Người vui, kẻ tức giận chuyện UAE-Israel bình thường quan hệ

Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) đã trở thành nước Ả Rập vùng Vịnh đầu tiên ký thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với Israel, với sự trung gian của Mỹ.

Trước khi chính thức bình thường hóa quan hệ, Israel và UAE đã có nhiều năm có các liên lạc trong thận trọng về thương mại và công nghệ.

“Thỏa thuận Abraham” được chính Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo ngày 13-8. Theo đài Al Jazeera, thỏa thuận đạt được một cam kết từ Israel ngừng sáp nhập thêm nữa lãnh thổ Palestine ở khu Bờ Tây.

Tuy nhiên nói với báo chí tại Tel Aviv, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói ông đồng ý “hoãn” việc sáp nhập như một phần thỏa thuận với UAE, nhưng kế hoạch sáp nhập vẫn “còn trên bàn”.

UAE là nước Ả Rập thứ ba ký thỏa thuận bình thường quan hệ với Israel, sau Jordan và Ai Cập.

Thái tử UAE Mohammed bin Zayed Al Nahyan và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Susan Walsh/AP

Các nước, nhóm, và cá nhân liên quan đến xung đột Israel-Palestine đã có những phản ứng khác nhau quanh chuyện UAE bình thường hóa quan hệ với Israel.

Lãnh đạo Palestine

Tổng thống Palestine – ông Mahmoud Abbas lên án thỏa thuận giữa UAE và Israel.

“Lãnh đạo Palestine bác bỏ và lên án sự gắn kết ba bên giữa UAE, Israel và Mỹ, một tuyên bố đáng ngạc nhiên” – theo ông Nabil Abu Rudeineh, một cố vấn cấp cao của Tổng thống Abbas.

Abu Rudeineh đọc tuyên bố của Tổng thống Abbas bên ngoài dinh tổng thống ở TP Ramallah ở khu Bờ Tây.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) bắt tay Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas sau khi phát biểu trước báo giới ở TP Bethlehem thuộc khu Bờ Tây năm 2017. Ảnh: Evan Vucci/REUTERS

Tuyên bố chỉ trích thỏa thuận giữa UAE và Isarel là một “sự phản bội với Jerusalem, Al-Aqsa và sự nghiệp theo đuổi chính nghĩa của người Palestine”.

Ông Hanan Ashrawi - thành viên cấp cao trong ủy ban điều hành Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) từng nắm nhiều vị trí lãnh đạo trong chính quyền Palestine – nói tuyên bố của UAE có thể xem như việc nước này đã bán rẻ bạn bè (là Palestine).

Nhóm vũ trang Hamas ở Dải Gaza

Hamas lên án thỏa thuận bình thường quan hệ giữa Israel và UAE do Mỹ làm trung gian dù các bên nói thỏa thuận này nhằm đổi lại việc Israel bỏ kế hoạch sáp nhập lãnh thổ ở khu Bờ Tây bị chiếm đóng. Hamas cũng cho rằng thỏa thuận này không có lợi cho sự nghiệp theo đuổi chính nghĩa của người Palestine.

“Thỏa thuận này hoàn toàn không phục vụ sự nghiệp theo đuổi chính nghĩa của người dân Palestine, mà phục vụ mục đích của người theo chủ nghĩa phục quốc Do thái. Thỏa thuận khuyến khích sự chiếm đóng của Israel, tiếp tục bác bỏ các quyền của người dân Palestine chúng tôi, và thậm chí còn duy trì tội ác của họ chống lại người dân chúng tôi” – người phát ngôn Hamas, ông Hazem Qassem tuyên bố.

“Điều cần phải có là ủng hộ sự chiến đấu hợp pháp của người dân chúng tôi chống lại sự chiếm đóng và không thiết lập các thỏa thuận với kẻ chiếm đóng này, và cộng đồng Ả Rập cũng như thế giới cần ủng hộ người Palestine chống lại bất kỳ sự sáp nhập nào, chứ không phải ký thỏa thuận bình thường quan hệ với họ (Israel)” – theo người phát ngôn phía Hamas.

Jordan

Jordan cho rằng thỏa thuận UAE-Israel có thể thúc đẩy cuộc đàm phán hòa bình nếu nó tạo điều kiện cho Israel chấp nhận một nhà nước Palestine trên lãnh thổ mà Israel đã chiếm đóng trong cuộc chiến Israel-Ả Rập năm 1967.

“Nếu Israel xem nó như một sự động viên để chấm dứt sự chiếm đóng…nó sẽ đưa khu vực tiến tới hòa bình” – Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi tuyên bố.

Tuy nhiên theo ông, nếu Israel không làm vậy thì sẽ chỉ làm sâu sắc hơn xung đột Ả Rập-Israel kéo dài hàng thập niên nay cũng như đe dọa an ninh toàn khu vực.

Ông Safadi cho rằng thỏa thuận này cần phải đi cùng với việc Israel chấm dứt có bất kỳ động thái đơn phương nào sáp nhập lãnh thổ ở khu Bờ Tây bị chiếm đóng – hành động “cản trở triển vọng hòa bình và vi phạm các quyền của người Palestine”.

Các nhóm người Do thái định cư trên vùng đất Bờ Tây Israel chiếm đóng từ Palestine

Bước đi của Israel và UAE đã khiến các nhóm người Israel cánh hữu định cư trên vùng đất Bờ Tây Israel chiếm đóng từ Palestine tức giận.

Tổng thống Israel Benjamin Netayahu (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng, thời điểm ông Trump công bố kế hoạch hòa bình Trung Đông. Ảnh: EPA

Trong khi hứa sẽ áp chủ quyền Israel lên các khu vực này bao gồm cả các khu định cư người Do Thái (mà người Palestine xem đó lãnh thổ cho nhà nước tương lai của mình), Thủ tướng Israel Netanyahu cũng nói rõ ông chỉ có thể làm điều này khi được Mỹ bật đèn xanh.

“Ông ấy phản bội chúng ta. Ông ấy phản bộ cả nửa triệu dân định cư ở khu vực này và hàng trăm ngàn cử tri” – ông David Alhayani, người đứng đầu Hội đồng Yesha về người định cư chỉ trích ông Netanyahu.

Ai Cập

Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi – một đồng minh thân cận của UAE lại hoan nghênh thỏa thuận.

“Tôi thuận theo quyền lợi và giá trị sâu sắc của thỏa thuận giữa Mỹ, UAE và Israel nhằm ngừng việc sáp nhập của Israel với các vùng đất của người Palestine và tạo các bước đi mang hòa bình đến Trung Đông. Tôi đánh giá cao các nỗ lực của những người phụ trách tạo ra thỏa thuận nhằm đạt được sự thịnh vượng và ổn định cho khu vực chúng ta” – Tổng thống al-Sisi tuyên bố trên Twitter.

Bahrain

Đất nước vùng Vịnh này cũng hoan nghênh thỏa thuận và hoan nghênh các nỗ lực của Mỹ để có được thỏa thuận này.

Đảo quốc nhỏ Bahrain là đồng minh thân cận của Saudi Arabia – một đồng minh của Mỹ nhưng đối đầu với Israel ở khu vực Trung Đông. Đến thời điểm này Saudi Arabia chưa bình luận về thỏa thuận.

Anh

Thủ tướng Anh Boris Johnson hoan nghênh thỏa thuận. Theo ông, quyết định bình thường hóa quan hệ của UAE và Israel là một “tin quá tốt”.

 “Hy vọng lâu nay của tôi là chuyện sáp nhập không tiếp tục ở Bờ tây và thỏa thuận hôm nay ngưng các kế hoạch này là một bước đáng hoan nghênh trên con đường mang lại nhiều hòa bình hơn cho Trung Đông” – ông Johnson tuyên bố trên Twitter.

Pháp

Pháp hoan nghênh “bước đi tích cực” của Israel ngưng kế hoạch sáp nhập các vùng đất chiếm đóng ở khu Bờ Tây theo thỏa thuận lịch sử với UAE, theo Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian. Ông Drian cũng thêm rằng chuyện ngưng sáp nhập “phải trở thành một biện pháp sau cùng”.

Theo ông Drian, thỏa thuận này mở đường khôi phục đàm phán giữa Israel và Palestine với mục đích thiết lập hai nhà nước. Ông cũng cho rằng đó là “giải pháp duy nhất” để đạt được hòa bình ở khu vực.

Iran

Hãng tin Tasnim – thuộc chủ quản là Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran cho rằng thỏa thuận giữa Israel và UAE là “sự xấu hổ”.

Ông Hossein Amir-Abdollahian – cựu Thứ trưởng Iran và hiện là cố vấn đặc biệt về các vấn đề quốc tế cho chủ tịch quốc hội Iran cho rằng thỏa thuận sẽ không mang lại hòa bình cho khu vực.

“Việc UAE có bước tiếp cận mới bình thường hóa quan hệ với một Israel giả tạo và đầy tội ác không duy trì hòa bình và an ninh mà chỉ phục vụ các tội ác đang diễn ra của chủ nghĩa phục quốc Do Thái. Thái độ Abu Dhabi không có lý lẽ gì cả, họ quay lưng với sự nghiệp tìm kiếm chính nghĩa của người Palestine. Với sai lầm này UAE sẽ bị nhấn chìm trong hỏa lực của chủ nghĩa phục quốc Do Thái”– ông Amir-Abdollahian viết trên Twitter.

Các lãnh đạo tôn giáo Iran chưa có phản ứng về thỏa thuận.

Ông Joe Biden

Không lâu sau khi ông Trump thông báo về thỏa thuận, ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Biden ra tuyên bố rằng: “Đề nghị của UAE công khai công nhận Nhà nước Israel là một hành động đáng hoan nghênh, dũng cảm, và cực kỳ cần thiết của nghệ thuật lãnh đạo nhà nước. Chính phủ Biden-Harris sẽ theo đuổi xây dựng tiến trình này, và sẽ mời tất cả các nước trong khu vực cùng gìn giữ đường đi này”.

Ông Biden cũng nói về việc sáp nhập: “Việc sáp nhập là một vấn đề nghiêm trọng với hòa bình, đó là lý do tại sao tôi phản đối nó và sẽ tiếp tục phản đối khi là tổng thống”.

Liên Hợp Quốc

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nói ông hy vọng chuyện bình thường hóa quan hệ giữa Israel và UAE có thể giúp hiện thực hóa giải pháp hai nhà nước giữa Palestine và Israel.

“Tổng Thư ký hoan nghênh thỏa thuận, hy vọng nó sẽ tạo cơ hội cho các lãnh đạo Israel và Palestine tái gắn kết, quay lại đàm phán thực chất giúp hiện thực hóa giải pháp hai nhà nước, phù hợp với các nghị quyết liên quan của LHQ, luật pháp quốc tế và các thỏa thuận song phương” – người phát ngôn của ông Guterres nói.

“Tổng Thư ký sẽ tiếp tục làm việc với các bên để tạo điều kiện thêm cho các khả năng đối thoại, hòa bình và ổn định” – theo người phát ngôn.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm