Toàn cảnh vụ Giám đốc IMF bị bắt tại Mỹ vì quấy rối tình dục

DSK  là một ứng cử viên tổng thống tiềm năng và là đối thủ nặng ký của đương kim tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy trong cuộc bầu cử năm 2012.

Giám đốc IMF Strauss-Kahn, 62 tuổi, bị cảnh sát áp giải ra khỏi chiếc máy bay của hãng Air France tại sân bay quốc tế John F Kennedy New York, chỉ vài phút trước khi nó khởi hành đi Paris. Cảnh sát Mỹ cho biết họ chỉ mới tiến hành thẩm vấn và quan chức này chưa bị buộc tội chính thức.

Dominique Straus-Kahn là cựu Bộ trưởng Tài chính Pháp và là chính trị gia hàng đầu của đảng Xã hội, được coi là ứng cử viên tổng thống tiềm năng. Ông đang chuẩn bị lên đường tham dự cuộc họp các bộ trưởng tài chính thuộc Liên minh châu Âu tại Brussels vào ngày mai, để thảo luận về gói cứu trợ Bồ Đào Nha và Hy Lạp, thì bị cảnh sát Mỹ chặn lại.

Toàn cảnh vụ Giám đốc IMF bị bắt tại Mỹ vì quấy rối tình dục ảnh 1

Ông Dominique Strauss-Kahn, đối thủ tiềm năng của đương kiêm Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy
 trong cuộc bầu cử tổng thống 2012

Tấn công người dọn phòng 32 tuổi

Phát ngôn viên sở cảnh sát New York Paul J. Browne cho biết, họ tạm giữ giám đốc IMF Strauss-Kahn để thẩm vấn và quan chức quan trọng của ngành tài chính thế giới được cho là có thái độ hợp tác với cuộc điều tra.

AP
dẫn lời phát ngôn viên Paul J. Browne giải thích, giám đốc IMF bị tạm giữ "theo luật về tội phạm tình dục, vì có ý định cưỡng hiếp và giam người trái phép". Ông cung cấp thêm rằng, một nữ nhân viên 32 tuổi của khách sạn Sofitel New York tố cáo Strauss-Kahn đã tấn công khi cô bước vào phòng của ông này vào buổi chiều theo giờ địa phương, hôm qua.

Nạn nhân nói với cảnh sát rằng cô đã được yêu cầu dọn căn phòng sang trọng có giá 3.000 USD một đêm mà giám đốc IMF ở và khi đó được thông báo đã trống. Nhưng bất thình lình, Strauss-Kahn bước ra từ phòng tắm trong tình trạng không mảnh vải trên người và đuổi theo người nữ phục vụ để lôi cô vào phòng ngủ với ý định cưỡng hiếp.

Cũng theo lời kể của nữ nạn nhân trên, sau khi vùng được ra khỏi giường cô tiếp tục bị giám đốc IMF lôi vào phòng tắm để cưỡng ép và lột quần áo. Tại đây một lần nữa cô gái này tìm cách thoát được ra ngoài và kể lại với các nhân viên khách sạn về những gì đã xảy ra. Sau đó họ cùng báo cảnh sát.

Khi cảnh sát New York tới, Strauss-Kahn đã rời khách sạn và để lại chiếc điện thoại di động trong phòng. Phát ngôn viên cảnh sát Paul J. Browne nhận định giám đốc IMF đi khỏi khách sạn rất vội vã. Sau đó cảnh sát phát hiện Strauss-Kahn đang có mặt tại sân bay và lập tức can thiệp, để áp giải người đứng đầu IMF khỏi khoang hạng nhất của chiếc máy bay Air France vào cuối giờ chiều hôm qua.

Cử tri Pháp vẫn sẽ bầu cho Dominique Strauss-Kahn?

Tờ Guardian nhận định, vụ scandal này không làm ảnh hưởng nhiều đến thanh danh của DSK (tên tắt của Dominique Strauss-Kahn). Cử tri Pháp vẫn sẽ dành lá phiếu cho DSK trong cuộc tranh cử tổng thống Pháp 2012. Vì “mê gái đã trở thành văn hóa dân gian” tại nước này.

Phụ nữ Pháp không lạ gì những thói hư tật xấu của các chính khách. DSK đã từng có quan hệ ngoài luồng với Piroska Nagy, một chuyên viên kinh tế Hungary làm việc tại IMF năm 2008. Tuy vậy, cuộc điều tra độc lập sau đó kết luận mối quan hệ này là “đồng thuận”. Tháng 10.08, ban điều hành IMF đã phải ra thông báo về việc “không có cáo buộc về việc lạm dụng tình dục với tổng giám đốc. Tuy vậy, ông ấy đã xin lỗi về vụ lùm xùm đáng tiếc”.

Khi đó, chính DSK phải thừa nhận: "Mọi hành vi cá nhân của tổng giám đốc rất quan trọng và có thể ảnh hưởng đến thể chế của IMF. Tôi cam kết đáp ứng sự kỳ vọng của mọi người về vị trí này". Thời điểm đó, ông vẫn đang là chồng của Anne Sinclair, một người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng của Pháp.

Báo chí Pháp đã đặt biệt danh cho DSK là “người quyến rũ tuyệt vời". Ngay cả Anne Sinclair, người vợ của ông trong 20 năm, cũng rất thực tế: "Điều quan trọng với một chính trị gia là có khả năng quyến rũ".

Ngoài chuyện quan hệ linh tinh, DSK từng bị chỉ trích vì lối sống xa hoa vì sở hữu những chiếc siêu xe và dinh thự hoành tráng. Trong lúc kinh tế đi xuống, sức mua thấp, DSK vẫn xuất hiện với những chiếc Porsche bóng loáng, bất kể thiên hạ dị nghị.

Toàn cảnh vụ Giám đốc IMF bị bắt tại Mỹ vì quấy rối tình dục ảnh 2
Dominique Strauss-Kahn và vợ, nhà báo-cựu ngôi sao truyền hình thời sự Pháp, Anne Sinclair

Cử tri tại Pháp có khuynh hướng tách bạch cuộc sống tình dục của chính trị gia và định hướng chính trị của họ. Chẳng hạn, năm 2007, cử tri không quan tâm đến cuộc hôn nhân thất bại của ông Sarkozy. Ông Chirac đã từng bị cáo buộc lừa dối vợ Bernadette Chirac nhưng chẳng khiến dư luận chao đảo. Công luận tại Pháp khác với tại Mỹ và Anh – nơi các vụ scandal tình dục có thể khiến chính khách “thanh bại danh liệt”.

Dù DSK có chứng nào tật nấy, người ta vẫn đề cao DSK vì ông ấy là thành viên chủ chốt của một đảng chính trị lớn, là cựu bộ trưởng tài chính, đã giúp chính phủ Pháp và IMF vượt qua giai đoạn khủng hoảng tài chính. DSK vẫn sẽ là một ứng cử viên hợp pháp và là đối thủ nặng ký của đương kim tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy trong cuộc bầu cử năm 2012, cho dù ông ta có tiếp tục quấy rầy một cô phục vụ phòng trong một khách sạn nào đó.

Tiểu sử Dopminique Strauss-Kahn

Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn được nhận mức lương 500.000 USD mỗi năm (gồm lương 420.930 USD và khoản phụ cấp 75.350USD), nhiều nguồn tin nói mức thu nhập này cao hơn lương của Tổng thống Mỹ George Bush 20%, và gấp 6 lần của Tổng thống Nga Putin.

Ngoài ra, ông Strauss-Kahn được hưởng chế độ đi lại hạng nhất và hưởng lương hưu của IMF cả đời sau khi kết thúc công việc tại Quỹ. Đây là lần đầu tiên IMF công bố các ưu đãi đối với nhà lãnh đạo của mình.

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, người đã đề cử ông Strauss-Kahn vào vị trí giám đốc IMF, có mức lương 346.000 USD mỗi năm. Tổng thống Nga Putin nhận 84.000 USD mỗi năm, thấp nhất trong các nguyên thủ khối G8.

Ông Dominique Strauss-Kahn, cựu bộ trưởng tài chính Pháp,  chính thức bắt đầu nhiệm kỳ 5 năm trên cương vị giám đốc điều hành IMF từ ngày 1.11.2007, thay thế người tiền nhiệm Rodrigo Rato. Ông Dominique Strauss-Kahn từng là ứng cử viên của đảng Xã hội trong cuộc tranh cử tổng thống Pháp năm 2007.

Ông Strauss-Kahn, thành thạo cả tiếng Anh và tiếng Đức. Ông tạo dựng danh tiếng nhờ quãng thời gian gian giữ chức bộ trưởng Tài chính Pháp từ năm 1997-1999 dưới thời thủ tướng Lionel Jospin và hiện là nhân vật có uy tín trong ban lãnh đạo đảng Xã hội cánh tả tại Pháp.

Theo trang Asia Sentinel, từ khi được bầu chọn làm tổng giám đốc IMF đầu tháng 11.2007 đến nay, uy tín của ông Dominique Strauss-Kahn không ngừng lên cao. Trong vai trò một quan chức toàn cầu, ông đã lèo lái thành công IMF, xử lý đúng đắn vai trò của tổ chức tiền tệ này trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 và nhất là khủng hoảng nợ công ở châu Âu mới đây.
Ông Strauss-Kahn đã giành được cảm tình của 27 thành viên Liên minh châu Âu cùng với Mỹ, châu Á và châu Phi, trong đó quan trọng nhất là Trung Quốc - siêu cường kinh tế mới của thế giới mà nước Pháp đang nỗ lực kết thân.

Theo Liberation, VNE, SGTT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm