Trung Quốc không nhất quán về vụ kiện biển Đông

Trung Quốc có thái độ không nhất quán đối với vụ kiện của Philippines về tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông, báo Nikkei Asian Review (Nhật) dẫn nhận định của tướng về hưu Delfin Lorenzana – người sẽ trở thành bộ trưởng Quốc phòng Philippines trong nội các mới tại một cuộc phỏng vấn cuối tuần rồi.

Năm 2013, Philippines đã đệ đơn kiện tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông lên Tòa án Trọng tài thường trực LHQ. Dự kiến phát quyết sẽ có trong tháng này. Trung Quốc lâu nay luôn tuyên bố sẽ không tuân thủ phán quyết của tòa án trọng tài thường trực về vụ kiện. Trong một cuộc gặp với các bộ trưởng Quốc phòng ASEAN tại Lào tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn lại một lần nữa lặp lại quan điểm này.

Ông Delfin Lorenzana cho biết ông cảm thấy rất khó hiểu trước phản ứng của Trung Quốc với phán quyết sắp tới của Tòa án Trọng tài thường trực LHQ về vụ kiện. “Trung Quốc gửi đến Philippines tín hiệu khó hiểu. Một mặt Trung Quốc tuyên bố sẽ không tuân thủ phán quyết, một mặt lại muốn Philippines rút vụ kiện hoặc hoãn việc ra phán quyết. Như vậy là sao? Nếu Trung Quốc sẽ không tuân thủ phán quyết thì việc gì họ phải quan tâm phán quyết sẽ có vào lúc nào, hôm nay hay ngày mai?”.

Về phán quyết, ông Lorenzana cho biết: “Chúng tôi đã được các luật sư đề nghị cân nhắc kỹ phán quyết trước khi có hành động gì với nó". Ông Lorenzana cho biết ông đã đề nghị một số thành viên nội các mới, đặc biệt là ông Perfecto Yasay, nhân vật sẽ là ngoại trưởng sắp tới, không nhận lời đối thoại với Trung Quốc đến khi cân nhắc xong phán quyết.

Ông Delfin Lorenzana trả lời báo NIKKEI ASIAN REVIEW.

Nikkei Asian Review đưa ý kiến trái chiều của một số nhà phân tích về thái độ của Trung Quốc. Chuyên gia về địa chính trị châu Á Richard Heydarian tại ĐH De La Salle (Philippines) nhận định Trung Quốc rõ ràng đang hoang mang. Theo ông, Trung Quốc đang chịu áp lực thế giới, trong đó có nhóm G7, phải chấp nhận phán quyết. “Trung Quốc sẽ bị xem là kẻ ngoài vòng pháp luật nếu từ chối tuân thủ phán quyết, đây sẽ là một thảm họa cho quyền lực mềm đối với Trung Quốc vốn đang nhắm tới vị thế lãnh đạo khu vực".

Trong khi đó, nhà nghiên cứu cấp cao Ian Storey tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak (Singapore) lại không cho rằng Trung Quốc nhập nhằng gì về vụ kiện của Philippines. “Ngược lại Trung Quốc đã gửi một thông điệp rất rõ ràng: tòa án trọng tài thường trực không có thẩm quyền về vụ kiện, toàn bộ quá trình vụ kiện có động cơ chính trị và Trung Quốc sẽ không công nhận và tuân thủ phán quyết. Phản ứng của Trung Quốc với phán quyết sẽ tùy thuộc vào nội dung của nó và tùy thuộc vào việc tổng thống mới của Philippines có yêu cầu Trung Quốc tuân thủ hay đe dọa sẽ có biện pháp pháp lý nữa hay không".

Nói với Nikkei Asian Review, ông Lorenzana cho biết dù kết quả vụ kiện có thế nào, chính phủ mới của Philippines sẽ tăng cường khả năng quốc phòng của mình. Chính phủ mới của Philippines sẽ tiếp tục theo đuổi các hạng mục đầu tư quốc phòng và củng cố liên minh quân sự mà chính phủ Tổng thống mãn nhiệm Benigno Aquino đang thực hiện. Trong đó tăng cường năng lực hàng hải sẽ là một ưu tiên hàng đầu.

Tổng thống sắp mãn nhiệm Aquino rất chú trọng tăng ngân sách quốc phòng và chi tiêu quân sự để hiện đại hóa quân đội Philippines. Ông cũng rất chú ý tăng cường quan hệ hợp tác quốc phòng với Mỹ, mở đường cho Mỹ hiện diện quân sự nhiều hơn ở Philippines. Ngoài Mỹ, ông Aquino cũng quan tâm phát triển quan hệ hợp tác quân sự với Nhật.

Theo ông Lorenzana, trong hai năm tới, quân đội Mỹ có thể bắt đầu xây dựng các căn cứ quân sự ở năm địa điểm ở Philippines. Ông Lorenzana vốn là một tùy viên quân sự của Đại sứ quán Philippines tại Mỹ. Và đây là cuộc trả lời phỏng vấn với truyền thông nước ngoài đầu tiên kể từ khi ông Lorenzana được chọn làm bộ trưởng Quốc phòng trong nội các mới của Tổng thống đắc cử Rodrigo Duterte. Ông Duterte sẽ nhậm chức tổng thống vào ngày 30-6 tới.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm