Trung Quốc - Châu Phi: Cuộc phối ngẫu dàn xếp

Không phải ngẫu nhiên mà diễn đàn được tổ chức tại xứ sở huyền bí Ai Cập, đất nước mà Thượng thư bộ Hộ Phạm Phú Thứ thời Tự Đức đã gọi là Y Diệp trong sách Tây hành nhật ký.

Ai Cập là nước đông dân thứ hai ở châu Phi. Ai Cập là hóa thân cho quá khứ hào hùng của các triều đại vua pharaon vĩ đại. Từ năm 2000, Trung Quốc đã lập một diễn đàn để ấn định đường lối hợp tác mới với châu Phi. Và Ai Cập trở thành nước bản lề khi quan hệ đối tác Trung-Phi đã được xác lập tại diễn đàn tháng 11-2006.

Mỹ lo ngại Trung Quốc ở ba khía cạnh: bành trướng về thương mại sắp xếp lại trật tự thế giới và hiện đại hóa quân sự. Rõ ràng những bước đi của Trung Quốc ở châu Phi đều tuân thủ mục tiêu bành trướng ảnh hưởng Trung Quốc ở lục địa đen.

Châu Phi là cơ hội để Trung Quốc tạo nguồn nguyên liệu bền vững phục vụ cho định hướng phát triển theo tính chất đặc thù Trung Quốc. Định hướng này đã phôi thai từ năm 1993 khi Trung Quốc bắt đầu nhập khẩu dầu hỏa. Ước tính đến năm 2010, Trung Quốc phải nhập ba triệu thùng dầu mỗi ngày, tức 45% nhu cầu. Về mặt địa-chính trị, khi chọn châu Phi, Trung Quốc cũng sẽ tránh được Trung Đông, khu vực mà Mỹ đang bao trùm ảnh hưởng.

Để thực hiện định hướng đó, đầu tiên Trung Quốc nắm bắt cơ hội từ Sudan, Angola, Nigeria và Zimbabwe bởi khả năng cạnh tranh không cao và các công ty phương Tây không ham hố vì lo ngại loạn lạc. Và hiện nay, tham vọng của Trung Quốc là bành trướng ra toàn châu lục.

Bước đột phá khẩu của Trung Quốc ở châu Phi chia làm bốn chặng. Đầu tiên là dầu hỏa, khoáng sản, kế đến là xây dựng và công trình công cộng và cuối cùng là hàng xuất khẩu của các công ty tư nhân. Cơ chế tài chính đã được thiết lập để thúc đẩy đột phá khẩu ấy. Các ngân hàng Trung Quốc đã sẵn sàng cho các công ty vay tiền.  

Trước thái độ rụt rè của phương Tây, châu Phi mong muốn đa dạng hóa đối tác quốc tế khi mở rộng quan hệ với Trung Quốc. Quan hệ Trung-Phi là cuộc phối ngẫu theo dàn xếp. Tiền bạc và kỹ thuật của Trung Quốc đổ vào châu Phi, bù lại Trung Quốc sẽ hưởng lợi từ tiềm năng kinh tế vô vàn của châu lục này. Trong cuộc phối ngẫu ấy, đúng ra Liên minh châu Phi phải giữ vai trò then chốt để điều phối các tập hợp lớn và định hướng cho toàn châu lục. Chính vì vậy mà các nhà quan sát nhận định các nước châu Phi phải tổ chức lại để trao cho Liên minh châu Phi quyền ưu tiên là người đối thoại đáng tin cậy giữa châu Phi và Trung Quốc.

NGỌC LONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm