Thảm họa môi sinh của Hungary trên góc độ xử lý tình huống

Một thảm họa chưa từng xảy ra trên thế giới”, “không làm sao dự đoán được điều gì đã xảy ra”..., những khẳng định như thế, và tương tự, từ giới chức cao cấp Hungary về “tấn thảm kịch sinh thái”, cho thấy sự bối rối và trong một chừng mực nào đó, phản ứng mang tính tự vệ của giới lãnh đạo của Hungary trong vụ tràn bùn đỏ xảy từ đầu tuần.

Các nhà bình luận chính trị nhận định, cho đến nay, Ban lãnh đạo thượng đỉnh Hungary đã tỏ ra xuất sắc qua “kỳ thi” đang diễn ra. Bằng thái độ cương quyết đứng về phía cư dân ngay từ ban đầu, với sự hiện diện rất nhanh chóng tại hiện trường để xử lý vụ việc, nội các của thủ tướng Orbán Viktor đã chinh phục được thiện cảm của nhiều cử tri trước đó không ưa họ.

Cạnh đó, các tuyên bố nói trên cũng cho thấy, họ luôn chuẩn bị và ứng phó cho khả năng có thể sai lầm trong quyết định, vì không ai có thể trách được nếu con người phạm sai sót trong một biến cố vô tiền lệ.

Trong bối cảnh đó, liên quan đến tai nạn tràn bùn, trên chính trường và trong xã hội Hungary đã nảy sinh những quan điểm trái ngược gây tranh luận căng thẳng, nhiều khi phản ánh những xung đột lợi ích rất đáng chú ý khi phân tình hiện trường sự kiện.

Không biết, không phải lỗi của tôi

Đó là quan điểm nhất quán ngay từ đầu tới nay của Tập đoàn Nhôm Hungary (MAL Zrt.), cơ quan chủ quản của nhà máy chế biến Alumin ở TP Ajka, nơi xảy ra vụ tràn bùn.

Theo MAL Zrt., họ đã tuân thủ hoàn toàn và đầy đủ từ A đến Z những yêu cầu kỹ thuật cần thiết, những chỉ số về hóa học và vật lý cho đến giây phút cuối đều bình thường. Lượng bùn đỏ trong bể chứa ít hơn nhiều so với mức cho phép. Ngoài ra, trong một thập niên rưỡi nay, tập đoàn đã chi nhiều tỉ Ft để củng cố, nâng cấp các bể chứa bùn, cũng như hoàn thiện kỹ thuật xử lý loại chất thải này.

Thảm họa môi sinh của Hungary trên góc độ xử lý tình huống ảnh 1

Thủ tướng Viktor Orbán (người bắt tay binh sĩ) đến hiện trường xảy ra thảm họa bùn đỏ. Ảnh: Trang web index.hu (Hungary)

Một thực tế dường như đứng về phía MAL Zrt. là người chịu trách nhiệm kiểm tra thường xuyên các bể chứa bùn của tập đoàn lại chính là thư ký cá nhân của Quốc vụ khanh phụ trách Bảo vệ môi trường của Chính phủ, ông Illés Zoltán, người đã ra chỉ thị ngừng hoạt động nhà máy bauxite của MAQL Zrt., đồng thời, cũng là một trong những quan chức có các phát biểu lên án MAL Zrt. nghiêm khắc nhất.

Trước tai nạn chừng 2 tuần, một cuộc kiểm tra của giới chức kể trên tại các bể chứa cũng cho thấy không hề có vấn đề gì đáng lo ngại.

Không chỉ không nhận lỗi trực tiếp về phần mình, MAL Zrt. còn ra thông cáo khẳng định bùn đỏ không nguy hiểm, và mọi lo ngại quá mức về thảm họa bùn đỏ đều là vô căn cứ. Trong một phát biểu sau đó vài ngày, lãnh đạo Tập đoàn thừa nhận tuyên bố nói trên của MAL Zrt. quá thiên về góc cạnh kỹ thuật của vấn đề và do đó, dễ bị coi là vô cảm - nhưng trong thực tế, họ vẫn giữ góc nhìn đó.

Đáng chú ý là Viện Hàn lâm Khoa học Hungary cũng có quan điểm đồng nhất mang tính chia sẻ cho MAL Zrt. trong chủ đề này: các thông tin kiểu “Bạn cần biết về bùn đỏ” trong website của Viện đã tái khẳng định những gì Tập đoàn đã nói.

Thủ phạm rành rành

Ngược lại, chính giới Hungary và các tổ chức bảo vệ môi trường thì ngay từ phút đầu, đã coi rằng chủ sở hữu nhà máy bauxite ở Ajka là bên phải chịu trách nhiệm trong sự cố. Cho dù cuộc điều tra hình sự được Cục Điều tra Quốc gia Hungary tiến hành chưa hề có kết quả, các giám định khoa học chưa nói lên được điều gì, thì với những phát biểu hàng ngày, nội các Hungary gần như đã “vạch mặt chỉ tên” thủ phạm.

Hay được nhắc đến và trở nên “khét tiếng” là tuyên bố đầy cảm tính của Bộ trưởng Nội vụ Pintér Sándor: nếu Ban lãnh đạo MAL Zrt. nói bùn đỏ không phải chất độc hại, mời họ... tắm trong biển bùn ấy, xem có làm sao không. Trong cuộc họp báo đầu sau khi tai họa xảy ra, thủ tướng Orbán Viktor cũng tuyên bố thẳng thừng: “Chúng ta không thấy dấu hiệu gì cho thấy thảm họa này có những lý do thiên tai. Chúng ta nghi ngờ rằng đây là lỗi của con người. Cả nước muốn biết ai phải chịu trách nhiệm về tấn thảm kịch này”.

 Điều này được ông lặp lại, ở một mức độ cao hơn, trong họp báo sáng thứ Bảy tại hiện trường tai nạn (TP Ajka): vấn đề quy trách nhiệm cá nhân “sẽ được xử lý khác, không theo cách thông thường - một kỷ nguyên khác đã bắt đầu”. Trả lời báo chí về việc MAL Zrt. cho rằng khoản thiệt hại ước chừng do Chính phủ Hungary đưa ra (50 triệu USD) là “quá trớn”, Thủ tướng Orbán cũng có lời đáp khá “bốp chát”: “Đừng sợ tiếc tiền, hãy thương lấy các nạn nhân”.

Cùng một quan điểm với chính phủ, các nhóm bảo vệ môi trường như Greenpeace (tổ chức Hòa bình Xanh, phân bộ Hungary), nhóm Hành động vì Không khí sạch Hungary... thì thường xuyên nhấn mạnh những tác hại của bùn đỏ mà họ coi là “vô cùng độc hại”, và cho rằng MAL Zrt. muốn lấp liếm trách nhiệm khi đưa ra những thông tin mà họ coi là “trâng tráo” về loại chất thải công nghiệp này.

Cũng với tinh thần đó, nhiều thông tin “giật gân” được đưa ra như thể thảm họa bùn đỏ đã được nhiều tổ chức bảo vệ môi trường cảnh báo từ trước. Tuy nhiên, căn cứ các văn bản đang có, chưa có gì chứng tỏ sự cố này từng được “tiên đoán” một cách cụ thể và chi tiết, theo hình thức và hoàn cảnh mà nó đã xảy ra.

Một câu hỏi được đặt ra: ngoài những thiện ý rõ rệt về bảo vệ môi sinh và con người, trong một chừng mực nào đó, phải chăng, ở đây cũng có một nỗ lực “đánh bóng tên tuổi”, nhằm phục vụ những lợi ích trái ngược?

Xử lý khủng hoảng

Dầu sao đi nữa, trong những ngày tới, nội các Hungary sẽ bị đặt trước một lựa chọn không đơn giản: bên cạnh việc khắc phục hậu quả (mà họ đã và sẽ nhận được sự hỗ trợ nhiều mặt của EU), họ phải quyết định về số phận của nhà máy bauxite ở TP Ajka, hiện tại, là cơ sở chế biến bauxite và Alumin duy nhất của Hungary, và có vai trò đáng kể trong nền công nghiệp Hungary.

Thông điệp của Ban lãnh đạo MAL Zrt. trong vấn đề này khá rõ ràng: cho dù ở vào thế bí và phải đối mặt với khả năng cả tài sản cá nhân của các chủ sở hữu cũng bị sử dụng vào mục đích bồi hoàn thiệt hại (các thành viên chủ đạo của tập đoàn đều thuộc hàng những doanh nhân giàu có hạng của Hungary), nhưng về thực chất, MAL Zrt. chỉ có thể chi trả nếu được tiếp tục hoạt động, với những cam kết phù hợp về bảo vệ môi sinh.

Chủ tịch HDQT, đồng thời là cổ đông lớn nhất của MAL Zrt., ông Tolnay Lajos, trong thư thỉnh cầu gửi Bộ trưởng Nội vụ, nhấn mạnh rằng họ chỉ có thể bồi thường nếu không bị phá sản. Mỗi tuần ngưng hoạt động khiến doanh thu của MAL Zrt. mất hơn 2,5 triệu Ft, trong thời gian ngắn, hãng có thể mất các đơn đặt hàng và đối tác. Nhà nước mất đi một nguồn thu thuế đáng kể và tình trạng công ăn việc làm của 1.100 nhân công làm việc tại nhà máy chế biến bauxite - Alumin ở TP Ajka cũng bị đe dọa.

Luận cứ của MAL Zrt. được sự đồng tình của lãnh đạo địa phương, TP Ajka. Thị trưởng Ajka, ông Schwartz Béla, đã gửi thư lên Thủ tướng đề nghị cho nhà máy bauxite tiếp tục hoạt động vì đó là nguồn thu chủ yếu của thành phố, hơn nữa, nhiều ngàn nhân lực (trong số 14 ngàn cư dân của Ajka) có liên quan trực tiếp và gián tiếp tới doanh nghiệp này.

Hàng năm trả khoảng 1,5 triệu Ft thuế cho địa phương (chiếm 25% doanh thu thuế của Ajka), cơ sở công nghiệp của MAL Zrt. được ông Schwartz đánh giá là một “điển hình tốt”, vì trong hoàn cảnh khó khăn của khủng hoảng tài chính và của nền công nghiệp Hungary, họ vẫn nỗ lực và không sa thải nhân công.

Đề xuất của vị thị trưởng cũng được sự chia sẻ của Nghiệp đoàn các Công nhân Công nghiệp hóa học Hungary (VDSZ): Chủ tịch Nghiệp đoàn, ông Székely Tamás, yêu cầu nhà máy bauxite được trở lại hoạt động càng nhanh càng tốt, dưới sự chỉ đạo của đặc phát viên chính phủ. Lý giải quan điểm của mình, ông Székely viện dẫn tuyên bố của Thủ tướng Orbán Viktor, theo đó “việc gìn giữ công ăn việc làm cho công nhân ít nhất cũng quan trọng như thanh toán các hậu quả của thảm họa và giải quyết trong thời gian nhanh nhất tình trạng của những người bị thiệt hại”.

Không phủ nhận những hiểm họa môi trường, nhưng giới lao động và chính quyền địa phương đã đặt ra vấn đề: giải quyết thảm họa môi sinh bằng cách ngừng hoạt động nhà máy chế biến bauxite cũng đồng nghĩa với việc gây ra “thảm họa con người” trong khu vực, đẩy hàng chục ngàn người vào cảnh thất nghiệp, khốn đốn.

Như thế, có thể thấy, thảm họa tràn bùn không chỉ đặt ra nhiều vấn nạn về môi trường, về trách nhiệm cá nhân mà việc xử lý các tình huống “chưa bao giờ phát sinh” cũng sẽ là một kinh nghiệm quý báu đối với chính giới Hungary, và ít nhiều có thể là những tiền lệ để những quốc gia mắc phải những vấn đề tương tự có thể tham khảo...

HOÀNG NGUYỄN (từ Hungary) 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm