Tổng thống Duterte cảnh cáo lính Mỹ rút khỏi nam Philippines

Ngày 12-9, phát biểu trong một buổi lễ nhậm chức của một số quan chức mới, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cảnh cáo lính Mỹ rút ra khỏi vùng Mindanao ở miền nam Philippines.

Năm 2002, Mỹ triển khai lực lượng đặc nhiệm đến TP Zamboanga, vùng Mindanao để huấn luyện và cố vấn lính Philippines đánh nhóm phiến quân Hồi giáo Abu Sayyaf có liên quan với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Đây là một phần của chiến lược chống khủng bố toàn cầu của Mỹ.

Lý do, theo tổng thống Duterte, lực lượng đặc nhiệm Mỹ ở Mindanao là mục tiêu béo bở bắt cóc đòi tiền chuộc của nhóm Abu Sayyaf.

“Lực lượng đặc nhiệm này cần phải rời đi. Tôi không muốn có bất hòa với Mỹ, nhưng họ phải rời đi. Chúng sẽ giết họ, chúng sẽ bắt cóc họ để đòi tiền chuộc.” Reuters dẫn lời Tổng thống Duterte.

“Tình hình Mindanao sẽ còn xấu hơn. Chúng rất ghét người Mỹ. Nếu người Mỹ còn ở đây, bất kể Mỹ trắng hay Mỹ đen, họ cũng sẽ bị giết.”

Từ năm 2002 đến nay đã có một số lính đặc nhiệm Mỹ bị giết ở miền nam Philippines.

Tổng thống Duterte lo ngại sự hiện diện của lính Mỹ ở đây có thể làm phức tạp các chiến dịch chống Abu Sayyaf mà chính phủ Philippines đang đẩy mạnh. Theo ông, chính sự hiện diện của lính Mỹ đã khiêu khích Abu Sayyaf hiếu chiến hơn.

Mỹ kết thúc chương trình huấn luyện lính Philippines từ năm 2015, tuy nhiên hiện vẫn còn một số ít lính đặc nhiệm Mỹ ở miền nam Philippines làm công tác hỗ trợ hậu cần và kỹ thuật. Mỹ đã chuyển phần lớn trọng tâm an ninh của mình tại Philippines vào vấn đề biển Đông.

Trong bài phát biểu, Tổng thống Duterte cũng nhắc lại vụ thảm sát Bud Dajo, chỉ trích Mỹ đã giết hại người Hồi giáo ở đảo Jolo hơn một thế kỷ trước.

Tổng thống Duterte trưng hình ảnh và chỉ trích lính Mỹ giết hại người Hồi giáo trong quá trình xâm chiếm Philippines đầu thế kỷ 20.

Tổng thống Duterte trưng hình ảnh và chỉ trích lính Mỹ giết hại người Hồi giáo trong quá trình xâm chiếm Philippines đầu thế kỷ 20. Ảnh: AFP

Ông trưng ra một bức ảnh chụp lính Mỹ đứng bên cạnh đống xác người thuộc nhóm phiến quân Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro và dân thường trong đó có cả nhiều phụ nữ không mặc quần áo. Vụ thảm sát xảy ra ở đảo Jolo năm 1906, khoảng 1.000 người Hồi giáo Philippines đã bị giết.

“Hãy nhìn những thi thể này... Chừng nào chúng ta còn hợp tác với Mỹ, chúng ta sẽ không bao giờ có được hòa bình ở vùng đất này. Có lẽ chúng ta phải từ bỏ.”

Ông Ernesto Abella, người phát ngôn tổng thống Philippines nhận định những lời lẽ này cho thấy Tổng thống Duterte đang hướng tới một chính sách đối ngoại độc lập, và sẵn sàng phá vỡ bức tường che đậy các góc tối trong quan hệ giữa Philippines và Mỹ.

Đại sứ quán Mỹ tại Philippines chưa bình luận.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm