Trung Quốc gây căng thẳng mới về Đài Loan

Bắc Kinh triển khai tàu sân bay Liêu Ninh và cho bay thử nghiệm máy bay mới để trả đũa Tổng thống đắc cử Donald Trump. Hãng tin AFP ngày 26-12 đã đưa ra nhận định như trên.

Thử nghiệm máy bay FC-31 Gyrfalcon

Báo China Daily của Trung Quốc ngày 26-12 đưa tin hôm 22-12, mẫu máy bay chiến đấu tàng hình mới FC-31 Gyrfalcon đã bay thử nghiệm lần đầu tiên tại Thẩm Dương (tỉnh Liêu Ninh).

Mẫu đầu tiên của máy bay FC-31 Gyrfalcon bay lần đầu tiên vào tháng 10-2012 với tên gọi cũ là J-31. Mẫu mới cải tiến vừa bay thử nghiệm là mẫu thứ hai do Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc chế tạo.

Báo chí Trung Quốc khoe khoang mẫu máy bay mới trình làng có khả năng tàng hình cao hơn, thiết bị điện tử đã được cải tiến, nhẹ hơn, đồng thời cũng dễ điều khiển hơn.

Máy bay có tầm hoạt động 1.250 km, mang theo sáu tên lửa trong khoang và sáu tên lửa dưới cánh.

Chuyên gia không quân Trung Quốc Phó Tiền Tiêu khẳng định mẫu máy bay FC-31 Gyrfalcon mới nhất được trang bị nhiều thiết bị hiện đại như hệ thống ngắm điện-quang và hệ thống quan sát cài trong mũ.

Dự kiến giá bán máy bay vào khoảng 70 triệu USD, tức rẻ hơn máy bay Rafale hay Eurofighter Typhoon của châu Âu (khoảng 100 triệu USD) và rẻ gấp đôi so với máy bay F-35 Lightning II của hãng Lockheed Martin (Mỹ).

Mẫu máy bay chiến đấu tàng hình mới FC-31 Gyrfalcon. Ảnh: REUTERS

Tàu Liêu Ninh đi gần Đài Loan

AFP ghi nhận thông tin Trung Quốc thử nghiệm máy bay chiến đấu tàng hình mới được công bố vào lúc căng thẳng đang gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ về vấn đề Đài Loan.

Trung Quốc đã thực hiện nhiều hành động như muốn trả đũa chuyện ông Trump điện đàm với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn hồi đầu tháng 12.

Gần đây nhất là sự kiện tàu sân bay Liêu Ninh sẽ tiến hành tập trận ở Tây Thái Bình Dương

Báo Straits Times ngày 26-12 đã đăng bài viết với đầu đề “Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc vào biển Đông làm dấy lên căng thẳng mới”.

Cơ quan quốc phòng Đài Loan cho biết chiều 26-12, tàu sân bay Liêu Ninh đã đi qua cách đông nam quần đảo Đông Sa (Đài Loan quản lý) khoảng 90 hải lý và vào khu vực nửa trên của biển Đông.

Phía Đài Loan cho biết đã triển khai các máy bay tiêm kích F-16 cùng tàu hải quân trong vùng nhận dạng phòng không Đài Loan trên eo biển Bashi giữa Đài Loan và Philippines để sẵn sàng ứng phó.

Cùng ngày 26-12, người phát ngôn chính phủ Nhật đánh giá chuyến đi của tàu sân bay Liêu Ninh nhằm chứng tỏ năng lực quân sự của Trung Quốc đang gia tăng và Nhật vẫn đang tiếp tục theo dõi lộ trình của tàu.

Trung Quốc phản đối luật của Mỹ

Song song theo đó, trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 26-12 đưa tin người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố Trung Quốc cực lực phản đối phần liên quan đến Đài Loan trong Luật Ủy quyền quốc phòng Mỹ tài khóa 2017.

Người phát ngôn khẳng định vấn đề Đài Loan liên quan đến chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và hoàn toàn là vấn đề nội bộ của Trung Quốc.

Bà cho rằng dù nội dung liên quan đến Đài Loan trong Luật Ủy quyền quốc phòng Mỹ 2017 không mang tính chất ràng buộc nhưng vẫn vi phạm ba thông cáo chung Trung-Mỹ và can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.

Trong khi đó, báo Taipei Times (Đài Loan) đánh giá phần liên quan đến Đài Loan trong Luật Ủy quyền quốc phòng Mỹ 2017 đã chứng minh Quốc hội Mỹ đánh giá mức độ trao đổi quân sự hiện nay với Đài Loan chưa đầy đủ và đã định chế hóa quan hệ quân sự Đài Loan-Mỹ lên mức cao hơn.

Cơ quan quốc phòng Đài Loan đánh giá đạo luật đã chứng tỏ sự quan tâm và ủng hộ của Mỹ đối với an ninh quốc phòng Đài Loan và trao đổi quân sự song phương.

Cơ quan quốc phòng Đài Loan cho biết đã chuẩn bị một số kế hoạch hợp tác với Mỹ vào năm tới. Trong đó có kế hoạch đưa một phái đoàn quốc phòng Đài Loan sang thăm Lầu Năm Góc để thảo luận về các mục tiêu chiến lược và hợp tác về tâm lý chiến.

Ngày 2-12, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự thảo Luật Ủy quyền quốc phòng 2017 với 375 phiếu thuận và 34 phiếu chống. Đến ngày 8-12, dự luật được Thượng viện Mỹ thông qua với 92 phiếu thuận và bảy phiếu chống. Quốc hội Mỹ đã phê chuẩn dự luật hôm 14-12. Đến ngày 23-12, Tổng thống Obama ký phê chuẩn đạo luật.

Điều 1284 trong Luật Ủy quyền quốc phòng Mỹ 2017 nêu rằng Quốc hội Mỹ mong muốn Bộ Quốc phòng xúc tiến thực hiện chương trình trao đổi quân sự cấp cao với Đài Loan nhằm cải thiện quan hệ quân sự và hợp tác về quốc phòng Mỹ-Đài Loan.

Luật xác định bảy lĩnh vực Mỹ cần trao đổi với Đài Loan gồm: Phân tích các mối đe dọa; học thuyết quân sự; hoạch định quân lực; hỗ trợ hậu cần; thu thập và phân tích thông tin tình báo; các chiến thuật tác chiến, kỹ thuật và quy trình; cứu trợ nhân đạo và cứu hộ thảm họa.

Đây là lần đầu tiên Luật Ủy quyền quốc phòng Mỹ đưa vấn đề trao đổi quân sự cấp cao với Đài Loan vào trong đạo luật, tuy nhiên Điều luật 1284 không mang tính ràng buộc về pháp lý. Cuối tuần trước, cơ quan quốc phòng Đài Loan đã cảm ơn Tổng thống Obama phê chuẩn Luật Ủy quyền quốc phòng Mỹ 2017.

Sớm hay muộn hạm đội Trung Quốc cũng sẽ đến Đông Thái Bình Dương. Một ngày nọ khi hạm đội tàu sân bay Trung Quốc xuất hiện ở các khu vực ngoài bờ biển Mỹ, điều này sẽ thúc đẩy nhận thức sâu sắc về các quy định hàng hải.

THỜI BÁO HOÀN CẦU (Trung Quốc)

_____________________________

Trung Quốc đề nghị Mỹ duy trì cam kết về vấn đề Đài Loan, chấm dứt trao đổi quân sự và bán vũ khí cho Đài Loan, đồng thời tránh làm phương hại quan hệ Trung-Mỹ cùng với hòa bình và ổn định giữa hai bờ eo biển Đài Loan.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao
Trung Quốc HOA XUÂN OÁNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm