'Tháp Babel' của EU sẽ sụp đổ vì sự chia rẽ nội bộ?

Các thành viên chính đang quan tâm đến những cuộc đối thoại về những vấn đề khác nhau.

Đức tranh cãi dữ dội về việc giới hạn số lượng và cách thức ngăn cản người nhập cư. Pháp vẫn sống trong trạng thái khẩn cấp và bị sốc sau vụ tấn công của phiến quân IS đã giết chết 130 người ở Paris tháng 11 năm ngoái.

Anh lo lắng về quyền tự quyết quốc gia và khả năng rời khỏi EU trong cuộc trưng cầu ý dân vào tháng 6 tới.

Người dân Ba Lan tranh luận về những động thái mới của chính phủ khi hạn chế báo chí và tòa án hiến pháp và nỗi lo về hiện diện và căng thẳng với nước Nga ở miền Đông châu Âu.

Miền Trung châu Âu bàn thảo việc chống lại áp lực nhận thêm người tị nạn từ Đức.

Ở miền Nam, người Italy và Bồ Đào Nha đang tập trung phục hồi tăng trưởng kinh tế trong khi giải quyết hậu quả khủng hoảng ngân hàng bất chấp chiếc áo ngân sách chật chội của EU. Tây Ban Nha bị ám ảnh bởi chủ nghĩa phân lập Catalan, tê liệt chính trị và rủi ro đất nước bị chia cắt.

Cờ Liên minh châu Âu được chiếu lên tòa nhà chính phủ ở Tbilisi, Georgia ngày 18-12-2015 (Ảnh: Reuters)

Các nhà lãnh đạo của những nước này đến Brussels thậm chí không thể thống nhất về chủ đề cần thảo luận.

“Chúng ta nên tập trung vào những vấn đề thực tế ở Syria, việc đóng cửa biên giới các nước thành viên thay vì giải quyết những chuyện xa lạ”, theo lời một nhà ngoại giao có liên quan đến các cuộc đàm phán.

Bất chấp những lời chỉ trích, thủ tướng Đức Angela Merkel vẫn theo đuổi những biện pháp khẩn cấp để tìm một giải pháp chung châu Âu trong vấn đề khủng hoảng nhập cư: Đảm bảo biên giới bên ngoài châu Âu, đăng ký cho người nhập cư và chia sẻ họ trong EU.

Dù tuyệt vọng, bà vẫn gây áp lực cho một hội nghị thượng đỉnh châu Âu khác vào ngày 7-3 tới với Thổ Nhĩ Kỳ, nhiều ngày trước khi cánh hữu chống nạn nhập cư có thể giành thắng lợi lớn trong ba cuộc bầu cử vùng ở Đức.

Với Pháp, Tổng thống Francois Hollande và Thủ tướng Manuel Valls đến Brussels để tìm kiếm sự hợp tác chống chủ nghĩa khủng bố và hỗ trợ quân sự trước quân IS ở Syria và Libya. Nước này cũng tuyên bố châu Âu sẽ không nhận thêm người nhập cư.

Áo, nước trung chuyển chính, đã đơn phương áp đặt giới hạn nhập cư hàng ngày vào giữa tháng 2. Áo cùng với 10 nước khác vùng Balkan và miền trung châu Âu đã tổ chức hội nghị điều phối giải pháp quốc gia để giảm bớt dòng người nhập cư từ phương Bắc. Cuộc họp mặt này không có Đức, các quan chức EU và Hy Lạp, điểm đến chính của những người nhập cư, một dấu hiệu cho sự suy giảm ảnh hưởng của Brussels và Berlin.

Với Hy Lạp, khối lượng tàu nhập cư bất chấp mùa đông vượt biển mỗi ngày từ Thổ Nhĩ Kỳ đang nhanh chóng biến nền kinh tế yếu nhất châu Âu này thành trại tị nạn khổng lồ. Thủ tướng Alexis Tsipras cảnh báo đất nước ông không muốn trở thành “nhà kho của những linh hồn” và sẽ chấm dứt hoạt động các doanh nghiệp châu Âu nếu các nước khác không chia sẻ gánh nặng.

Hungary đang lên kế hoạch trưng cầu dân ý về hạn ngạch cho người tị nạn, điều mà phần lớn EU đã bỏ qua khi đồng ý tiếp nhận những người này hồi năm ngoái.

Trong vài tuần tới, khi việc ngăn cản những người mới đến Thổ Nhĩ Kỳ là không khả thi, nhiều khả năng bước đi kế tiếp là vùng du lịch miễn hộ chiếu Schengen của 26 nước châu Âu sẽ chính thức bị ngưng lại trong hai năm để ngăn ngừa một sự sụp đổ hỗn loạn.

Để đề phòng một cái chết tức thời cho lục địa này, các hàng rào biên giới bị dỡ bỏ cách đây hai thập kỷ sẽ được dựng lại. Đến lúc đó, Đức cũng phải áp đặt giới hạn lên những người nhập cư mới.

Sự suy yếu và các cuộc tranh luận nội bộ làm xao nhãng các nhà lãnh đạo khiến thể chế nền tảng cho sự thịnh vượng của châu Âu sau thế chiến hai có nguy cơ tan rã.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm