Thổ Nhĩ Kỳ trong vòng xoáy bạo lực

Trong vụ đánh bom tự sát tại đại sứ quán Mỹ ở Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ) hôm 1-2, ban đầu các chuyên gia an ninh nghĩ đến tổ chức Al Qaeda. Tháng 10-2003, Al Qaeda từng tiến hành bốn vụ tấn công ở Istanbul làm gần 70 người thiệt mạng. Vài tháng sau, các phần tử Al Qaeda đã cố đột nhập vào lãnh sự quán Mỹ ở Istanbul nhưng không thành công.

Tuy nhiên, vụ đánh bom này lại là hành động độc lập của tổ chức Mặt trận-Đảng Giải phóng nhân dân cách mạng (DHKP-C).

Trả lời đài phát thanh tư nhân Habertürk, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết hung thủ là người của DHKP-C. Ông giải thích nhân dạng của hung thủ được xác định nhờ trên đầu tên này có một cái bớt và hiện thời cơ quan chức năng đang tiếp tục giám định ADN để xác minh.

Đài truyền hình CNN xác định vị trí đánh bom ngay cửa vào đại sứ quán Mỹ dành cho nhân viên và khách. Thời điểm nổ bom là lúc hung thủ đi qua cổng dò chất nổ.  

Thổ Nhĩ Kỳ trong vòng xoáy bạo lực ảnh 1

Hiện trường đại sứ quán Mỹ ở Ankara ngay sau vụ đánh bom. Ảnh: AP

Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Muammar Guler thông báo hung thủ tên Ecevit Sanli, trạc 30 tuổi. Theo hồ sơ của cảnh sát, Ecevit Sanli từng tham gia tấn công bằng súng phóng lựu tại nhà ăn sĩ quan và trụ sở bộ chỉ huy cơ quan an ninh ở Istanbul năm 1997.

Ecevit Sanli ngồi tù trong giai đoạn DHKP-C tổ chức tuyệt thực lớn trong các trại giam vào cuối năm 2000. Năm 2002, Ecevit Sanli được trả tự do vì lý do sức khỏe sau một tháng rưỡi tuyệt thực.

DHKP-C ra đời trong thập niên 1970, đến thập niên 1980 thì bị cấm hoạt động, sau đó bị Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Liên minh châu Âu xếp vào danh sách các tổ chức khủng bố.

Tổ chức này thường ám sát các nhân vật tiêu biểu cho bộ máy quyền lực của Thổ Nhĩ Kỳ trong quân đội, cảnh sát, tòa án. Vụ tấn công gần nhất xảy ra ngày 11-9-2012. Một tên đánh bom tự sát đã kích nổ bom ở cổng nhà trụ sở cảnh sát ở Istanbul.

Có lúc DHKP-C bị nghi ngờ hợp tác với tổ chức PKK nhưng vấn đề này chưa rõ ràng lắm. Trung tâm quốc gia chống khủng bố Mỹ ghi nhận hiện nay DHKP-C đã suy yếu do nhiều lãnh đạo của tổ chức đã bị bắt trong những năm gần đây.

Ngày 1-2 (giờ địa phương), Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố Mỹ sẽ cộng tác với Thổ Nhĩ Kỳ điều tra vụ đánh bom tại đại sứ quán Mỹ ở Ankara.

Hiện thời DHKP-C vẫn chưa tuyên bố nhận trách nhiệm, từ đó các chuyên gia nhận định giả thiết DHKP-C là thủ phạm vẫn chỉ là giả thiết bởi Thổ Nhĩ Kỳ là địa bàn của bạo lực chính trị. Nhiều tổ chức Hồi giáo cực đoan, các lực lượng cực tả hoặc cực hữu và phiến quân người Kurd đang tấn công nước này.

Đối với phiến quân người Kurd, chính phủ đã tiến hành đàm phán hòa bình với Abdullah Öcalan, thủ lĩnh đảng Lao động Kurdistan (PKK). Phiến quân PKK thường tấn công các mục tiêu trong nước chứ không phải các mục tiêu có yếu tố nước ngoài.

Vụ nổ bom xảy ra trong bối cảnh các nước NATO (Mỹ, Đức và Hà Lan) vừa triển khai các dàn tên lửa đất đối không Patriot nhằm ngăn chặn xung đột từ Syria lan sang Thổ Nhĩ Kỳ.

Các đài truyền hình ở Thổ Nhĩ Kỳ nhận định vụ đánh bom có liên quan đến chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối tháng 2 của tân Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.

DẠ THẢO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm