Thủ đô Nepal dịch chuyển 3m, 3.700 người chết

Một con đường nứt toác ở Kathmandu vì động đất - Ảnh: AFP
Một con đường nứt toác ở Kathmandu vì động đất - Ảnh: AFP

Theo báo Sydney Morning Herald, nhà địa chất học nổi tiếng Roger Bilham thuộc ĐH Colorado (Mỹ) mô tả trận động đất Nepal như sau: “Một mảng vỏ trái đất khổng lồ, dài khoảng 120 km và rộng 60 km, đã lao 3m về phía nam trong 30 giây. Ở trên mảng vỏ trái đất đó là thành phố Kathmandu và hàng triệu cư dân Nepal”.

Chuyên gia Bilham cho biết tâm chấn của trận động đất không quá sâu và nằm rất gần thủ đô Kathmandu, nên đã gây hậu quả khủng khiếp. “Động đất xảy ra ngay dưới thành phố, đâylà trường hợp xấu nhấtxảy ra” - chuyên gia Bilham nhấn mạnh.

Trốn chạy khỏi Kathmandu

Hiện tại, số người thiệt mạng do động đất tại Nepal đã vượt qua ngưỡng 3.700 người. Tuy nhiên các chuyên gia dự báo số người chết sẽ còn tiếp tục gia tăng.

“Sự phá hủy xảy ra khắp cả Nepal và chúng ta vẫn chưa đánh giá hết được mức độ thiệt hại” - nhà địa chất học Susan Hough của Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ, bi quan cho biết.

Theo Reuters, hiện hàng nghìn người Nepal bắt đầu di dời khỏi thủ đô Kathmandu do lo ngại nguy cơ dư chấn sẽ khiến các tòa nhà còn lại sụp đổ. Các con đường di ra khỏi thành phố này đang chật cứng người và xe cộ.

Dòng người xếp hàng chờ lên máy bay ở sân bay Kathmandu cũng dài dằng dặc. Rất nhiều người cho biết đã phải ngủ ngoài trời từ hôm thứ bảy vì nhà cửa sụp đổ hoàn toàn. “Chúng tôi đang trốn chạy. Làm sao chúng tôi sống ở đây được nữa. Tôi có con nhỏ, không thể cứ di tản chúng khỏi nhà vào lúc nửa đêm” - cô Krishna Muktari, than thở.


Một người đàn ông thắp nén nhang cuối cho người thân trước giờ tiễn biệt - Ảnh: NBC
Một người đàn ông thắp nén nhang cuối cho người thân trước giờ tiễn biệt - Ảnh: NBC
Nỗi đau chứng kiến người thân ra đi Ảnh: NBC
Nỗi đau chứng kiến người thân ra đi Ảnh: NBC

Nhà chức trách Nepal đang gồng mình ứng phó với tình trạng thiếu nước ngọt và thực phẩm tại Kathmandu cũng như nguy cơ bệnh truyền nhiễm. Rất nhiều người bị thương và bị bệnh hiện đang phải nằm ngoài trời vì các bệnh viện đều đã quá tải.

“Không có điện cũng chẳng có nước. Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là khôi phục lại điện và nước - Bộ trưởng Nội vụ Laxmi Prasad Dhakal khẳng định -Thách thức kế tiếp chính là thực phẩm. Hiện người dân không thể mua được đồ ăn”.

Tái thiết:5 tỷ USD

Từ hôm qua, người dân Nepal đã bắt đầu hỏa táng hàng trăm nạn nhân thiệt mạng vì động đất. Tại các bãi hỏa táng, khói đen bốc lên mù mịt, thân nhân của các nạn nhân đau đớn khóc than hoặc ngồi thẫn thờ, bất động vì nỗi đau quá lớn.

Khói lửa bốc lên mù mịt từ bãi hỏa thiêu các nạn nhân - Ảnh: NBC
Khói lửa bốc lên mù mịt từ bãi hỏa thiêu các nạn nhân - Ảnh: NBC

Ấn Độ điều 13 máy bay quân sự chở nhiều tấn hàng hóa và thực phẩm tới Nepal. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng cho biết một máy bay quân sự chở 70 chuyên gia cứu hộ đã khởi hành tới Nepal. Anh cũng đã vận chuyển hàng cứu trợ tới quốc gia Nam Á.

Tuy nhiên người dân Kathmandu cho biết hiện tại họ vẫn chưa nhận được hàng cứu trợ đáng kể nào. Nhiều chuyến bay chở hàng cứu trợ cũng không thể hạ cánh xuống sân bay Kathmandu do dư chấn khiến sân bay bị đóng cửa.

Theo AFP, nhà kinh tế Rajiv Biswas của hãng nghiên cứu IHS ước tính chi phí tái thiết đất nước Nepal lên đến 5 tỷ USD, tương đương 20% GDP nước này. Đến nay Ủy ban châu Âu (EC) đã huy động 3 triệu euro hỗ trợ khẩn cấp Nepal.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm