Tham vọng quân sự Trung Quốc

Hoạt động chạy đua vũ trang đang diễn ra với tốc độ nhanh ở biển Đông. Dè chừng trước một tổng thống Mỹ khó đoán định như ông Donald Trump, Trung Quốc (TQ) đã tăng cường các phương tiện quân sự.

Máy bay tàng hình và tàu sân bay

Ngày 10-3, kênh truyền hình CCTV7 của TQ đã phát đoạn băng video cho thấy không quân TQ đã đưa vào sử dụng thế hệ máy bay tàng hình đầu tiên J-20 sau quá trình thử nghiệm trên vùng núi cao Tây Tạng (cao hơn 4.000 m). TQ khoe khoang máy bay J-20 tích hợp nhiều công nghệ trọng điểm về máy bay tàng hình và nhiều bí mật quân sự khác.

J-20 được xem là thành tựu quan trọng của TQ trong quá trình hiện đại hóa quân đội. CCTV7 không nêu rõ có bao nhiêu máy bay J-20 được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu quân sự Antony Wong Dong ở Macau cho biết chỉ một số ít vì động cơ máy bay J-20 có vấn đề và TQ chưa sẵn sàng sản xuất hàng loạt.

Trước đó, trả lời Tân Hoa xã bên lề kỳ họp thứ năm Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc khóa XII tại Bắc Kinh tối 9-3, Phó Tổng tham mưu trưởng hải quân Vương Duy Minh tuyên bố công tác xây dựng tàu sân bay thứ hai đang diễn tiến tốt đẹp.

Ông khẳng định công tác phát triển hải quân đang được tăng cường, các hạm đội tàu khu trục và tàu hộ vệ ngày càng lớn mạnh hơn và hải quân sẽ gia tăng tuần tra trên không và trên biển. Ông huênh hoang: “Chúng tôi sẽ ngăn chặn mọi máy bay xâm nhập và sẽ bám sát các tàu quân sự trong khu vực thuộc trách nhiệm của chúng tôi”.

Ảnh máy bay J-20 được công bố năm 2011 ở Thành Đô. Ảnh: AP

Ngân sách quốc phòng tăng 7%

Báo cáo thường niên của Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (IISS) được công bố ở London giữa tháng 2 nhận định TQ tiếp tục chạy đua vũ trang nhanh hơn các nước khác. Báo cáo ghi nhận TQ đã phát triển một số lĩnh vực, đặc biệt là không quân, gần như ngang ngửa với phương Tây, đồng thời đầu tư hàng loạt cho tàu chiến và tàu ngầm.

Ngày 4-3, người phát ngôn Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc Phó Oánh thông báo ngân sách quốc phòng năm 2017 sẽ tăng khoảng 7% so với năm trước. Bà nhấn mạnh: “Chúng ta phải đủ năng lực bảo vệ chủ quyền… và sẵn sàng chống lại hành động can thiệp từ bên ngoài”.

7% là mức tăng thấp nhất kể từ năm 1991. Câu hỏi đặt ra là phải chăng TQ đang giảm chạy đua vũ trang? Về vấn đề này, chuyên gia Valérie Niquet ở Quỹ Nghiên cứu chiến lược (Pháp) nêu ra các điểm đáng chú ý:

TQ đã có chuyển biến về chiến lược thông tin. Khi bà Phó Oánh nhấn mạnh ngân sách quốc phòng chiếm chưa tới 1,3% GDP, TQ muốn chứng tỏ TQ là tác nhân biết kiềm chế trong lúc Tổng thống Donald Trump tuyên bố tăng chi tiêu quốc phòng Mỹ hơn 10% và tăng cường sự hiện diện ở biển Đông.

TQ có ý đồ trấn an các nước trong khu vực trong bối cảnh toàn bộ khu vực đều đang e ngại trước ý đồ bá quyền của TQ. Chủ tịch Tập Cận Bình đã từng tuyên bố TQ phải xây dựng quân đội hiện đại, chiếm lĩnh công nghệ cao và sẵn sàng chiến đấu để hoàn thành “giấc mộng phục hưng TQ”.

Nói một đằng, có thể làm đằng khác

Tạp chí The National Interest ghi nhận tương tự bà Phó Oánh, trong báo cáo công bố hôm khai mạc Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc ngày 5-3, Bộ Tài chính TQ đã không công bố số liệu chi tiêu quốc phòng.

Báo South China Morning Post viết: “Lần đầu tiên từ nhiều thập niên, Bắc Kinh không tiết lộ ngân sách quốc phòng mặc dù đã tuyên bố cam kết minh bạch trong chi tiêu quốc phòng”. Cuối cùng, ngày 6-3, Bộ Tài chính mới nêu rõ chi tiêu quốc phòng năm 2017 ước tính 1.040 tỉ nhân dân tệ (152 tỉ USD).

Chuyên gia Valérie Niquet nhận xét trên thực tế, do tình trạng thiếu minh bạch nên không có gì chứng minh TQ sẽ giảm đà phát triển quốc phòng và TQ vẫn có thể “nói một đằng, làm một nẻo”.

Dù chỉ tăng 7% trong năm 2017 nhưng ngân sách quốc phòng TQ vẫn đứng thứ hai sau Mỹ, gần hai lần hơn Nga và cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực, kể cả Nhật.

Chuyên gia Richard Fisher ở Trung tâm Chiến lược và Thẩm định quốc tế (Mỹ) nhận xét ngân sách của Bộ Giao thông, Bộ Giáo dục, Bộ Thông tin TQ cũng có thể được dùng để gia tăng năng lực cho quân đội TQ và các khoản chi này không được gộp vào chi tiêu quốc phòng hằng năm.

Ông cho rằng nếu tính đúng, tính đủ, ngân sách quốc phòng TQ có thể tăng đến 10% bởi hiện nay quân đội TQ được phép khai thác các nguồn tài nguyên dân sự.

Ngày 10-3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Cảnh Sảng đánh giá tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana dựa trên phỏng đoán vô căn cứ. Trước đó, Bộ trưởng Lorenzana tuyên bố ảnh vệ tinh cho thấy một tàu khảo sát TQ đã xuất hiện ở vùng biển Benham Rise (cách đảo Luzon 150 hải lý) từ ba đến sáu tháng hồi năm ngoái và ông đã chỉ thị cho hải quân truy đuổi nếu tàu quay trở lại. Ông cho biết Philippines đã gửi 12 công hàm phản đối từ tháng 8-2016 nhưng TQ bác bỏ.

Người phát ngôn Cảnh Sảng cho rằng năm 2012, Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của LHQ đã nhất trí giới hạn thềm lục địa 200 hải lý của vùng biển Benham Rise thuộc Philippines, do đó Philippines có thể khai thác tài nguyên thiên nhiên ở đây nhưng không thể xem đó là lãnh thổ.

Ông nói một số tàu nghiên cứu TQ đã đi qua vùng biển đông bắc đảo Luzon năm ngoái và hoạt động của các tàu này phù hợp với tự do hàng hải và quyền đi qua vô hại. Ông cũng bác bỏ khẳng định của Bộ trưởng Lorenzana rằng TQ hủy bỏ kế hoạch bồi đắp bãi cạn Scarborough là do sức ép của Mỹ.

Bộ trưởng Lorenzana cho rằng có thể TQ dự tính thăm dò độ sâu để khai thác tài nguyên Benham Rise hoặc tìm nơi bố trí tàu ngầm. Tháng 12 năm ngoái, TQ đã từng điều máy bay ném bom tầm xa và hạm đội tàu sân bay đến khu vực tây Thái Bình Dương.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm