Thêm quốc gia cân nhắc tẩy chay ngoại giao Olympic Bắc Kinh 2022

Tờ Sydney Morning Herald ngày 25-11 đưa tin Úc đang cân nhắc việc không cử quan chức chính phủ tới Thế vận hội mùa đông ở Trung Quốc vào năm tới trong bối cảnh ngày càng nhiều nghị sĩ kêu gọi một cuộc tẩy chay ngoại giao chính thức đối với sự kiện này.

Các chính trị gia Úc thuộc liên minh Tự do-Quốc gia cầm quyền và Công đảng đối lập đang thúc giục chính phủ liên bang tẩy chay sự kiện sẽ được tổ chức tại Bắc Kinh vào tháng 2-2022, tờ báo đưa tin nhưng không dẫn nguồn.

Logo Thế vận hội Mùa đông ở Bắc Kinh. Ảnh: DPA

Một cuộc tẩy chay ngoại giao sẽ liên quan việc không cử một phái đoàn quan chức, nhưng cho phép các vận động viên tham gia tranh tài.

“Quyết định về đại diện (của Úc) tại Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh vẫn chưa được đưa ra”, hãng tin Reuters dẫn lời phát ngôn viên của Bộ trưởng Thể thao Richard Colbeck cho biết trong một phản hồi qua email. Bộ Ngoại giao Úc đã không trả lời yêu cầu bình luận.

Tổng thống Mỹ Joe Biden tuần trước cho biết Mỹ đang xem xét tẩy chay ngoại giao đối với Thế vận hội, một động thái nhằm phản đối hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc, bao gồm cách thức chính quyền Bắc Kinh đối xử với người Hồi giáo thiểu số.

Về phía Anh, tờ The Times ngày 20-11 đưa tin Thủ tướng Boris Johnson đang cân nhắc tẩy chay ngoại giao Thế vận hội ở Bắc Kinh cũng với lý do tương tự Mỹ. Tuy nhiên, người phát ngôn của ông hôm 22-11 cho biết ông Johnson không ủng hộ ý tưởng tẩy chay nhưng Anh vẫn chưa đưa ra quyết định nào về việc ai sẽ đại diện chính phủ nước này tại Thế vận hội.

Sydney Morning Herald cho biết chính phủ Úc đang chờ quyết định của chính quyền ông Biden trước khi đưa ra lời kêu gọi tẩy chay ngoại giao.

Cả Mỹ và Anh đều là đồng minh thân cận của Úc và các nước này hồi tháng 9 đã ký kết quan hệ đối tác an ninh để giúp Úc đóng tàu ngầm hạt nhân. Thỏa thuận ba bên này được cho là nhằm đối phó Trung Quốc, cường quốc đang trỗi dậy ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Mối quan hệ giữa Úc với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của họ, trở nên xấu đi sau khi Canberra cấm công ty Huawei tham gia mạng băng thông rộng 5G vào năm 2018 và kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc COVID-19. Bắc Kinh đã đáp trả bằng cách áp thuế đối với một số mặt hàng của Úc.

Canada, một đồng minh khác của Mỹ, hôm 20-11 cũng đã bày tỏ lo ngại về vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc. Đài CTV News dẫn lời Thư ký báo chí Syrine Khoury của Ngoại trưởng Melanie Joly cho biết Canada sẽ tiếp tục thảo luận với các đối tác về khả năng tẩy chay ngoại giao đối với Thế vận hội Bắc Kinh.

Trong khi đó, tờ South China Morning Post ngày 23-11 đưa tin Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhận lời mời của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự Thế vận hội ở Bắc Kinh. Ông Putin cũng sẽ là nguyên thủ nước ngoài đầu tiên gặp trực tiếp ông Tập kể từ đợt bùng phát dịch COVID-19 ở TP Vũ Hán hồi năm 2019.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm