Tiềm năng vũ khí hạt nhân của Triều Tiên còn nhỏ

Các quốc gia có vũ khí hạt nhân

Trong số này có năm quốc gia gồm Hoa Kỳ, Nga, Anh, Pháp và Trung Quốc được chính thức công nhận, được Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (viết tắt là NPT) xem là “các quốc gia có vũ khí hạt nhân” là thành viên của “Câu lạc bộ hạt nhân”.

Hai nước khác là Ấn Độ và Pakistan đã thực hiện các vụ thử bom hạt nhân từ năm 1974 (Ấn Độ) và 1998 (Pakistan), mỗi nước sở hữu đến trên dưới 100 quả bom A. Cả hai nước đều từ chối ký vào Hiệp định NPT. Đó là một trong những lý do để hai nước này chưa được chính thức gọi là thành viên của “Câu lạc bộ hạt nhân”. Và như vậy, họ bị hạn chế quyền sở hữu hợp pháp vũ khí hạt nhân, quyền này “ngầm” dành riêng cho các nước đã có các cuộc thử nghiệm trước năm 1967.

Nước thứ tám là Nam Phi đã từng thử nghiệm một vụ nổ hạt nhân (được cho là bom A của Israel) nhưng nay đã từ bỏ loại vũ khí này nên không tính đến. Ngoài ra, thế giới đều biết nước Israel đang sở hữu kho vũ khí hạt nhân đáng kể nhưng họ không xác nhận hay phủ nhận và cũng chưa tiến hành thử hạt nhân công khai nên nước này vẫn “lơ lửng” không chính thức nằm ở danh sách nào, có hay không có vũ khí hạt nhân.

Tiềm năng của Triều Tiên đến đâu?

Tiềm năng thực sự về vũ khí hạt nhân của Triều Tiên vẫn còn là một nghi vấn đối với các nhà phân tích.

Theo tôi, không có gì phải nghi ngờ về sự thật của ba vụ nổ hạt nhân của Triều Tiên trong các thời điểm: ngày 8-10-2006, 25-5-2009 và 12-2-2013. Ba vụ thử nổ hạt nhân đó đều được nhiều trạm quan sát địa chấn trên thế giới ghi nhận. Ngoài ra, bằng phương pháp phối hợp số liệu đo khoảng cách từ vị trí của các đài quan sát địa chấn khác nhau đến từng địa điểm nổ bom, đồng thời kết hợp hình ảnh chụp từ vệ tinh, vị trí của ba địa điểm thử bom ở Triều Tiên cũng được xác định khá chính xác.

Một thông số quan trọng khác là sức mạnh vụ nổ. Sự đánh giá của các nhà quan sát và phân tích trên thế giới về sức mạnh của bản thân các quả bom Triều Tiên có sự chênh lệch nhau ít nhiều. Dù vậy, họ cũng đã thống nhất rằng, các “cơ cấu nổ hạt nhân” của Triều Tiên hay các quả “bom A made in Korea” thuộc loại nhỏ và sức nổ của chúng cùng cỡ hay non hơn một ít so với những quả bom mà Mỹ thả xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản năm 1945 cuối Thế chiến II.

Vấn đề chưa thật rõ là liệu ba “cơ cấu nổ hạt nhân” nói trên có phải là những quả bom A hoàn chỉnh chưa, tức đã có kết cấu “tối ưu” (về trọng lượng và kích thước) để tên lửa có thể mang đi xa. Đó là vấn đề chất lượng vũ khí. Về số lượng, từ số nhiên liệu Plutonium có thể rút ra từ lò phản ứng nhỏ của Triều Tiên, các nhà phân tích ước tính nước này có tiềm năng chế tạo chỉ khoảng 5-10 quả bom A.

Như vậy, tiềm năng vũ khí hạt nhân của Triều Tiên còn nhỏ, chưa thể so sánh với các quốc gia hạt nhân “hạng hai” như Ấn Độ, Pakistan và Israel. Đây cũng là một trong những lý do Hoa Kỳ và nhiều nước chưa công nhận Triều Tiên là “quốc gia hạt nhân”.

Nhưng quan trọng hơn, Hoa Kỳ và các nước khác từ chối công nhận Triều Tiên như một “nhà nước hạt nhân” nhằm không mang lại cho Triều Tiên một chuyện đã rồi, một cơ chế hợp pháp cho chương trình phát triển vũ khí nguyên tử mà họ đang theo đuổi và xem là một trong hai quốc sách chủ yếu hiện nay: Phát triển kinh tế và chế tạo vũ khí hạt nhân.

GS-TS TRẦN THANH MINH, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học và kỹ thuật hạt nhân

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm