Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng ở châu Phi

Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng ở châu Phi ảnh 1

Ông Giả Khánh Lâm bắt tay Chủ tịch Liên minh châu Phi Theodoro Obiang Nguema tại lễ khánh thành trụ sở mới của Liên minh châu Phi ở Addis Ababa ngày 28-1. Ảnh: GETTY IMAGES

Tiêu điểm

200

triệu USD là giá xây dựng Trung tâm hội nghị Liên minh châu Phi do Trung Quốc tài trợ. Trung tâm là tòa nhà cao nhất Addis Ababa (100 m), được khởi công hồi tháng 1-2009 với 1.200 công nhân Trung Quốc và Ethiopia làm việc. Hầu hết vật liệu xây dựng đều được nhập từ Trung Quốc.

Thúc đẩy thương mại nội khối châu Phi là chủ đề của hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi lần thứ 18 khai mạc hôm 29-1 tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia. 20 nguyên thủ quốc gia ở châu Phi đã tham dự hội nghị.

Trong hai ngày, hội nghị thảo luận các biện pháp thúc đẩy thương mại giữa các nước châu Phi bao gồm cải cách chính sách thương mại, hài hòa các quy định trong châu Phi, giảm chi phí và thời gian vận chuyển hàng hóa, dịch vụ…

Hội nghị đã đề ra mục tiêu nâng mức trao đổi thương mại nội khối tăng thêm từ 20% đến 25% tổng giá trị thương mại của châu Phi trong 10 năm tới so với mức 10%-12% hiện nay.

Hội nghị lần này cũng chứng kiến vai trò gia tăng của Trung Quốc đối với châu Phi qua sự kiện Trung Quốc trao tặng cho Liên minh châu Phi trụ sở mới xây dựng tại Addis Ababa làm trung tâm hội nghị.

Ngày 28-1, tại lễ khánh thành trụ sở mới, Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc Giả Khánh Lâm đã trao chìa khóa cho Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi Jean Ping.

Ông Giả Khánh Lâm cho biết kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và châu Phi đã tăng lên mức 150 tỉ USD/năm, tức tăng gấp 13 lần so với năm 2000.

Ông cam kết trong ba năm tới Trung Quốc sẽ tài trợ cho Liên minh châu Phi 95 triệu USD cho các dự án hai bên hợp tác, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng, hòa bình và an ninh, xây dựng năng lực gìn giữ hòa bình và cơ chế đối thoại chiến lược Trung Quốc - Liên minh châu Phi.

Ông cho biết khoảng 2.000 công ty Trung Quốc đang đầu tư ở châu Phi với tổng vốn đầu tư 13 tỉ USD trong các lĩnh vực điện tử, viễn thông, giao thông vận tải, tài chính.

Phát biểu tại lễ khai trương trụ sở mới, Thủ tướng Ethiopia Meles Zenawi đánh giá những cam kết đôi bên cùng có lợi của Trung Quốc dành cho châu Phi là một trong những cơ sở để giúp châu Phi bắt đầu thời kỳ phục hưng.

Các nhà lãnh đạo châu Phi xem Trung Quốc là đối tác quan trọng để giúp châu Phi xây dựng kinh tế trong bối cảnh châu Âu và Mỹ đang chống chọi với tình hình kinh tế bất ổn.

Trong thập niên qua, châu Phi tăng trưởng kinh tế bình quân 5%/năm nhưng cơ sở hạ tầng yếu kém đã cản trở khả năng phát triển mạnh hơn. Nhận ra điều đó, các công ty Trung Quốc đã nhảy vào đầu tư.

Giám đốc phụ trách châu Phi của tổ chức tư vấn các vấn đề quốc tế Chatham House (Anh) Alex Vines nhận định Trung Quốc đang tìm cách thúc đẩy ổn định ở châu Phi trong bối cảnh “mùa xuân Ả Rập” đã làm nhiều chính phủ sụp đổ ở Bắc Phi.

Tháng 12 năm ngoái, Trung Quốc đã cam kết viện trợ 4,5 triệu USD cho phái bộ của Liên minh châu Phi ở Somalia để chống các phần tử phản loạn Shebab có liên hệ với Al Qaeda. Trung Quốc cũng là nước đóng góp chính cho các tổ chức gìn giữ hòa bình của LHQ ở Somalia, Burundi, Sudan.

Ngày 29-1, Tổng thống Benin Thomas Boni Yayi đã được bầu làm chủ tịch luân phiên Liên minh châu Phi. Ngay sau đó, ông mời gọi hai nước Sudan và Nam Sudan cải thiện quan hệ vốn căng thẳng tăng cao sau khi Nam Sudan tuyên bố độc lập hồi tháng 7-2011. Ông cũng kêu gọi Nigeria tìm kiếm hòa bình trong bối cảnh tổ chức Hồi giáo Boko Haram tổ chức đánh bom đẫm máu trong thời gian gần đây.

TNL

LÊ LINH (Theo Reuters, All Africa)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm