Trung Quốc đang đối đầu với láng giềng

Đô đốc Jonathan Greenert, tư lệnh hải quân Mỹ, nhận định như trên trong bài phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Washington ngày 19-5 (giờ địa phương).

Theo trang web Học viện Hải quân Mỹ, Đô đốc Jonathan Greenert khẳng định Mỹ đang đi đúng hướng và TQ thừa biết các rắc rối gần đây giữa TQ với các đồng minh của Mỹ trong khu vực sẽ không thể khiến Mỹ rời châu Á.

Ông cho biết Mỹ đang có các hoạt động tương tác tương đối tốt với Philippines, Việt Nam và các nước khác trong khu vực; các nhà lãnh đạo hải quân Mỹ cũng đang xem xét một số lựa chọn để các đồng minh thực hiện nhằm ủng hộ nỗ lực của Mỹ trong bối cảnh Mỹ đang gặp khó khăn về tài chính.

Phát biểu của Đô đốc Jonathan Greenert được đưa ra chưa đầy một tháng sau khi Mỹ ký kết với Philippines một hiệp ước quốc phòng mang tính bước ngoặt cho phép Mỹ sử dụng các căn cứ quân sự tại Philippines.

Các binh sĩ Mỹ và Philippines tập trận gần vịnh Subic (Philippines) ngày 14-5. Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG MỸ

Trong khi đó, Giám đốc chương trình nghiên cứu Thái Bình Dương (Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Mỹ) Brad Glosserman nhận định trên tạp chí National Interests (Mỹ) ngày 20-5: TQ dường như muốn chọc tức và chọn cách chiến đấu với hầu hết các nước láng giềng, làm rối trật tự pháp lý thế giới.

Ông nhận định TQ lâu nay luôn thực hiện lời dạy của Đặng Tiểu Bình “giấu sức mạnh, chờ thời cơ”. Trong những năm 1990, TQ luôn trấn an các nước láng giềng và giải quyết biên giới theo cách thức “hai bên cùng thắng”. Tuy nhiên, gần đây chính sách của TQ đã trở nên gây hấn.

Ngoài ra, TQ còn làm xói mòn trật tự thế giới thông qua hành động đưa ra khuôn khổ hòa bình và ổn định theo ý mình, kêu gọi tái khởi động đàm phán đa phương với CHDCND Triều Tiên mà không kêu gọi Bình Nhưỡng thay đổi thái độ, đồng thời duy trì ảnh hưởng tại Myanmar (có báo cáo nói TQ cung cấp vũ khí cho nhóm nổi dậy chống chính phủ tại Myanmar).

Hành động của TQ đã khiến các nước lo ngại bởi Bắc Kinh đang đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp trong nước. Đúng ra trong bối cảnh như thế TQ phải cần một môi trường quốc tế hòa bình và ổn định. Do đó, thật khó giải thích khi Bắc Kinh lại chọn chính sách đối đầu với các nước láng giềng.

Chuyên gia Brad Glosserman nhận định hành động liên tục theo đuổi vấn đề tranh chấp lãnh thổ đã khiến TQ mất dần tình cảm từ các nước láng giềng. Các nước ASEAN đang thách thức TQ. Đông Á lo ngại TQ bành trướng nên đã gia tăng chi phí quốc phòng cùng tìm kiếm các thỏa thuận quốc phòng mới.

Điều báo động lớn nhất đối với TQ là các nước trong khu vực đã sẵn sàng tăng cường quan hệ với Mỹ và chấp nhận sự hiện diện của Mỹ trong khu vực.

DUY KHANG

Chính sách của TQ đã trở nên gây hấn trong thời gian gần đây như ép Philippines tại biển Đông, buộc Nhật thừa nhận có tranh chấp ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển Việt Nam, phản ứng tàn bạo trước nỗ lực tìm kiếm máy bay mất tích MH-370, tuyên bố chủ quyền vùng biển gần Indonesia, lợi dụng vụ chìm phà Sewol để đánh bắt cá trái phép trên vùng biển Hàn Quốc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm