Sharm el-Sheikh nổi tiếng ở Ai Cập.

Hồi tháng 3, một bộ trưởng Ai Cập đã từng nói với hãng tin Reuters về các biện pháp an ninh đã áp dụng: “Anh thấy đó, ở Sharm el-Sheikh tôi nghĩ rằng ngay cả một con chuột đến từ sa mạc cũng không làm gì được”.

Bởi thế như chuyên gia Alain Rodier, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tình báo Pháp, nhận định nếu máy bay Nga rơi do tấn công khủng bố đồng nghĩa Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi đã chống khủng bố thất bại.

Hồi tháng 8, ông đã từng phê chuẩn đạo luật chống khủng bố với nhiều quy định rất khắc nghiệt như thành lập tòa án đặc biệt, bảo vệ pháp lý cho các cảnh sát chống khủng bố, phạt thật nặng nhà báo đưa tin trái ngược thông báo chính thức về các vụ tấn công.

Người công bố hoặc phát tán thông tin sai lệch về các vụ tấn công hoặc các chiến dịch chống khủng bố sẽ bị phạt từ 200.000 đến 500.000 bảng Ai Cập (23.000-58.000 euro). Biện pháp này được áp dụng kể cả với báo chí nước ngoài và mạng xã hội.

Người Nga không mong đợi điều gì?

Theo chuyên gia Alain Rodier, nếu khẳng định máy bay Nga rơi do bom nổ, Nga có thể gặp khó khăn vì vừa mới mở chiến dịch không kích Nhà nước Hồi giáo ở Syria hồi cuối tháng 9.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Duma quốc gia Nga Konstantin Kossatchev đã phát biểu với báo Komsomolskaïa Pravda (Nga): “Đây là thái độ phản kháng địa-chính trị đối với hoạt động Nga ở Syria. Có nhiều người trên thế giới thích diễn giải thảm họa (máy bay rơi) như hành vi trả đũa của bọn khủng bố đối với Nga mà không đưa ra bằng chứng nào hết”.

Hãng tin Interfax (Nga) ghi nhận sau tai nạn máy bay Nga ở Ai Cập, các công ty du lịch lữ hành Nga cho biết đã giảm doanh thu 30%-50%.

Phó Chủ tịch Liên minh Các công ty du lịch lữ hành Nga Yuri Barzykin nhận xét đầu tiên số người hủy tour không nhiều nhưng nếu quả đúng máy bay rơi do tấn công khủng bố thì hậu quả sẽ thê thảm hơn nhiều.

Về biện pháp khắc phục, ông cho rằng nếu Ai Cập thông báo rộng rãi các biện pháp củng cố an ninh thì số du khách sẽ không giảm nghiêm trọng. Lý do vì Ai Cập là địa chỉ ưa thích của người Nga bởi khí hậu mùa đông rất tuyệt, chất lượng dịch vụ và giá cả cũng tốt.

Chuyên gia Gérard Vespierre ở Quỹ nghiên cứu Trung Đông (Pháp) nhận thấy vụ máy bay Nga Airbus A321 rơi trên bán đảo Sinai giống lạ lùng với chuyến bay Pan Am rơi ở Scotland cách đây 27 năm.

Vài ngày trước lễ Giáng sinh năm 1988, một máy bay Boeing 747-121 của hãng hàng không Pan Am chở 259 người cất cánh từ sân bay Heathrow (Anh) bay đi Mỹ. 33 phút sau khi cất cánh, máy bay lên bình độ 9.100 m, đột nhiên mọi liên lạc đều bị ngắt. Hai phút rưỡi sau, máy bay rơi xuống Lockerbie (Scotland). Các mảnh vỡ rơi trên phạm vi hàng trăm kilomet vuông.

Tám ngày sau, cơ quan điều tra Anh công bố tìm thấy dấu vết chất nổ trên một số mảnh vỡ. Máy bay đã bị tấn công khủng bố với một quả bom để trong valy hành lý. Valy được đưa lên máy bay từ Frankfurt (Đức) mà không có người đi theo. Một người Libya đã mua valy này ở Malta. Một phần ngòi nổ được tìm thấy là của nhà sản xuất Thụy Sĩ và nhà sản xuất này đã giao 20 ngòi nổ cho Libya. Cuối cùng hai công dân Libya bị buộc tội.

Trong tai nạn máy bay Nga Airbus A321, máy bay mất liên lạc đột ngột 24 phút sau khi cất cánh ở bình độ hơn 9.100 m. Vài phút sau máy bay rơi trên bán đảo Sinai. Các mảnh vỡ rơi trên phạm vi rộng 40 km2. Tạp chí Slate nhận định nếu nhánh Nhà nước Hồi giáo trên bán đảo Sinai là thủ phạm thì đây là dấu hiệu cho thấy tổ chức này từ nguy cơ khu vực đã trở thành nguy cơ đe dọa thế giới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm