Tranh cãi chuyện xử lý người không chịu tiêm vaccine ngừa COVID-19

Sự hoành hành của đại dịch COVID-19 và biến thể Delta nguy hiểm đã buộc các nước khẩn trương phủ sóng tiêm chủng. Tuy nhiên, mục tiêu này không dễ đạt được khi ở nhiều nước tốc độ tiêm chủng đã chậm lại vài tháng nay và vẫn chưa có dấu hiệu được đẩy nhanh. Trong nỗ lực đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, nhiều nước đã phải đề ra hàng rào quy định, thậm chí tính đến chuyện xử lý người không chịu tiêm ngừa dù cơ thể đủ điều kiện tiếp nhận vaccine.

Nhân viên y tế Trung Quốc tiêm chủng cho người dân trong khuôn viên Trường ĐH Sơn Đông thuộc TP Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông hồi tháng 3. Ảnh: REUTERS

Nhiều rào cản với người không tiêm vaccine

Ngày 25-8, tờ The New York Times đưa tin chính quyền của ít nhất 12 TP ở Trung Quốc (TQ) cảnh báo rằng người nào từ chối tiêm vaccine ngừa COVID-19 sẽ bị quy trách nhiệm và xử lý theo pháp luật nếu bị phát hiện làm lây lan dịch bệnh cho người khác. Hiện chưa rõ các biện pháp xử lý, mức phạt cụ thể thế nào.

Tuy nhiên, theo The New York Times, ở một số TP của tỉnh Hồ Bắc, trước mắt những người từ chối tiêm vaccine mà không vì lý do y tế sẽ bị trừ điểm trong hệ thống chấm điểm công dân (điểm tín dụng xã hội). Ở TQ nếu điểm công dân thấp dưới ngưỡng cho phép sẽ bị hạn chế các dịch vụ xã hội như y tế, giáo dục, giao thông công cộng, thậm chí là không thể xin được việc.

Ở Mỹ, vì đặc thù thể chế và văn hóa nên nước này không thể đưa ra cảnh báo xử lý đối với những người từ chối tiêm vaccine như cách TQ làm, song chính quyền các bang đã có nhiều bước đi cứng rắn để giải quyết tình trạng này. Đơn cử như Thống đốc bang California - ông Gavin Newsom vừa ra lệnh yêu cầu hơn 260.000 nhân sự làm việc trong chính quyền bang phải tiêm vaccine, đeo khẩu trang và xét nghiệm COVID-19 thường xuyên, nếu không sẽ bị cho thôi việc. Lệnh cũng được áp dụng cho cả nhân viên y tế làm việc trong các cơ sở y tế và viện dưỡng lão công lẫn tư trong bang California.

Thống đốc các bang New York, Colorado, Illinois, Maine và Maryland sau đó cũng ra lệnh tương tự, những bang còn lại thì đang cân nhắc. Riêng TP New York thuộc bang New York còn đi một bước xa hơn khi yêu cầu cư dân ở đây phải có giấy chứng nhận tiêm vaccine ngừa dịch COVID-19 đầy đủ trước tháng 9 nếu muốn tham gia vào các hoạt động ngoài trời, nơi đông người.

Ngoài Mỹ, ít nhất năm nước phương Tây khác là Anh, Ý, Pháp, Úc và Hungary đã ra lệnh bắt buộc tiêm vaccine đầy đủ trên phạm vi toàn quốc. Anh bắt buộc công dân phải có chứng nhận tiêm đầy đủ nếu muốn tham gia hoạt động ngoài trời, nơi đông người. Bốn nước còn lại yêu cầu nhân viên y tế và người làm trong môi trường dễ bị phơi nhiễm phải tiêm đầy đủ.

Châu Á - Thái Bình Dương đang trở thành điểm nóng của thế giới khi chiếm 10% tổng số ca nhiễm mới và hơn 8% ca tử vong toàn cầu trong tháng 8.

Ông TAKESHI KASAI, Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương 

Tranh cãi chưa hồi kết

Bắt buộc hay không bắt buộc tiêm vaccine, xử lý hay không xử lý người từ chối tiêm vaccine đang là đề tài tranh cãi kịch liệt trong giới học giả bởi nó chạm đến nhiều vấn đề về đạo đức.

Trong bài viết mới đây trên tạp chí Slate, chuyên gia Joshua Stein thuộc ĐH Connecticut (Mỹ) nhận định cần phải hiểu lập trường của những người ủng hộ bắt buộc tiêm và xử lý người từ chối tiêm chủ yếu xuất phát từ việc họ không muốn dịch tiếp tục kéo dài chỉ bởi vì một nhóm thiểu số đặt quyền lợi cá nhân lên trên lợi ích xã hội.

“Mỗi ngày có hàng trăm, hàng ngàn người chết vì COVID-19 vì vaccine vẫn chưa đạt độ phủ cần thiết. Quả thực việc xử lý những người từ chối tiêm vaccine có thể bị xem là phi đạo đức và vi phạm quyền tự do cá nhân của họ nhưng giữa việc để số người chết tiếp tục tăng lên và làm như vậy thì bên nào phi đạo đức hơn bên nào? Chúng ta không còn nhiều thời gian để chần chừ nữa” - theo ông Stein.

Ông Stein cũng nhấn mạnh với tốc độ tiêm chủng hiện nay của thế giới thì rất khó để đạt tỉ lệ 80%-90% dân số toàn cầu được tiêm đầy đủ trong năm sau hoặc thậm chí đến đầu năm 2023. Do đó, việc bắt buộc tiêm vaccine là cần thiết và xử lý những người không chịu tiêm là thỏa đáng.

“Việc xử lý không nhất thiết phải là ngồi tù hay đóng phạt mà chỉ cần hạn chế những đối tượng như vậy tham gia vào các hoạt động có thể gây lây nhiễm dịch, làm ảnh hưởng sức khỏe người khác. Ngoài ra, những người này cũng cần ký xác nhận sẽ tự chịu mọi chi phí điều trị COVID-19 nếu không may bị lây nhiễm” - ông Stein nêu quan điểm.

Ở chiều ngược lại, trả lời phỏng vấn trang tin The Conversation, GS Julian Savulescu thuộc ĐH Oxford (Anh) cho rằng dù thế giới hiện nay đúng là đang rơi vào tình trạng báo động do dịch COVID-19 thì cũng không nên vi phạm một trong những tín điều cơ bản của y khoa, đó là tôn trọng quyền độc lập, tự quyết của con người.

“Việc của chúng ta là phải nỗ lực tuyên truyền để giúp ai cũng có thể tự đưa ra lựa chọn hợp lý nhất trong hoàn cảnh của họ chứ không phải bắt họ làm theo ý mình là được” - bà Savulescu nói. Chuyên gia này khẳng định đây không phải là lúc để xem ai phải chịu trách nhiệm và ai phải bị xử lý mà là tìm cách để vừa chống dịch hiệu quả vừa đảm bảo được các quyền cơ bản của người dân.

“Những cách xử lý cực đoan, tiêu cực như kiểu không cho họ sử dụng các dịch vụ công chỉ càng cô lập những người không muốn tiêm vaccine và càng khó thuyết phục hơn về sau. Nhiệm vụ của xã hội không phải là lo cho đa số mà phải là lo cho tất cả mọi người, kể cả lúc họ làm đúng lẫn lúc họ sai lầm” - bà Savulescu cho biết thêm.

Về hướng giải quyết, bà Savulescu cho rằng đánh mạnh vào tuyên truyền, ngăn chặn tin giả và nỗ lực minh bạch hóa càng nhiều càng tốt các thông tin về vaccine vẫn là cách tiếp cận tốt nhất và nhân văn nhất. Ngoài ra, cũng có thể bổ sung những lợi ích nhất định cho những người tiêm vaccine như được miễn một số loại thuế nhất định.•

 

Tỉ lệ tiêm vaccine 2 mũi ở Anh, Mỹ vẫn chưa đạt 70%

Ở phương Tây, việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine càng được đặc biệt quan tâm bởi nhiều nước như Anh, Mỹ đã mở cửa lại gần như hoàn toàn, còn một số nước thì đang lên kế hoạch mở cửa vào cuối năm nay. Tỉ lệ phần trăm dân số được tiêm đủ hai liều ở khu vực này trung bình khoảng 50%-60%, đứng hàng đầu thế giới nhưng vẫn chưa chạm tới ngưỡng 70% theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và chắc chắn sẽ không giúp tránh được kịch bản bùng dịch do biến thể Delta gây ra. Mỹ hiện cũng đã bắt đầu tăng mạnh ca nhiễm mới, từ đầu tháng 8 đến nay, ca nhiễm mới trong ngày luôn vượt mốc 100.000.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm