Trung Quốc làm gì với phán quyết trọng tài?

Dự kiến tháng tới Tòa Trọng tài thường trực La Haye (Hà Lan) sẽ công bố phán quyết trong vụ Philippines kiện “đường chín đoạn” của Trung Quốc. Bắc Kinh sẽ phản ứng thế nào trước phán quyết trọng tài?

GS Jerome A. Cohen ở ĐH Luật New York (Mỹ) đưa ra nhiều dự báo trong bài phát biểu tại ĐH Tô Châu ở Đài Bắc hôm 14-4 (bài phát biểu được đăng lại trên tạp chí Foreign Policy ngày 20-4).

Ông nhận định chắc chắn Trung Quốc không chọn cách im lặng cho qua. Một số ý kiến cho rằng Trung Quốc có thể tuyên bố rút khỏi Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS).

Tuy nhiên, giả thiết chắc chắn nhất là Trung Quốc sẽ đưa ra các tuyên bố chính thức và không chính thức.

Tuyên bố sẽ có nội dung bác bỏ thẩm quyền của Tòa Trọng tài thường trực hoặc gieo nghi ngờ quá trình xử lý của tòa, thậm chí chỉ trích tính chất độc lập và công minh của tòa.

Lực lượng phản ứng nhanh hỗn hợp của Mỹ và Philippines tập trận đổ bộ đường biển ở Antique (Philippines) ngày 11-4. Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG MỸ

Phản ứng tiêu cực của Trung Quốc sẽ làm tổn hại cái gọi là “quyền lực mềm của Trung Quốc” và làm phương hại đến UNCLOS mà Bắc Kinh đã phê chuẩn.

Ngoài ra, các lợi ích riêng của Bắc Kinh sẽ bị tổn thương. Cộng đồng quốc tế sẽ xem Trung Quốc là hình ảnh đại diện cho hỗn loạn về luật pháp với các yêu sách chủ quyền thái quá và hành động hung hăng trên biển, bao gồm xây đảo nhân tạo, sân bay và cảng.

Điều quan trọng ở đây là chính trị chứ không chỉ là luật pháp. Phản ứng bác bỏ phán quyết trọng tài còn phản ánh các yếu tố dân tộc chủ nghĩa đang chiếm ưu thế trong bộ máy lãnh đạo quân đội và chính trị ở Trung Quốc.

GS Jerome A. Cohen đề nghị các nước có tranh chấp ở biển Đông và biển Hoa Đông cần “dội bom” Trung Quốc bằng cách cùng nhau đưa vấn đề tranh chấp ra các định chế pháp lý quốc tế giải quyết.

Giải pháp này sẽ mang lại hiệu quả thay vì các nước chỉ tính toán đàm phán song phương không bình đẳng, dai dẳng và vô ích hoặc trông chờ vào Mỹ hỗ trợ quân sự.

Ông kêu gọi các nước tranh chấp ở biển Đông nên theo gương Philippines giải quyết tranh chấp theo tiến trình UNCLOS. Ví dụ như Malaysia và Indonesia có thể sẽ làm như Philippines nếu Trung Quốc tiếp tục khiêu khích.

Thú vị nhất sẽ là trường hợp của Nhật. Với tư cách là nước thành viên UNCLOS ủng hộ tự do hàng hải, Nhật có thể đưa ra đề nghị riêng phản đối yêu sách Trung Quốc ở biển Đông dù Nhật không phải là quốc gia ở biển Đông.

Trung Quốc cố thuyết phục cộng đồng quốc tế rằng Trung Quốc là nước lớn có trách nhiệm và tôn trọng pháp quyền. Như vậy Trung Quốc cần chấp nhận phán quyết trọng tài sắp tới nhằm tìm kiếm thỏa thuận chung hợp lý để không làm suy yếu hệ thống UNCLOS.

GS Jerome A. Cohen nhận định vụ kiện trọng tài của Philippines cũng là thách thức đối với Mỹ về luật pháp quốc tế. An ninh quốc gia Mỹ ngày càng gắn bó với pháp luật về hàng hải và Mỹ cần tỏ thái độ ủng hộ các nước đưa Trung Quốc vào vụ kiện trọng tài. Thế nhưng đến nay Mỹ chưa phê chuẩn UNCLOS dù trên thực tế Mỹ hành động phù hợp với UNCLOS. Do đó Mỹ rơi vào tình thế như là “hãy làm theo những gì chúng tôi nói chứ không phải những gì chúng tôi làm”. Mỹ cũng mất lợi thế so với Trung Quốc về các khả năng giải quyết tranh chấp bởi các nước có cảm giác Mỹ xem giải pháp quân sự đầy rủi ro là giải pháp duy nhất để đáp trả Trung Quốc ở biển Đông.

___________________________________

Khiêu khích chính trị dưới vỏ bọc luật pháp.

(Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã từng chỉ trích
Tòa Trọng tài thường trực)

Nếu quá trình đàm phán giữa Nhật với Trung Quốc về tranh chấp trên biển Hoa Đông cứ kéo dài, Nhật sẽ nhờ cậy đến tác nhân thứ ba.

Đảng DÂN CHỦ TỰ DO của Thủ tướng Shinzo Abe

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm