Trump bị kiện vì ra lệnh phóng tên lửa vào Syria

Theo New York Times, Tổ chức giám sát chính phủ Protect Democracy của Mỹ ngày 8-5 đã đệ đơn kiện, buộc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump phải giải trình cơ sở pháp lý cho cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình vào căn cứ quân sự Shayrat của Syria sáng 7-4.

Protect Democracy lập luận rằng cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu của chính phủ Syria là động thái biện minh cho sự tự vệ và đặt ra câu hỏi về quyền hạn của Tổng thống Trump khi ra lệnh tấn công Syria mà không xin phép quốc hội hay Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Mỹ phóng tên lửa hành trình Tomahawk vào Syria đêm 6-4 (giờ Mỹ). Ảnh: RT

Nhóm này đã đệ đơn kiện hôm 8-5 dựa theo Đạo luật Tự do thông tin, yêu cầu chính quyền Trump đưa ra tất cả thư điện tử, bản ghi nhớ và các hồ sơ hỗ trợ liên quan tới cơ sở pháp lý cho vụ tấn công Syria của Tổng thống Trump.

"Tất cả chúng ta nên thống nhất rằng trong một chế độ dân chủ hiến pháp, thẩm quyền tấn công một quốc gia khác của chính quyền hành pháp cần phải được ràng buộc bằng pháp luật", Justin Florence, Giám đốc pháp lý của Protect Democracy, nhấn mạnh.

Ông Florence cho rằng nhiều quốc gia có thể chấp nhận việc cá nhân nguyên thủ có thể ra lệnh tấn công nhằm vào nước khác mà không cần đưa ra cơ sở pháp lý nhưng Mỹ thì không nên.

Tàu chiến Mỹ ngày 7-4 phóng 59 quả tên lửa hành trình Tomahawk vào căn cứ không quân Shayrat ở tỉnh Homs của Syria. Phía Mỹ tuyên bố vụ tấn công này là nhằm trả đũa vụ quân chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học ở tỉnh Idlib sáng 4-4 khiến hàng chục người thiệt mạng. Syria bác bỏ cáo buộc thực hiện tấn công bằng vũ khí hóa học. 

Theo New York Times, trong một lá thư gửi tới Quốc hội, Nhà Trắng nói rằng quyền hành pháp của tổng tư lệnh được quy định trong Hiến pháp cho phép Tổng thống Trump có cơ sở để mở mọi cuộc tấn công, để thúc đẩy lợi ích của Mỹ và ngăn chặn việc sử dụng vũ khí hóa học. Lá thư chính thức duy nhất gửi tới Quốc hội đã kêu gọi “lợi ích an ninh quốc gia cốt lõi và chính sách đối ngoại”, được ông Florence mô tả là “mơ hồ” và “đáng lo ngại” vì không có sự thừa nhận pháp lý đối với luật pháp trong nước và quốc tế.

Martin Lederman, cựu luật sư Bộ Tư pháp, làm việc dưới thời cựu tổng thống Barack Obama, xác nhận đã nhận được bản sao tài liệu không chính thức của chính quyền Washington, giải trình rằng cơ sở pháp lý cho cuộc tấn công này cũng giống như cuộc tấn công Libya của chính quyền Obama năm 2011. Tuy nhiên, ông Lederman cũng chỉ ra rằng cuộc tấn công Libya dựa vào nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, cho phép những quốc gia sử dụng vũ lực để bảo vệ dân thường nước này, theo RT. Nhưng Liên Hiệp Quốc lại không cho phép tấn công Syria để trừng phạt chính quyền nước này sử dụng vũ khí hóa học. Vì vậy hành động của chính quyền Trump đã làm suy yếu nỗ lực kiềm chế chiến tranh của Liên Hiệp Quốc, ông Lederman nói.

Ngoài Syria, nhóm Protect Democracy còn đề cập Triều Tiên là khu vực tiềm năng xảy ra xung đột, dẫn lời của ông Trump từng nói là Mỹ có khả năng xảy ra "xung đột lớn, rất lớn" với Bình Nhưỡng.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm