Triều Tiên ‘đu dây’ giữa Mỹ và Trung Quốc?

Ngay sau cuộc gặp thành công rực rỡ với Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tiếp tục chuyến thăm thứ ba trong vòng ba tháng tới Trung Quốc (TQ) để gặp Chủ tịch Tập Cận Bình. Những chuyển biến ngoại giao mang tính “lịch sử” giữa ba bên: Một bên là Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản; bên thứ hai là TQ, Nga; và trung tâm là Triều Tiên trong những ngày qua dường như cho thấy Bình Nhưỡng đang từng bước tiến hành “ngoại giao đu dây” giữa các thế lực lớn.

Xích lại gần phương Tây “hơn bao giờ hết”

Phải khẳng định Triều Tiên thời ông Kim Jong-un đã chứng kiến quá trình ngoại giao đa dạng, cởi mở và nhộn nhịp nhất từ trước đến nay với phương Tây. Với Mỹ, thượng đỉnh Singapore không phải là dấu ấn duy nhất. Triều Tiên đã thực hiện gần như tất cả cam kết mà trước đây hai bên đã không thể “nói chuyện” sòng phẳng.

Trước thượng đỉnh, Triều Tiên thả ba tù nhân Mỹ; bí mật gặp Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo; tuyên bố ngừng thử hạt nhân, tên lửa đạn đạo tầm xa và đóng cửa bãi thử hạt nhân Punggye-ri; cử phó chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên đến Mỹ gặp Tổng thống Trump.

Sau khi đạt được thỏa thuận bốn điểm tại Singapore, Triều Tiên khởi động lại tiến trình trao trả hài cốt quân nhân Mỹ và đồng minh mất tích khi tham chiến tại bán đảo Triều Tiên hơn nửa thế kỷ trước. Điều rất quan trọng là ông Kim và ông Trump, theo Reuters, đã thiết lập “đường dây nóng” để thảo luận trực tiếp các vấn đề ngoại giao và thực thi cam kết song phương trong thời gian tới.

Theo tuyên bố của hai bên, có thể thấy những thành quả trên chỉ là bề nổi của một quá trình lâu dài mà cả hai hướng tới: Triều Tiên giải trừ hạt nhân “hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược”; trong khi Mỹ (và thế giới) đối xử với Triều Tiên như một “quốc gia bình thường” với việc gỡ bỏ hoàn toàn các chương trình cấm vận và thúc đẩy hợp tác.

Ở cấp độ quốc tế, Triều Tiên chắc chắn không mong một viễn cảnh tương tự việc Liên Hiệp Quốc trừng phạt nước này bằng các lệnh cấm vận, trong khi rất ít các quốc gia dám “vượt mặt” Mỹ (ngoại trừ Nga) để giúp đỡ Bình Nhưỡng. Ở cấp độ quốc gia, Triều Tiên qua nhiều năm đóng cửa và bị cấm vận đã kiệt sức, nhất là khi hỗ trợ từ Nga, TQ cũng trở nên hạn hữu và cả hai năm 2017 đều ủng hộ Liên Hiệp Quốc trừng phạt Triều Tiên.

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un trở về từ Singapore hôm 12-6. Ảnh: REUTERS

Trong vai trò cá nhân, nhà lãnh đạo trẻ tuổi trải qua nền giáo dục phương Tây dường như đang khát khao thay đổi hình ảnh một nhà lãnh đạo “bị thế giới chê trách”, gánh vác một đất nước “bị thế giới quay lưng”. Nhà lãnh đạo 34 tuổi dám thẳng tay thay thế các quan chức chóp bu gạo cội có xu hướng “bàn ra” trước thềm thượng đỉnh Trump-Kim phần nào phản ánh mức độ quyền lực và trưởng thành hơn trên chính trường.

Trong khi đó, Mỹ mà đúng hơn là cá nhân ông Trump đang cần một “chiến thắng lịch sử”, chí ít là về mặt biểu hiện so với tiền nhiệm sau khi bị chỉ trích thất bại ở châu Mỹ, châu Âu và cả châu Á (nhất là trước TQ, Nga và tại Trung Đông). Điều đó thôi thúc ông Trump sẵn sàng gặp ông Kim ngay cả khi thời gian đầu, dường như Mỹ còn chưa có bất kỳ ý niệm nào về nội dung của thượng đỉnh mà ông Trump gọi là “lịch sử”.

Vai trò cầu nối của Hàn Quốc và Nhật Bản

Hàn Quốc và Nhật Bản, cùng phía với Mỹ, lại có động lực rõ ràng hơn khi thúc đẩy Mỹ-Triều làm hòa. Vai trò cầu nối năng động nổi bật của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in được đánh giá là “then chốt” trong thành công Trump-Kim.

Trong cuộc phỏng vấn với giới truyền thông Nga tại Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc trước khi lên đường tới thăm chính thức Nga vào hôm nay (21-6), ông Moon nói khi một chế độ hòa bình được thiết lập trên bán đảo Triều Tiên, hợp tác kinh tế liên Triều cũng sẽ được kích hoạt và nó sẽ liên quan tới hợp tác kinh tế cùng Nga”. Việc chủ động kéo Nga vào tiến trình hòa bình bán đảo Triều Tiên, một mặt thể hiện thiện chí của Hàn Quốc với Triều Tiên một phần trấn an Bình Nhưỡng trong quá trình phi hạt nhân hóa.

Trong khi đó, Nhật Bản cũng sốt sắng trong việc hỗ trợ Triều Tiên thực hiện cam kết giải trừ hạt nhân. Hãng thông tấn Kyodo cho biết Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã bày tỏ Tokyo sẵn sàng hỗ trợ những chi phí ban đầu liên quan đến hoạt động thanh sát của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đối với tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên.

Ngoài ra, Nhật Bản cũng có kế hoạch hỗ trợ các khoản kinh phí cần thiết để vô hiệu hóa các cơ sở hạt nhân và vận chuyển các vật liệu hạt nhân của Bình Nhưỡng. Đặc biệt, hãng Kyodo còn cho biết chính phủ Nhật Bản đang thu xếp để triệu tập một cuộc họp thượng đỉnh bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào tháng 9 tới đây tại Mỹ.

Ông Kim Jong-un hiểu rằng việc trở thành một quốc gia bình thường hóa với phương Tây sẽ rất cần các “tàu con thoi” ngoại giao như Hàn Quốc, Nhật Bản; trong khi lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc luôn xem giải trừ hạt nhân của Triều Tiên là ưu tiên hàng đầu về an ninh.

Ấm lại quan hệ với Nga-Trung

Ông Kim Jong-un với nhận thức địa chính trị lẫn lợi ích kinh tế sẽ không vì phương Tây mà quay lưng với Nga, TQ. Tất nhiên ở chiều ngược lại, Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình cũng không để bị “loại khỏi” tiến trình phi hạt nhân hóa, lập lại hòa bình ở bán đảo Triều Tiên khi điều đó ảnh hưởng vị thế, lợi ích trực tiếp của hai nước.

TQ chắc chắn muốn biến Triều Tiên thành một lá bài của mình trong đối đầu với Phương Tây hơn là bình đẳng với Bình Nhưỡng. Nắm được Triều Tiên, Bắc Kinh có ưu thế hơn trong việc mặc cả với Mỹ về đối đầu thương mại, vấn đề Đài Loan hay biển Đông. Thế nên TQ dù không muốn Triều Tiên qua mặt trong phát triển vũ khí hạt nhân (có thể đe dọa ngược Bắc Kinh) nhưng cũng không muốn Triều Tiên loại bỏ khả năng tái lập cơ sở hạt nhân trong bàn đàm phán với Mỹ.

Chuyến thăm của ông Kim đến TQ sau thượng đỉnh Trump-Kim cho thấy Triều Tiên “hiểu chuyện”. Đó là chưa kể hai cuộc gặp Tập-Kim trước thềm thượng đỉnh Singapore và ông Kim đến gặp Trump trên phi cơ của TQ cho thấy Bình Nhưỡng không có ý loại bỏ Bắc Kinh ra khỏi bàn đàm phán với Mỹ. Triều Tiên cần TQ giúp đỡ về kinh tế lẫn quân sự và nhất là “chỗ dựa tinh thần” khi thương thuyết với Mỹ chỉ trên giấy tờ, chưa thấy chuyển biến tích cực nhiều ở thực tiễn.

Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 14-6, trong buổi tiếp Chủ tịch Đoàn chủ tịch HĐND Tối cao Triều Tiên Kim Yong-nam tại thủ đô Moscow đã chính thức mời nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tới thăm Nga vào tháng 9 năm nay. Nga là quốc gia đã âm thầm giúp đỡ Triều Tiên khi lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đang đẩy Bình Nhưỡng vào thế đường cùng.

Hơn thế nữa, là một trong năm thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, đúng như ông Vladimir Jabbarov, Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Đối ngoại của Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga, nói “vấn đề hạt nhân Triều Tiên sẽ không thể thiếu vai trò Nga”. Nga tỏ ra linh hoạt, mềm dẻo và kiên nhẫn hơn Mỹ trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên thời gian qua, đó cũng là thông điệp của Moscow chống lại các biện pháp trừng phạt từ phương Tây do Mỹ đứng đầu dựng nên đối phó Nga trong nhiều năm, đặc biệt sau sự kiện Crimea 2014.

Việc “qua Tây rồi lại về Đông” của ông Kim Jong-un là chỉ dấu cho sự chuyển mình trong ngoại giao của Bình Nhưỡng - linh hoạt hơn và trung lập hơn trong việc chơi chung nước lớn. Tất nhiên, nếu đó là sự thật thì Triều Tiên không phải là nước đầu tiên và duy nhất hiện nay đang áp dụng hình thức “ngoại giao đu dây” giữa hai miền Đông-Tây.

Dù có những thay đổi trong tình hình thế giới và khu vực, lập trường quả quyết của đảng và chính phủ Trung Quốc trong việc tận lực xây dựng sự đoàn kết và phát triển quan hệ Trung Quốc-Triều Tiên sẽ không thay đổi.

Chủ tịch TẬP CẬN BÌNH 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm