Tổng thống Trump chuẩn bị quyết đấu với IS

Tổng thống Donald Trump và Mỹ đang chuẩn bị cho một cuộc quyết đấu với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), thực hiện cam kết của ông Trump lúc tranh cử.

1.000 quân thiện chiến

Hãng tin Reuters dẫn thông tin từ một số quan chức Mỹ cho biết Mỹ đang tính triển khai khoảng 1.000 quân sang Kuwait như một lực lượng dự bị hỗ trợ đánh IS ở Iraq và Syria. Số quân này chỉ còn chờ cái gật đầu của các lãnh đạo quân đội Iraq và Syria là sẽ lập tức chuyển quân từ Kuwait tiến vào hai nước này để hỗ trợ đánh IS. Hãng tin AP dẫn lời nguồn tin quan chức cấp cao cho biết Mỹ vừa triển khai tạm thời 200 lính thủy đánh bộ cùng pháo hạng nặng đến Bắc Syria để hỗ trợ đánh Raqqa, một bước đi tương tự như chiến dịch vây đánh thành trì Mosul (Iraq) năm 2016.

Đây là lần triển khai quân thứ hai của Mỹ đến Syria chỉ trong vài ngày. Trước đó, Mỹ cũng triển khai tạm thời 100 lính biệt kích đến ngoại ô Manbij (tỉnh Aleppo, Syria) để hỗ trợ lực lượng địa phương chống IS. Nhiệm vụ của đội biệt kích này là thăm dò hoạt động IS chứ không phải huấn luyện, cố vấn lực lượng địa phương.

Lính biệt kích Mỹ tuần tra ngày 7-3 bằng xe bọc thép tại thị trấn Manbij (Syria), điểm nóng xung đột giữa quân Thổ Nhĩ Kỳ và phiến quân người Kurd do Mỹ hậu thuẫn. Ảnh: AP

Mở thêm đường cho Lầu Năm Góc

Các động thái này là dấu hiệu cho thấy Tổng thống Trump đang muốn cho phép Bộ Quốc phòng rộng tay và linh động hơn trong quyết định đánh IS mà không cần phải chờ Nhà Trắng phê duyệt. Việc triển khai sẵn quân sang Kuwait sẽ giúp các tư lệnh quân đội Mỹ tại khu vực chủ động hơn, có thể phản ứng nhanh hơn với các cơ hội và thách thức trên các chiến trường đánh IS. Đây là điểm khác với chính phủ Obama từng bị cho là quản lý quá chặt và tiểu tiết trong cuộc chiến chống IS.

Hai tháng nay, liên quân các nước chống IS do Mỹ dẫn đầu đã tăng lượng kỷ lục số vụ không kích nhắm vào IS. Chỉ trong chín tuần, liên quân đã thả 7.494 quả bom, tên lửa xuống Iraq và Syria, tăng gần 50% so với cùng thời gian năm ngoái - 5.025 quả và tăng gần gấp đôi so với cùng thời gian năm 2015 - 4.100 quả. Nhiều chuyên gia cho rằng các đợt không kích là để dọn đường cho các chiến dịch trên bộ.

Theo các quan chức này, các bước đi này là một phần chiến lược đánh IS mà Bộ Quốc phòng đã trình chính phủ Trump cuối tháng 2. Nhà Trắng không thông báo chi tiết kế hoạch này. Tuy nhiên, dựa theo các động thái gần đây, nhiều nhà phân tích nhận định Mỹ vẫn sẽ không đưa quân đánh trực tiếp IS, dù tăng triển khai quân nhưng vẫn sẽ giữ vai trò cố vấn, huấn luyện. Thay vào đó, Mỹ sẽ có một số điều chỉnh cho phép các chỉ huy linh động hơn trong tăng mật độ không kích hay điều quân hỗ trợ các lực lượng địa phương.

Dù thế nào cũng có một vấn đề rõ ràng, tái chiếm thành công Raqqa hay Mosul không có nghĩa cuộc chiến chống IS sẽ kết thúc. Tờ The New York Times dẫn thông tin tình báo Mỹ ngày 8-3 cho biết nhiều thủ lĩnh IS đang rời khỏi Raqqa và đang có kế hoạch lập căn cứ ở một số nơi khác ở Syria và Iraq để đánh liên quân chứ không chỉ Raqqa và Mosul. Mỹ và các đồng minh sẽ phải cần một kế hoạch tổng thể mới mong tiêu diệt được tận gốc IS.

Theo giới hạn hiện tại đặt ra thời chính phủ Obama, số binh sĩ Mỹ ở Syria trong một thời điểm không được vượt quá 503. Tuy nhiên, số quân triển khai tạm thời không bị tính vào giới hạn này. Mỹ hiện có khoảng 6.000 binh sĩ ở Iraq và Syria, chủ yếu làm công tác huấn luyện và cố vấn.

Theo AP, việc Mỹ công khai nói về các lần triển khai quân này được cho là bất thường, tuy nhiên nhằm tránh nguy cơ bị tấn công từ các lực lượng chiến đấu trong khu vực như lực lượng tay súng người Kurd (YPG), Nga, Syria.

_______________________________

60.000 tay súng IS đã bị tiêu diệt trong hai năm qua và ước tính IS đang có ít nhất 15.000 tay súng ở cả Iraq và Syria.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm