Trong khi Croatia ngãng ra, Romania sẵn sàng nhận thêm quân NATO đối phó Nga

Hôm 26-1, Tổng thống Romania - ông Klaus Iohannis cho biết chính quyền nước này đang đàm phán với Mỹ và Pháp về vấn đề tăng cường quân lính của hai đồng minh này ở Romania. Đồng thời, Tổng thống Iohannis khẳng định Romania đã sẵn sàng nhận quân số tăng cường của NATO, kênh Channel News Asia đưa tin.

Tổng thống Iohannis nói: “Tôi đã liên tục gửi đi thông điệp rằng chúng tôi sẵn sàng đảm nhận nhiệm vụ khi đồng minh gia tăng lực lượng trên lãnh thổ chúng tôi…Sau những thông báo của Mỹ và Pháp, chúng tôi đang liên lạc với hai đồng minh này để thiết lập những cách thức cụ thể nhằm hiện thực hóa sự hiện diện quân sự của họ”.

Ông nói: “Cuộc khủng hoảng hiện nay chứng minh một lần nữa rằng sự củng cố hiện diện của các đồng minh ở sườn phía đông, bao gồm cả đất nước chúng tôi là rất quan trọng”.

Tổng thống Romania - ông Klaus Iohannis. Ảnh: ROMANIA INSIDER

Ông còn đánh giá cao phản ứng của NATO: “Các biện pháp mà NATO đã thực hiện từ trước đến nay để củng cố sự hiện diện quân sự của khối ở sườn phía đông là một phản ứng phòng thủ nổi bật trước những thách thức an ninh đang gia tăng trong khu vực”.

Tổng thống Iohannis cũng cho biết, hôm 26-1, hội đồng quốc phòng Romania đã đánh giá tác động tiềm tàng đối với các doanh nghiệp, với lĩnh vực năng lượng và ngân hàng nếu xung đột Nga - Ukraine nổ ra.

Ông cũng nói thêm rằng chính quyền cũng đang chuẩn bị cho kịch bản dòng người tị nạn đi từ Ukraine vào Romania bởi nước này có đường biên giới dài 600 km với Ukraine.

Ngoài ra, ông Iohannis cho rằng các cuộc đàm phán là chìa khóa để giảm leo thang căng thẳng.

Phát ngôn của tổng thống Romania diễn ra sau khi Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 24-1 cho biết Washington đã đặt khoảng 8.500 lính Mỹ trong tình trạng báo động cao độ, chờ lệnh triển khai tới sườn phía đông của NATO nếu Nga tấn công Ukraine. Bên cạnh đó, Pháp cũng đã đề nghị gửi thêm quân nếu cần.

NATO hiện có lực lượng trên bộ khoảng 4.000 quân là lính của quốc gia thành viên. Mỹ cũng có binh sĩ đóng tại các căn cứ riêng ở Romania và ở Bulgaria.

Trước đó, trong bài phát biểu ngày 25-1, Tổng thống Croatia - ông Zoran Milanovic khẳng định sẽ rút lực lượng Croatia khỏi quân NATO đang đồn trú ở đông Âu nếu khối này với Nga xung đột vũ trang, đài RT đưa tin.

Xe tăng của Ba Lan, Ý, Canada và Mỹ trong cuộc tập trận Namejs 2021 của NATO. Ảnh: AP

Ông cho biết cả khối NATO đang tăng cường hiện diện quân sự ở châu Âu và ông khẳng định “Croatia không liên quan và sẽ không tham gia vào những nỗ lực này”.

Cũng trong ngày 26-1 Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đe doạ Nga sẽ phải đối mặt với hậu quả kinh tế nặng nề nếu tấn công Ukraine.

Trong cuộc họp báo với người đồng cấp Phần Lan Sanna Marin, ông Sanchez nói: "Điều quan trọng là phải gửi thông điệp tới Nga rằng bất kỳ trường hợp can thiệp quân sự nào vào Ukraine cũng sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế của nước này do các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU)".

Tuy nhiên, ông không cung cấp chi tiết về các biện pháp trừng phạt.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm