Tham vọng quân sự Trung Quốc năm 2016

Trong năm 2016, quân đội Trung Quốc đã tích cực xúc tiến chương trình phát triển các năng lực mới trong chiến lược chiến tranh quy ước và phi đối xứng (đối phó với đối phương vượt trội), đồng thời tiếp tục thách thức Mỹ về kiểm soát các tuyến đường biển then chốt ở châu Á. Tạp chí The National Interest ngày 29-12-2016 (giờ địa phương) đã ghi nhận như trên.

Triển khai tàu sân bay Liêu Ninh

Các chuyên gia phân tích tình báo của Lầu Năm Góc phụ trách giám sát quá trình phát triển vũ khí của Trung Quốc đánh giá năm 2016 là năm quân đội Trung Quốc bắt đầu triển khai nhiều loại vũ khí.

Gần cuối năm 2016, Trung Quốc đã khoe khoang sức mạnh quân sự bằng hành động đưa tàu sân bay Liêu Ninh và bảy tàu chiến hộ tống đến vùng biển tây Thái Bình Dương.

Nhiều nhà phân tích phương Tây cho rằng phải mất nhiều năm Trung Quốc mới có thể triển khai tàu sân bay. Ngược lại, báo chí Trung Quốc huênh hoang khẳng định tàu sân bay Liêu Ninh đã sẵn sàng tham gia chiến đấu.

Chuyên gia Trương Quân Xã ở Học viện Hải quân Trung Quốc nhận xét: “So với nhiều nước khác thì Trung Quốc đã đạt được tiến bộ ngoài mong đợi. Tàu sân bay của các nước khác thường phải mất 5-6 năm hay đến 10 năm mới đủ sức chiến đấu”.

Trước khi đưa tàu sân bay Liêu Ninh đến vùng biển xa, trong tháng 12-2016, Trung Quốc đã tiến hành nhiều cuộc tập trận hải quân theo học thuyết mới gọi là học thuyết “triển khai lực lượng can thiệp nhanh”.

Học thuyết này sẽ bổ sung cho giai đoạn quá độ từ đấu tranh chống xung đột cục bộ chuyển sang tiến hành chiến dịch toàn diện trên quy mô lớn mà Trung Quốc gọi là lực lượng công nghệ cao tin học hóa.

Trung Quốc bố trí các ụ pháo trên đá Gạc Ma. Ảnh vệ tinh chụp ngày 29-11-2016 của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ).

Phát triển tên lửa chống vệ tinh và liên lục địa

Đầu tháng 12-2016, Trung Quốc đã bắn thử loại tên lửa mới Động Năng-3. Lầu Năm Góc tin rằng loại tên lửa được dùng để tiêu diệt các vệ tinh Mỹ bay trên quỹ đạo Trái đất ở giai đoạn đầu của cuộc xung đột nhằm hạn chế khả năng điều động lực lượng, xác định mục tiêu và thu thập thông tin tình báo.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã lên tiếng khẳng định các tuyên bố cho rằng Trung Quốc thử nghiệm tên lửa chống vệ tinh đều là vô căn cứ. Trong khi đó, Lầu Năm Góc khẳng định tên lửa Động Năng-3 đã được bắn thử nghiệm.

Trước đó, cuối năm 2015 Trung Quốc đã thử nghiệm quá trình bay của tên lửa đạn đạo liên lục địa mới Đông Phong-41. Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố đây là một vụ thử nghiệm khoa học bình thường. Ngày 19-4-2016, lần thứ hai Trung Quốc thử nghiệm quá trình bay của tên lửa Đông Phong-41. Hai đầu đạn giả được quan sát thấy đang bay ở miền Tây Trung Quốc.

Thật ra vụ thử này không bình thường vì tên lửa hạt nhân chiến lược trang bị nhiều đầu đạn sẽ làm gia tăng khả năng gây chết người về số lượng.

Lâu nay hầu hết các vũ khí hạt nhân Trung Quốc đều được thiết kế với một đầu đạn lớn duy nhất. Tháng 2-2016, cơ quan tình báo Mỹ đã phát hiện báo cáo mật nói về trang bị thêm đầu đạn cho tên lửa Đông Phong-5 (thế hệ cũ) vốn dĩ chỉ có một đầu đạn.

Trước viễn ảnh Trung Quốc đang phát triển tên lửa Đông Phong-41 và tăng đầu đạn tên lửa Đông Phong-5, các nhà hoạch định chiến lược quân sự Mỹ đang tính toán lại kích thước và thành phần đầu đạn để kho vũ khí hạt nhân của Mỹ đủ sức đối phó.

Trong tháng 4-2016, Trung Quốc cũng đã thử nghiệm tên lửa siêu thanh mới DF-ZF nhằm mục đích phòng thủ tên lửa.

Quân sự hóa các đảo nhân tạo ở biển Đông

Mỹ và Trung Quốc đã bắt đầu đấu khẩu về biển Đông từ đầu năm 2016. Tháng 2-2016, Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, đã lên án Trung Quốc muốn bá quyền ở Đông Nam Á.

Ông thông báo Trung Quốc đã hoàn thành bồi đắp xây các đảo nhân tạo và sẽ quân sự hóa các đảo trong khi Chủ tịch Tập Cận Bình đã cam kết không để việc đó xảy ra.

Trên biển Hoa Đông, Đô đốc Harry Harris đã cảnh báo Trung Quốc đưa tàu chiến và máy bay đến gần quần đảo Senkaku của Nhật. Ông khẳng định Mỹ sẽ bảo vệ quần đảo Senkaku trong khuôn khổ hiệp ước quốc phòng Mỹ-Nhật.

Tháng 2-2016, Lầu Năm Góc phát hiện Trung Quốc đã triển khai tên lửa đất đối không HQ-9 trên đảo Phú Lâm (quần đảo Hoàng Sa). Ngoài ra, Trung Quốc đã bố trí radar trên đá Châu Viên, xây đường băng dài hơn 3.000 m trên đá Su Bi, đá Chữ Thập và nhiều đá khác.

Theo hình ảnh vệ tinh mới công bố hồi tháng 12-2016, các ụ pháo lục giác trên một số đảo nhân tạo thuộc quần đảo Trường Sa là pháo bờ biển nòng lớn và tên lửa chống tàu tầm ngắn. Các ụ pháo này có thể đe dọa tàu hải quân Mỹ thực thi chiến dịch tự do hàng hải.

Các ụ pháo và radar kiểm soát nêu trên là cách tiếp cận “bật máy và hoạt động” nhằm điều khiển tên lửa chống tàu như tên lửa C-802 có thể đánh tàu xa 24 hải lý.

Xây dựng lực lượng chiến tranh mạng

Một loại vũ khí khác của Trung Quốc trong chiến lược chiến tranh phi đối xứng là chiến tranh mạng. Hồi tháng 2-2016, quân đội Trung Quốc tiết lộ đã dự kiến nhanh chóng xây dựng năng lực tấn công mạng.

Đại tá Lý Minh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm An ninh mạng thuộc ĐH Quốc phòng Trung Quốc, giải thích: “Ở thế kỷ 21, kiểm soát không gian mạng có tầm quan trọng quyết định cũng như kiểm soát biển ở thế kỷ 19 và kiểm soát bầu trời ở thế kỷ 20”.

Tháng 12-2015, Trung Quốc đã thành lập một đơn vị được gọi là Lực lượng hỗ trợ chiến lược phụ trách chiến tranh không gian, chiến tranh mạng, chiến tranh điện tử.

Suốt năm 2016, Trung Quốc tiếp tục bí mật tấn công mạng đối với quân đội Mỹ, đồng thời sẵn sàng sử dụng báo chí nhà nước để khoe khoang hành động khiêu khích.

Ví dụ tháng 3-2016, Tân Hoa xã đưa tin một thuyền trưởng tàu ngầm Trung Quốc cho biết đã tiến hành một vụ tấn công mô phỏng để tiêu diệt đội tàu hải quân Mỹ trong khi tuần tra trên biển Hoa Đông. Thuyền trưởng này sử dụng chiến thuật áp sát đội tàu Mỹ, ngắm bắn và giả vờ như tấn công.

Cùng thời điểm này, tướng John Hyten, Tư lệnh Bộ chỉ huy không gian (Không quân Mỹ), đã thông báo trước Quốc hội vũ khí chiến tranh không gian của Trung Quốc và Nga đã tạo nguy cơ ngày càng gia tăng đối với quân đội Mỹ và các vệ tinh tình báo.

Ông giải thích các đối phương đang phát triển những công cụ động năng và công cụ mạng để hủy hoại năng lực không gian của Mỹ. Ông đề nghị cần tăng cường cảnh giác hơn bao giờ hết.

Để đối phó, Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ đã thành lập một đơn vị mang tên CyberPAC là lực lượng chiến tranh mạng của bộ chỉ huy. Hiện nay ít có thông tin chi tiết liên quan đến đơn vị này.

Tung điệp viên đánh cắp bí mật quân sự

Trên mặt trận tình báo, trong năm 2016 nhiều điệp viên Trung Quốc đã bị bắt trong khi mua hoặc đánh cắp thông tin quốc phòng bằng cách tấn công mạng và nhiều cách khác.

Trường hợp tiêu biểu là doanh nhân Trung Quốc Tô Bân. Tháng 3-2016, Tô Bân bị tòa án ở Los Angeles buộc tội âm mưu tấn công mạng của các công ty quốc phòng Mỹ và đánh cắp bí mật về các loại máy bay tiêm kích F-22 và F-35 cùng máy bay vận tải quân sự C-17. Tháng 8-2016, tòa án ở Florida đã kết án tù đối với bị cáo nữ Wenxia Man (người Mỹ, gốc Trung Quốc) vì âm mưu đưa về Trung Quốc động cơ máy bay phản lực F-35, F-22, F-16 và một máy bay không người lái Reaper.

Hai tháng sau đó, Lầu Năm Góc cảnh báo nhà sản xuất máy tính Trung Quốc Lenovo đã tìm cách xâm nhập dây chuyền cung cấp của quân đội Mỹ để đưa các máy tính giúp bọn tin tặc Trung Quốc có thể đánh cắp thông tin.

Một trong những nguồn giúp quân đội Mỹ thu thập thông tin tình báo là các trang web Trung Quốc chứ không cần đến điệp viên hay xâm nhập mạng. Tháng 3-2016, các trang web quân sự Trung Quốc đã tiết lộ kế hoạch đấu thầu xây dựng trên bãi cạn Scarborough của Philippines. Trong hồ sơ có một bản vẽ cho thấy Trung Quốc sẽ triển khai tàu khu trục trang bị tên lửa.

Quân đội Mỹ xác định Trung Quốc muốn biến bãi cạn Scarborough là địa điểm thứ ba ở quần đảo Trường Sa để tạo thành tam giác quân sự trên biển Đông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm