‘Triều Tiên có thể đẩy Nhật tìm tới vũ khí hạt nhân’

Sáng 29-8, Triều Tiên đã phóng một tên lửa bay qua đảo Hokkaido của Nhật Bản, sau đó vỡ thành ba mảnh và rơi cách đất liền Nhật Bản 1.180 km. Tên lửa này bay được hơn 2.700 km trong 14 phút, với độ cao tối đa đạt khoảng 550 km. Bộ Quốc phòng Mỹ xác nhận đây là một tên lửa đạn đạo tầm trung, có thể là Hwasong-12.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gọi đây là “mối đe dọa nghiêm trọng chưa từng có” với Nhật Bản. Nếu tính từ năm 2011, tức thời điểm ông Kim Jong-un lên nắm quyền Triều Tiên, chưa từng có một tên lửa nào của Bình Nhưỡng bay qua lãnh thổ Nhật Bản, trừ vụ phóng hôm 29-8.

Trả lời phỏng vấn Sputnik ngày 30-8, Jonathan Clarke, một cựu nhà ngoại giao của Anh và là học giả về chính sách ngoại giao tại Viện CATO (Mỹ), nhận định vụ phóng mới nhất của Triều Tiên có thể là nhân tố khiến Nhật Bản có các động thái mạnh mẽ hơn.

Ảnh được hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA công bố ngày 30-8 cho thấy một vụ thử tên lửa đạn đạo tầm trung của nước này. Ảnh: KCNA

Bộ Quốc phòng Nhật Bản đánh giá tên lửa của Triều Tiên có tầm bắn tối đa 5.000 km. Tuy nhiên, với đoạn đường chỉ bằng một nửa con số này trong vụ phóng hôm 29-8, Triều Tiên có thể đã cố tình làm ngắn đoạn đường bay bằng việc giảm lượng nhiên liệu chẳng hạn.

Tokyo nói rằng nước này đã không bắn hạ tên lửa Triều Tiên vì không phát hiện mối đe dọa nào đối với lãnh thổ Nhật Bản. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng những gì diễn ra hôm 29-8 đặt ra câu hỏi liệu Nhật Bản thật sự có đủ năng lực để bảo vệ lãnh thổ nước này trước các tên lửa như vậy hay không.

Các nhà phân tích cho rằng Nhật Bản có thể đã cố bắn rơi tên lửa Triều Tiên nếu các tàu khu trục có mang hệ thống phòng thủ Aegis (được trang bị các tên lửa đánh chặn SM3 Block I) đang hoạt động ở vùng biển nằm giữa Nhật Bản và Triều Tiên. Tuy nhiên, vì SM3 chậm hơn Hwasong-12, Nhật Bản phải bắn các tên lửa đánh chặn vào thời điểm trước khi Hwasong-12 bay qua khu trục hạm của Nhật.

Triều Tiên được cho là đang cố gắng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để gắn lên tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Ảnh minh họa: AP

“Nhật Bản có thể bị kích động phải mở tủ hạt nhân và lấy ra chiếc tua vít của họ để phát triển vũ khí hạt nhân” - ông Clarke cảnh báo.

Bất chấp lời kêu gọi và áp lực của cộng đồng quốc tế, Triều Tiên không chịu từ bỏ chương trình hạt nhân của nước này. Hồi tháng 7, nước này đã cho thấy các bước tiến khi phóng liên tiếp hai tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Nếu Bình Nhưỡng thu nhỏ được đầu đạn hạt nhân và làm chủ công nghệ tái xâm nhập, tên lửa nước này sẽ là mối đe dọa nguy cấp không những với Nhật mà còn Mỹ và nhiều đồng minh của Washington.

Ông Clarke cũng cảnh báo Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in có thể sẽ phản ứng với các động thái khiêu khích của Triều Tiên bằng việc tăng cường quân sự dọc vĩ tuyến 38 chia cắt hai miền Triều Tiên. Ngay trước vụ phóng của Triều Tiên hôm 29-8, ông Moon đã yêu cầu quân đội nước này tăng cường cải cách để đối phó mối đe dọa từ Bình Nhưỡng.

Theo vị chuyên gia, động thái phóng tên lửa ngày 29-8 của Triều Tiên đã phá tan hy vọng của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson về việc giảm căng thẳng giữa Washington và Bình Nhưỡng. Phản ứng khả thi nhất của Mỹ hiện nay sẽ là tăng cường các biện pháp trừng phạt kinh tế lên Bình Nhưỡng, tăng áp lực ngoại giao và tìm kiếm sự giúp đỡ của Trung Quốc.

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm 29-8 cũng đã bắt đầu các phiên tham vấn kín về vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên theo yêu cầu của Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm