Tình báo Anh lo ngại Trung Quốc

Ngày 21-10 (giờ địa phương) tại London (Anh), Tổng Công ty Điện lực Pháp (EDF) và đối tác là Tổng Công ty Năng lượng hạt nhân Trung Quốc (CGN) đã ký một hợp đồng quan trọng dưới sự chứng kiến của Chủ tịch Tập Cận Bình trong khuôn khổ chuyến thăm Anh.

Theo hợp đồng, EDF của Pháp sẽ đầu tư 66,5% trong 18 tỉ bảng Anh và đơn vị Trung Quốc sẽ đầu tư 33,5% để xây dựng hai lò phản ứng hạt nhân thế hệ thứ ba (EPR) của nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point tại Anh.

Ngoài ra tại Anh, tổng công ty của Trung Quốc còn góp 20% vốn hợp tác đầu tư xây dựng hai lò phản ứng hạt nhân thế hệ thứ ba tại nhà máy Sizewell và 66,5% vốn xây dựng lò phản ứng thế hệ thứ ba Hoa Long ở Bradwell.

Báo Le Monde (Pháp) ghi nhận với các hợp đồng kể trên, Trung Quốc có thể trở thành “con ngựa thành Troie” trong lĩnh vực công nghiệp chiến lược tại Anh.

Báo Times (Anh) dẫn nguồn từ một nhân viên tình báo Anh giấu tên nhận định: “Có bất đồng lớn giữa giới tài chính và giới phụ trách an ninh. Bộ Tài chính chẳng nghe ai cả. Họ coi Trung Quốc là một cơ hội, còn chúng tôi xem Trung Quốc là mối đe dọa”.

 
Phối cảnh nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point ở Anh. Ảnh: EDF

Chuyên gia Jeffrey Henderson ở ĐH Bristol nhận xét có điên mới tiến hành hợp đồng như thế.

Cơ quan phản gián Anh (MI5) đã công khai tuyên bố “các cơ quan tình báo Trung Quốc tiếp tục hoạt động đi ngược với lợi ích của Anh”, nhất là gián điệp mạng.

Một số nhân vật có trách nhiệm ở Anh nghĩ đến kịch bản Trung Quốc bí mật giành quyền kiểm soát nhà máy điện hạt nhân ở Anh qua mạng.

Nếu có khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng, Trung Quốc có thể điều khiển cho nhà máy điện hạt nhân ngừng chạy.

Nhận xét về chất lượng xây dựng, báo Le Monde dẫn lời một chuyên gia về an toàn hạt nhân ghi nhận: “Người Trung Quốc xây dựng nhà máy điện của họ rất nhanh. Một phần vì họ có thể huy động lực lượng nhanh hơn và gia tăng tiến độ công trình nhưng một phần còn vì cơ quan chức năng về an toàn ít chặt chẽ hơn”.

Tại nhà máy điện hạt nhân Daya Bay gần Hong Kong năm 1987, một nhà thầu phụ của Tổng Công ty Năng lượng hạt nhân Trung Quốc đã từng “quên” không lắp đặt hơn 50% cấu trúc thép gia cố sàn bê tông.

Tổng Công ty Năng lượng hạt nhân Trung Quốc là đối tác lâu đời của Tổng Công ty Điện lực Pháp và đã tham gia thúc đẩy chương trình hạt nhân Trung Quốc do Đặng Tiểu Bình phát động từ những năm 1980.

Lịch sử và cấu trúc của Tổng Công ty Hạt nhân quốc gia Trung Quốc (CNNC) có khác.

Tổng công ty này không tham gia dự án như dự tính ban đầu nhưng cùng phát triển lò phản ứng hạt nhân Hoa Long ở Anh với Tổng Công ty Năng lượng hạt nhân Trung Quốc.

Chuyên gia Jeffrey Henderson đã cảnh báo đây là một bộ phận của tổ hợp công nghiệp quốc phòng Trung Quốc và là một trong 10 đơn vị công nghiệp quốc phòng làm chỗ dựa cho quân đội Trung Quốc.

Nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point là nhà máy đầu tiên được xây dựng ở châu Âu từ sau thảm họa Fukushima ở Nhật năm 2011 và là nhà máy hạt nhân đầu tiên xây dựng ở Anh kể từ năm 1995. Nhà máy sản xuất đủ điện cung ứng cho hơn năm triệu hộ gia đình.

Thủ tướng Anh David Cameron phát biểu với giới doanh nghiệp: “Một trong những yếu tố quan trọng trong chuyến thăm này (chuyến thăm Anh của Chủ tịch Tập Cận Bình) là số lượng hợp đồng thương mại gây ấn tượng mà chúng tôi đã ký, trị giá tổng cộng gần 40 tỉ bảng Anh”. Ông Tập bày tỏ ý định xây dựng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Anh.

__________________________________

Không có quốc gia nào ở châu Âu ký một hợp đồng như thế. Mỹ không bao giờ tưởng tượng lại để cho Trung Quốc hưởng một cơ sở hạ tầng chiến lược như thế. Anh sẵn sàng để làm điều đó thì thật là kỳ lạ.

Chuyên gia PAUL DORFMAN ở Viện Nghiên cứu năng lượng (Trường ĐH London)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm