Thêm dấu hiệu về sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc

Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc ngày 12/12 cho biết, sản lượng công nghiệp của nước này trong tháng 11 tăng 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức dự báo tăng 7,5% của các nhà phân tích. 
Mức tăng sản lượng công nghiệp trong tháng vừa qua là chậm hơn so với con số tăng 7,7% trong tháng 10, đồng thời là mức tăng thấp thứ hai kể từ giai đoạn trầm trọng nhất của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. 

Sự giảm sút này một phần là do việc đóng cửa các nhà máy để giảm ô nhiễm trong thời gian diễn ra Hội nghị thượng đỉnh diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, nhưng còn do đơn hàng xuất khẩu tăng chậm trong khi thị trường nhà đất hạ nhiệt, ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ xi măng, sắt thép.

Một ngôi chợ tại Thượng Hải, Trung Quốc 

Trong khi đó, đầu tư vào tài sản cố định - một động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế - trong 11 tháng qua tăng 15,8% so với cùng kỳ năm ngoái, đúng như nhận định của thị trường, nhưng chậm hơn mức tăng 15,9% trong 10 tháng năm 2014 và ở quanh mức thấp nhất trong 13 năm. Đầu tư vào bất động sản cũng tăng chậm hơn, ở các mức tương ứng 11,9% và 12,4%.

Tiêu dùng là điểm sáng duy nhất của nền kinh tế, với doanh số bán lẻ tăng 11,7% trong tháng 11, nhanh hơn mức tăng 11,5% trong tháng 10 (mức tăng chậm nhất kể từ đầu năm 2006).
Những số liệu trên củng cố nhận định cho rằng nhịp độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc sẽ còn thấp hơn cả mức tăng 7,3% trong quý 3, là con số thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Các số liệu được công bố trong tuần này cho thấy tăng trưởng xuất khẩu trong tháng 11 cũng giảm mạnh, tỷ lệ lạm phát giá tiêu dùng ở mức thấp nhất trong 5 năm, dẫn tới nhận định Chính phủ Trung Quốc có thể hành động quyết liệt hơn để ngăn chặn nguy cơ giảm phát.
Sau khi Hội nghị công tác kinh tế trung ương kết thúc ngày 11/12, các nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc khẳng định sẽ nỗ lực duy trì đà tăng trưởng kinh tế ở một nhịp độ hợp lý trong năm 2015, mặc dù nền kinh tế đối mặt với sức ép giảm tốc không nhỏ.

Giới phân tích dự đoán Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc sẽ cắt giảm thêm lãi suất và hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng, đồng thời chấp nhận thâm hụt ngân sách lớn hơn khi tăng chi tiêu.

Theo Lê Minh (Vietnam+)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm